24/07/2025 18:42 GMT+7

Ban Chỉ đạo Trung ương kết nối với xã ở Nghệ An vừa bị chia cắt, nghe đề xuất hỗ trợ

Nhiều xã của Nghệ An vẫn bị cô lập, chia cắt do mưa bão, dự kiến ngày 25-7 mới thông tuyến. Chủ tịch tỉnh khẳng định chủ động hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân, không để cảnh 'màn trời chiếu đất'.

Ban Chỉ đạo Trung ương kết nối với xã ở Nghệ An vừa bị chia cắt, nghe đề xuất hỗ trợ - Ảnh 1.

Phiên họp trực tuyến kết nối với 34 địa phương và 3.321 xã - Ảnh: T.HẢI

Chiều 24-7, tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025, từ điểm cầu trung ương đã kết nối với xã Mường Xén (Nghệ An) - nơi vừa bị chia cắt do mưa lũ, ngập lụt và đang tập trung khắc phục thiệt hại. 

Người dân bị thiệt hại tài sản nặng nề

Ông Nguyễn Viết Hùng, bí thư xã Mường Xén (Nghệ An), cho hay tối 21-7 trời mưa lớn, kết hợp xả lũ, khiến nước sông Nậm Mô dâng nhanh, càn quét các khu vực xung quanh và đến 11h trưa 22-7 nước rút.

Trung tâm xã và quốc lộ 7 nước ngập sâu gây mất điện và ùn tắc phương tiện giao thông, với 10/22 khối bản bị ngập từ 1 - 3,5m, một số đường bị cô lập và chia cắt, mất điện, mất sóng, mất nước toàn bộ khu vực khối 1-5 thị trấn Mường Xén cũ. 

"Nhiều nhà bị bùn đất, cây cối đâm vào, cuốn trôi tài sản nhân dân như tivi, tủ lạnh, phương tiện, vật nuôi, nông sản, sách vở của học sinh. Rất may là chưa ghi nhận thiệt hại về người. Đến nay nước rút hoàn toàn nhưng nhiều tuyến còn đất bùn rất cao, có đoạn lên tới hơn 3m" - ông Hùng thông tin. 

Từ thực tiễn, ông Hùng kiến nghị tỉnh và trung ương sớm khơi thông các tuyến đường giao thông, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, đặc biệt thiệt hại về tài sản, sớm ổn định cuộc sống.

Báo cáo tình hình, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cho biết đây là lũ lịch sử chưa từng có và gây ngập lụt trên diện rộng. Sạt lở, chia cắt nhiều xã miền núi khiến nhiều cơ sở hạ tầng bị cuốn trôi, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. 

Tỉnh Nghệ An đã chủ động thực hiện theo công điện của Thủ tướng, thu thập thông tin về dự báo, điều tiết xả lũ tại hồ thủy điện Bản Vẽ phù hợp tình hình, di dời người và tài sản tới nơi an toàn, để người dân không rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất", thiếu ăn, thiếu mặc.

Tỉnh cũng xây dựng hai kịch bản ứng phó, trong đó: lấy đỉnh lũ năm 2008 làm căn cứ để di dân; hai là thống kê, phân loại di dời người dân khỏi nơi nguy hiểm, nguy cơ sạt lở, hạn chế tối đa thiệt hại. Nước rút đến đâu đảm bảo giao thông, khôi phục nhà ở đến đó. 

Nghệ An - Ảnh 2.

Chủ tịch tỉnh Nghệ An - Ảnh: TÂM PHẠM

Vẫn còn nhiều xã bị cô lập, cô lập một phần

Ghi nhận đến 10h ngày 24-7, vẫn còn 30 xã bị cô lập hoàn toàn (6 xã) hoặc cô lập một phần (24 xã). Nhu yếu phẩm cung cấp đầy đủ cho người dân, Bộ Quốc phòng bố trí máy bay trực thăng cung cấp cho dân. Chiều nay thông tuyến tới Tương Dương và sáng mai 25-7 thông tới Kỳ Sơn. Hiện còn 4 đường dây với 7.800 khách hàng bị mất điện. Thông tin liên lạc đã cơ bản được nối lại. 

"Thủ tướng chỉ đạo, Phó thủ tướng trực tiếp kiểm tra và các bộ ngành cùng vào cuộc cho thấy qua hoạn nạn là tình đoàn kết, tương thân tương ái. Đến nay, chúng tôi đã phân công lãnh đạo tỉnh bám sát địa bàn để chỉ đạo, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho người dân. 

Khi thực hiện chính quyền hai cấp, đây là trải nghiệm đầu tiên, thể hiện trách nhiệm các cấp luôn quan tâm sâu sát, trách nhiệm, bám địa bàn, bám người dân, ứng phó với các tình huống" - ông Vinh bày tỏ. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ lại việc ứng phó trước diễn biến mưa lũ tại thủy điện Bản Vẽ khi lực lượng chức năng trực cả đêm. Thực tế, lưu lượng nước có thời điểm lên tới hơn 13.000m3/s, gấp ba lần thực tế là rất nguy hiểm, nên các lực lượng chủ động ứng phó ngăn chặn tình huống bất ngờ.

Ngoài ra, với tình hình chia cắt trên diện rộng, ông Hiệp cho hay cần tập trung khắc phục và ngăn sạt lở. Ví dụ tại Con Cuông, Tương Dương, nhiều đoạn đường khi có mưa lũ, ngập lụt gây chia cắt trên diện rộng thì cần phải xử lý ngay để thông tuyến…

Diễn biến bão đến cuối năm khó lường

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay những tháng cuối năm 2025, tình hình thiên tai vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Dự báo số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông ảnh hưởng tới Việt Nam tương đương trung bình nhiều năm, khoảng 8-11 cơn bão; dự báo có 3-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta. Hiện cơn bão thứ 4 đang hình thành nhưng khả năng không ảnh hưởng tới Việt Nam.

Ngoài ra, tình hình mưa lớn, thời kỳ nửa cuối tháng 7 tới tháng 9, ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xuất hiện nhiều đợt mưa, đặc biệt là mưa cực đoan. Từ tháng 10 đến tháng 12, mưa lớn tập trung ở Trung Bộ trùng thời kỳ bão áp thấp nhiệt đới hoạt động mạnh, nên cần đề phòng nguy cơ lũ chồng lũ.

Vì vậy các lực lượng chức năng cần thực hiện nhiệm vụ thường xuyên như đẩy mạnh chất lượng dự báo sớm, nâng cấp trang thiết bị, tập trung dự báo về tình hình thời tiết, cơn bão mạnh, lũ cực đoan, sạt lở, lũ lụt…

Trung ương họp phòng chống thiên tai, kết nối với xã ở Nghệ An vừa bị chia cắt nghe đề xuất hỗ trợ - Ảnh 3.Thủ tướng: 'Không thể nói địa bàn bị chia cắt nên lãnh đạo không lên được'

Đó là yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính - trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 chủ trì phiên họp lần thứ nhất chiều 24-7.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp