01/07/2025 15:59 GMT+7

Bên trong nhà máy xe điện Trung Quốc: Đẹp 'lạnh lùng' và vắng bóng con người

Mới đây, nhiếp ảnh gia người Canada Edward Burtynsky đã gây chú ý với những bức ảnh chụp lại một nhà máy sản xuất ô tô điện vẫn hoạt động nhưng 'không một bóng người' ở Trung Quốc.

xe điện Trung Quốc - Ảnh 1.

Bên trong nhà máy sản xuất ô tô điện "không người" ở Trung Quốc - Ảnh: CNN

Nhiếp ảnh gia Edward Burtynsky - người từng ghi dấu ấn với loạt ảnh công nhân trong các nhà máy Trung Quốc những năm 2000 - vừa trở lại với một góc nhìn hoàn toàn khác, khi chụp lại một nhà máy sản xuất ô tô điện hiện đại nhưng không một bóng người ở gần thành phố Thượng Hải, phía đông Trung Quốc.

“Đây là một nhà máy do con người xây dựng nhưng do robot điều hành. Tôi nghĩ đây là hình ảnh dự báo tương lai của toàn ngành sản xuất”, ông Burtynsky mô tả về cơ sở sản xuất thuộc Hãng xe điện BYD với Đài CNN.

Từng nổi tiếng với những bức ảnh mô tả các nhà máy đông nghẹt công nhân mặc đồng phục làm việc theo dây chuyền, ông Burtynsky lần này chụp một bức ảnh nhà máy vận hành bởi robot, không cần lao động thường xuyên hiện diện.

Thay vì sự sống động của hàng ngàn công nhân, hình ảnh nổi bật nhất ông ghi lại là một chiếc xe chưa hoàn thiện nằm giữa dây chuyền sản xuất.

Không gian xung quanh được thiết kế đối xứng hoàn hảo, khiến nhà máy trông giống như một “nhà thờ” công nghiệp, vừa uy nghi vừa lạnh lẽo.

BYD - cú nhảy vọt bằng tự động hóa

BYD, “gã khổng lồ” xe điện Trung Quốc, hiện là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Hãng xe điện Tesla của Mỹ.

Năm 2024, BYD giao tổng cộng 4,27 triệu xe, bao gồm 1,76 triệu xe điện và khoảng 2,5 triệu xe hybrid (những dòng xe sử dụng kết hợp động cơ đốt trong và mô tơ điện). Trong khi đó, Tesla chỉ giao khoảng 1,79 triệu xe điện.

Điểm mạnh của BYD nằm ở chi phí sản xuất thấp. Mẫu xe Seagull, thuộc dòng rẻ nhất của hãng này, có giá chỉ khoảng 10.000 USD tại Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với mẫu rẻ nhất của Tesla (Model 3, giá từ 32.000 USD). Điều này một phần là nhờ vào hệ thống sản xuất được tự động hóa ở mức cao.

Ông Burtynsky được cấp phép đặc biệt để vào nhà máy BYD ở gần Thượng Hải. Ngoài ông ra, những “con người” còn lại trong nhà máy chủ yếu là kỹ thuật viên để bảo trì máy móc và giữ hệ thống hoạt động trơn tru.

“Không có công đoàn, không có tiền lương, không nghỉ ốm, và các máy móc có thể hoạt động suốt 24/7 miễn là có điện”, ông nói với Đài CNN.

Công xưởng không mất đi

Bức ảnh chụp bên trong nhà máy BYD là một phần trong dự án lớn hơn của ông Burtynsky có tên “China in Africa”, nhằm khám phá mô hình toàn cầu hóa mới mà Trung Quốc đang thực hiện.

Trong đó ông ghi lại các cơ sở sản xuất, tuyến đường sắt, nhà kho và xưởng may do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ở châu Phi, đặc biệt là tại Ethiopia.

Theo ông, lao động giá rẻ từng hiện diện trong các nhà máy Trung Quốc đầu những năm 2000 nay không biến mất, mà được “chuyển vị trí” sang những nơi mới như châu Phi, nơi các doanh nghiệp Trung Quốc đang từng bước kiểm soát cả chuỗi cung ứng, từ mỏ khoáng, nhà máy đến sản phẩm cuối cùng.

BYD, chẳng hạn, đã đầu tư mua quyền khai thác mỏ lithium ở Brazil để tự chủ nguyên liệu sản xuất pin xe điện - một chiến lược “tích hợp dọc” hoàn chỉnh.

Dù các tác phẩm của Burtynsky thường mô tả hệ lụy của công nghiệp hóa, từ mỏ đồng, hồ muối đến rừng bị tàn phá, ông luôn giữ thái độ trung tính.

“Không có đồng, tôi đã không thể gọi Zoom cho bạn”, ông nói, nhấn mạnh sự mâu thuẫn giữa tiến bộ công nghệ và tổn thất môi trường.

Nhà máy của BYD cũng chứa đựng những nghịch lý như xe điện giúp giảm khí thải, nhưng quá trình sản xuất lại tiêu tốn tài nguyên.

Và với Trung Quốc, việc giảm lao động “bị cơ giới hóa” không hẳn là tổn thất, mà có thể là một bước tiến nhân văn.

“Tôi không cố nói tốt hay xấu. Tôi chỉ cố gắng đưa người xem đến những thế giới mà họ ít thấy, để chiêm nghiệm và đặt câu hỏi”, ông Burtynsky kết luận.

Bên trong nhà máy xe điện Trung Quốc: Đẹp lạnh lùng nhưng vắng bóng con người - Ảnh 3.Xiaomi ra xe điện thứ hai, CEO Lôi Quân trở thành người giàu nhất Trung Quốc

Cổ phiếu Xiaomi đã đạt đỉnh cao mới khi đạt mức giá 61.45 HKD, đồng thời đưa CEO Lôi Quân lên ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Xiaomi đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trên thị trường xe điện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp