
Nhóm tội phạm hoạt động xuyên quốc gia, có quy luật hoạt động tinh vi và liều lĩnh, giao ma túy bằng xe ôm công nghệ. Trong ảnh: tang vật công an thu giữ trong quá trình điều tra - Ảnh: TUYÊN VĂN
Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự 2025 đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển ma túy, thay bằng tù chung thân không xét giảm án, với mục tiêu nhân đạo hóa chính sách hình sự, phù hợp cam kết quốc tế và khắc phục một số bất cập trong áp dụng tử hình.
Từ góc nhìn thực tiễn xét xử, ông Lê Thiết Hùng - phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị - cho rằng đề xuất này đặt ra một số băn khoăn về khả năng duy trì tính răn đe và bảo vệ cộng đồng trước hiểm họa ma túy.
Tội danh vận chuyển ma túy rất phổ biến
Trong chuỗi hành vi đưa ma túy vào cộng đồng, tội vận chuyển trái phép chất ma túy (điều 250, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017) đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là "mạch nối" đưa ma túy từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng.
Theo báo cáo tổng kết công tác xét xử của Tòa án nhân dân tối cao, trong năm 2023 các tòa án trên cả nước đã giải quyết 26.469 vụ án ma túy, với 41.419 bị cáo bị xét xử về các tội danh liên quan đến ma túy (sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng).
Trong đó tội vận chuyển trái phép chất ma túy chiếm 38,2% tổng số vụ án, tương đương khoảng 10.111 vụ và 15.802 bị cáo.
Đây là tội danh phổ biến thứ hai trong nhóm tội phạm ma túy, chỉ đứng sau tội mua bán (42,5%) và vượt xa các tội sản xuất (8,3%) hay tàng trữ (7,9%).
Tỉ lệ này cho thấy vận chuyển ma túy là một trong những hành vi chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi tội phạm ma túy.
Số liệu trên phản ánh thực trạng rằng hành vi vận chuyển không chỉ phổ biến mà còn là "cầu nối" trong mạng lưới tội phạm ma túy.
Điều này đòi hỏi các chính sách hình sự phải được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả răn đe và ngăn chặn, đặc biệt khi xem xét thay đổi hình phạt như đề xuất trong dự thảo Bộ luật Hình sự 2025.
Bản án nghiêm khắc dành cho các bị cáo vận chuyển ma túy không chỉ nhằm trừng trị hành vi cá nhân, mà còn góp phần ngăn chặn các hành vi tương tự.
Nên giữ hình phạt tử hình tội vận chuyển trái phép chất ma túy từ 3kg trở lên
Ủng hộ tinh thần nhân đạo của đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển ma túy, từ góc nhìn thực tiễn xét xử, chúng tôi không khỏi băn khoăn về tác động của việc thay đổi này.
Hình phạt tử hình từ lâu được xem là công cụ quan trọng tạo áp lực tâm lý đối với tội phạm ma túy, đặc biệt tại các tuyến biên giới trọng điểm.
Thực tế hiện nay ở tỉnh Quảng Trị, tội phạm ma túy có xu thế thuê người chưa thành niên vận chuyển ma túy để tránh bị án tử hình.
Nếu thay tử hình bằng tù chung thân, dù không xét giảm án, một số đối tượng liều lĩnh, thường là những người nghèo hoặc bị ép buộc, có thể vẫn chấp nhận rủi ro vì lợi nhuận.
Với tỉ lệ 38,2% vụ án ma túy liên quan đến vận chuyển trong năm 2023, hành vi này là một trong những "cánh cửa" chính đưa ma túy vào cộng đồng.
Nếu hình phạt tử hình được thay thế, liệu số vụ vận chuyển có thể gia tăng?
Thực tiễn xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị những năm 2022-2023 cho thấy các đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia hoạt động ngày càng tinh vi.
Hình phạt nghiêm khắc như tử hình có thể góp phần hạn chế sự táo bạo của các đường dây này, từ đó giảm nguồn cung ma túy và giảm các tệ nạn liên quan như nghiện ngập và tội phạm phát sinh.
Dự thảo cho rằng người vận chuyển thường chỉ là "người làm thuê", và không phải chủ mưu, do đó không cần áp dụng tử hình.
Tuy nhiên thực tiễn xét xử cho thấy việc xác định vai trò của người vận chuyển không đơn giản.
Trong nhiều vụ án, người vận chuyển biết rõ khối lượng ma túy lớn (hàng chục kg) và hậu quả của hành vi, nhưng vẫn cố ý thực hiện vì lợi ích.
Dù không phải chủ mưu, hành vi của họ trực tiếp góp phần đưa ma túy vào cộng đồng.
Nếu bỏ tử hình, các đối tượng tương tự có thể viện dẫn lý do "làm thuê" để xin khoan hồng, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Dựa trên thực tiễn xét xử và dữ liệu về tỉ lệ tội vận chuyển ma túy, nên cân nhắc giữ hình phạt tử hình cho tội vận chuyển trái phép chất ma túy trong một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, cụ thể là khi khối lượng ma túy từ 3kg trở lên.
Trường hợp dưới mức này, hình phạt tù chung thân không xét giảm án có thể được áp dụng để đảm bảo tính nhân đạo, phù hợp với xu hướng quốc tế.
Việc nâng mức định lượng từ 100g lên 3kg sẽ giúp tập trung hình phạt tử hình vào các vụ vận chuyển khối lượng lớn, có tác động nghiêm trọng đến xã hội, đồng thời giảm nguy cơ áp dụng tử hình trong các trường hợp vai trò thứ yếu hoặc khối lượng nhỏ.
Bên cạnh đó, cần kết hợp các biện pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng để nâng cao nhận thức về hậu quả của hành vi vận chuyển ma túy.
Các chương trình hỗ trợ kinh tế, tạo việc làm cho người dân cũng là giải pháp dài hạn để giảm thiểu tình trạng tham gia vận chuyển ma túy.
Cuộc chiến chống ma túy đòi hỏi sự nghiêm minh, nhưng cũng cần sự linh hoạt để đảm bảo công lý và an toàn cho cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận