
Phước Linh lụy những giây phút mọi người đồng thanh hát “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” - Ảnh: NVCC
Chưa từng gặp nhau, nhưng chỉ cần là người Việt Nam, tất cả cũng hóa thân quen. Những ngày dõi theo các chiến sĩ trong "concert quốc gia" dịp đại lễ 30-4 năm nay đã tạo nên một "khối yêu nước" đầy cảm xúc. Chính sự gắn kết chan chứa nghĩa tình ấy khiến nhiều người trẻ bịn rịn, bùi ngùi lúc chia tay.
Nghẹn ngào chia tay chuỗi ngày dõi theo “concert quốc gia”
Rầm rập bước chân, âm vang hào khí diễu binh, diễu hành trên đường phố TP.HCM
Hai tuần qua, hình ảnh các khối diễu binh, diễu hành đi giữa vòng tay nhân dân, trong lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, trong sự tự hào những tiếng hò reo cổ vũ, được người dân lau những giọt mồ hôi lấm tấm, tặng nhau những món quà, kỷ vật… đã trở thành kỷ niệm khó phai với người dân ở vùng đất phương Nam.
Nhớ lại những hôm cắm trại xuyên đêm, giao lưu với các chiến sĩ, Ngọc Nhi (22 tuổi, TP.HCM) nói kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chuỗi “concert quốc gia” là tình cảm ấm áp giữa những người Việt Nam.
Dù không quen biết, mọi người vẫn chia sẻ từng chai nước, miếng bánh, che ô cho nhau khi nắng gắt hay mưa bất chợt. Mọi người nhường chỗ ngồi, chịu cảnh chen chúc, nóng bức, nhưng ai cũng nở nụ cười rạng rỡ, vẫy cao lá cờ đỏ sao vàng khi đoàn diễu hành đi ngang qua.
“Quá nhiều hình ảnh in đậm trong tâm trí mà chúng ta gọi là vẻ đẹp của hòa bình. Mình “lụy concert” không phải vì ánh đèn, sân khấu, là vì tự hào, xúc động, tình yêu nước giản dị nhưng sâu sắc đến vậy”, Ngọc Nhi xúc động.
Chỉ mong thời gian ngày 30-4 đừng trôi qua quá nhanh, bởi trong ký ức của Ngọc Nhi, lễ diễu binh, diễu hành ngập tràn hình ảnh khó phai. Đoàn quân nghiêm trang đi đều bước. Người dân cắm trại qua đêm để giữ chỗ đẹp.
Giữa rừng cờ đỏ, du khách quốc tế mỉm cười, vẫy tay, vỗ tay theo tiếng nhạc. Dù không hiểu tiếng Việt, họ vẫn cảm nhận được tinh thần yêu nước của người Việt Nam.
Xúc động nhất, là lúc các cựu chiến binh mang trên ngực những huy chương lấp lánh bước đi trong tiếng vỗ tay và ánh mắt kính trọng của thế hệ hôm nay.
Dư âm của ngày 30-4 vẫn còn trong trái tim Phước Linh (21 tuổi, TP.HCM). Cắm trại từ 20h tối 29-4 đến 9h sáng hôm sau, dù rất mệt, nhưng khi đoàn diễu binh đi qua, mọi mệt mỏi như tan biến. Phước Linh cảm nhận giá trị của hòa bình, tinh thần đoàn kết của nhân dân và lòng yêu nước mãnh liệt của người dân Việt Nam. Chính cảm xúc ấy đã khiến cô thấy mình vẫn "lụy" khi về nhà.
“Ước gì được sống mãi khoảnh khắc này. Đây là một kỷ niệm đặc biệt. Dù qua 10 năm, 20 năm, mình vẫn muốn được sống lại cảm giác ấy”, Linh nói.
Bà con đồng thanh hát 'Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng' khi xem diễu binh. Nhiều dân mạng bình luận: "Fanchant này chúng tôi thuộc từ khi 5 tuổi"
Điều đọng lại trong lòng Phước Linh là khoảnh khắc mọi người quây quần bên nhau, cùng nhau hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, các cô chú cựu chiến binh ngồi cùng người dân chờ đoàn diễu binh đi qua. Ánh mắt họ lấp lánh tự hào khi thấy niềm hạnh phúc trong hòa bình của đất nước khiến Linh không kìm được xúc động.
Không chỉ những người trực tiếp dự lễ, mà cả khán giả theo dõi qua màn ảnh nhỏ cũng lắng đọng cảm xúc. Nhiều người đã chia sẻ cảm nghĩ lên mạng xã hội để lưu giữ cột mốc kỷ niệm đáng nhớ.

Khoảnh khắc các cô chú cựu chiến binh đi ngang qua, ai ai cũng vỗ tay, vẫy chào khiến Ngọc Nhi xúc động - Ảnh: NVCC
Người dân háo hức hướng đến Quốc khánh 2-9
Cảm giác nuối tiếc này sẽ còn trong một thời gian dài, và khiến nhiều người háo hức, muốn đặt vé bay đến Hà Nội để xem lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Quốc khánh (2-9).
“Em thấy tiếc vì đợt này không thể tham dự lễ 30-4 tại TP.HCM do phải ôn thi cuối kỳ. Nhưng chính vì vậy mà em càng quyết tâm được đến thủ đô trong ngày 2-9”, Ngọc Duyên (17 tuổi, Đồng Nai) chia sẻ.
Đặt nguyện vọng vào Trường đại học Sĩ quan Chính trị (Hà Nội), Duyên mong một ngày gần nhất sẽ có cơ hội hòa mình vào dòng người đón đại lễ tại quảng trường Ba Đình.
Còn Khang Nguyễn (26 tuổi, huyện Hóc Môn, TP.HCM) thì không giấu được sự phấn khích: "Tôi chuẩn bị hết rồi. Các bác tổ chức luôn 2-9 vào ngày mai cũng được ạ!". Không chỉ là lời nói vui, Khang đã sớm lên kế hoạch đặt vé máy bay, khách sạn và sắm sẵn áo quần từ tháng 4.
Anh kể lý do thôi thúc mình quyết tâm đi lần này là để đưa mẹ cùng ra Hà Nội.
“Mẹ tôi rất mong được xem trực tiếp nhưng không may đợt rồi mẹ ngã bệnh, chỉ có thể theo dõi qua tivi. Lần tới, tôi sẽ cố gắng để cả hai mẹ con được có mặt tại quảng trường”, Khang xúc động nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận