
Vị trí và hướng di chuyển bão số 3 lúc 4h sáng 22-7 - Ảnh: NCHMF
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 6h sáng nay, tâm bão số 3 đang cách Quảng Ninh khoảng 170km về phía Nam Tây Nam, cách Hải Phòng khoảng 60km về phía Đông Nam, cách Hưng Yên khoảng 50km về phía Đông, cách Ninh Bình khoảng 70km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 9-10 (89-102km/h), giật cấp 13.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15km/h. Khu vực ven biển Hải Phòng - Hưng Yên đang là vùng bão gió mạnh nhất lúc này. Lưu ý tác động gió mạnh tăng cường ở các khu đô thị nhiều nhà cao tầng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 4h50 sáng nay, do ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha), các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An đang bị mưa to nhất. Dọc ven biển các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình gió đang rất mạnh.
Các xã vùng cao Thanh Hóa bắt đầu có mưa, sẵn sàng di dân

Sáng 22-7, tại bản Xộp Huối, xã vùng cao Na Mèo, tỉnh Thanh Hóa bắt đầu có mưa, gió nhẹ - Ảnh: NGÂN PHÚC HẬU
Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ Online lúc 6h sáng, tại khu vực Thanh Hóa đang có mưa vừa, có lúc mưa to kèm gió, nhưng thổi chưa mạnh.
Đến hơn 7h sáng, tại các xã vùng cao của tỉnh Thanh Hóa như Na Mèo, Trung Lý, Nhi Sơn, Trung Hạ… bắt đầu có mưa. Chính quyền các địa phương đã sẵn sàng phương án di dời hàng nghìn hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét, lũ ống đến nơi an toàn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 22-7, ông Ngân Phúc Hậu - phó chủ tịch UBND xã Na Mèo, cho biết: “Đầu giờ sáng nay, tại địa phương bắt đầu có mưa nhỏ, gió nhẹ. Trên các tuyến đường giao thông của xã vắng người đi lại, người dân chủ yếu ở trong nhà tránh bão.
UBND xã Na Mèo đã có phương án di dời 55 hộ dân, với 220 nhân khẩu của bản Cha Khót đến nơi ở an toàn, nếu ngày hôm nay mưa lũ diễn biến phức tạp, có nguy cơ sạt lở đất đá tại bản này và khi có lệnh của cấp trên”.
Tại xã vùng cao Trung Hạ, tỉnh Thanh Hóa, đến sáng nay 22-7, chính quyền, công an, dân quân, người dân địa phương đã di dời toàn bộ 39 hộ dân với 168 nhân khẩu ở bản Muỗng đến nơi tạm trú an toàn để phòng tránh mưa lũ do bão số 3.
Số người dân này sinh sống dọc đồi thấp ven sông Lò, khe, suối có nguy cơ sạt lở đất đá rất cao khi mưa lũ. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa di dời dân khẩn cấp phòng tránh thiệt hại do mưa lũ có thể xảy ra.
Còn tại xã vùng cao Trung Lý, tỉnh Thanh Hóa, sáng nay trời bắt đầu mưa nhỏ. Đây là địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở đất đá, lũ quét, lũ ống vào mùa mưa lũ, gây thiệt hại nặng nề cho Nhà nước và người dân.
Ngay trong đêm 21 và sáng 22-7, lãnh đạo, lực lượng chức năng của xã đã trực tiếp đến các bản để tuyên truyền, hướng dẫn người dân sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi mưa lũ lớn, phức tạp.
Hưng Yên bất ngờ hửng nắng
Rạng sáng 22-7, khu vực ven biển Hưng Yên có gió lớn kèm mưa. Nhiều khu vực ở xã Đồng Châu xảy ra mất điện từ đêm 21-7.
Thông tin nhanh với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Mạnh Cường - phó chủ tịch UBND xã Đồng Châu - xác nhận tình trạng mất điện và cho biết nguyên nhân ban đầu xác định do sự cố liên quan tới đường dây, bởi gió lớn.
“Đây không phải chủ trương cắt điện hay sự cố diện rộng”, ông nói.
Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên cũng đã có thông báo gửi các cơ quan chức năng, UBND xã, phường, đơn vị có liên quan về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 tại các bến khách ngang sông. Theo đó, tất cả các bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh sẽ dừng hoạt động từ 18h ngày 21-7.

Hưng Yên bất ngờ hửng nắng, sóng yên gió lặng lúc 6h40 - Ảnh: HỒNG QUANG
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên, bà Hà Thị Thu Phương, cho biết trước diễn biến phức tạp của bão số 3 - trong đó Hưng Yên là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ em, cán bộ, giáo viên, người lao động.
Từ ngày 22-7, tỉnh không tổ chức đón trẻ đến các cơ sở giáo dục mầm non cho đến khi bão tan và tình hình an toàn trở lại.

Cơn dông trước bão Wipha kéo tới ven biển Hưng Yên rạng sáng 22-7 - Ảnh: HỒNG QUANG
Những hình ảnh trước khi bão số 3 đổ bộ
Vào lúc 4h sáng 22-7, tâm bão số 3 (Wipha) đang cách Quảng Ninh khoảng 140km về phía tây tây nam, cách Hải Phòng khoảng 70km về phía đông, cách Hưng Yên khoảng 80km về phía đông đông bắc, cách Ninh Bình khoảng 110km về phía đông bắc.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 3 mạnh cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 13.

Tại Hà Nội thời điểm 6h10 sáng nay, trời nổi gió nhẹ, không mưa, nhiều hàng ăn sáng đóng cửa, đường phố thưa thớt người - Ảnh: PHẠM TUẤN

Hải Phòng lúc 6h sáng không mưa, gió nhẹ - Ảnh: TIẾN NGUYỄN

Ảnh chụp đường phố Hạ Long lúc 6h10, chỉ có mưa nhỏ, gió gần như không có - Ảnh: NAM TRẦN

Tại Hà Nội, lúc 5h30 gió nhẹ, trời mưa lớt phớt. Trên đường Hoàng Quốc Việt có cây nhỏ bị đổ ra đường - Ảnh: CHÍ TUỆ
Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều nơi ven biển và đất liền đã có gió mạnh, Bạch Long Vĩ cấp 10, giật cấp 12; Cô Tô cấp 8, giật cấp 11; Cát Bà cấp 6, giật cấp 8; Cửa Ông cấp 9, giật cấp 12; Bãi Cháy cấp 8, giật cấp 9; Quảng Hà cấp 8; Tiên Yên có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; trạm Thái Bình có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Móng Cái có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; Phủ Liễn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8…
Khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa đến mưa rất to, lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 130mm.
Dự báo từ sáng đến trưa nay, bão chạy áp sát vùng biển Hải Phòng - Ninh Bình rồi sau đó đi vào đất liền nước ta trong khoảng gần trưa đến chiều nay.
Do ảnh hưởng của bão số 3, ở vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 13.
Khu vực sâu trong đất liền các tỉnh/thành Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình và Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.

Ảnh mây vệ tinh bão số 3 lúc 4h sáng 22-7 - Ảnh: NCHMF
Vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, đảo Hòn Dấu) có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 13.
Vùng biển nam vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 11, sóng biển cao 2-4m.
Vùng ven biển Hưng Yên - Quảng Ninh có nước dâng do bão cao từ 0,5-1m. Mực nước tại Ba Lạt (Hưng Yên) cao 2,4-2,6m, Hòn Dấu (Hải Phòng) cao 3,9-4,3m, tại Cửa Ông (Quảng Ninh) cao 4,6-5m và tại Trà Cổ (Quảng Ninh) cao 3,6-4m. Nguy cơ cao gây ngập, úng tại khu vực ven biển, cửa sông vào chiều 22-7.
Từ sáng sớm nay đến ngày 23-7, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm.
Các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 70-150mm, cục bộ có nơi trên 250mm.
Đề phòng mưa lớn trên 150mm trong 3 giờ đồng hồ gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận