
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: T. TUẤN
Chiều 7-5, các đại biểu tiến hành thảo luận ở tổ về dự Luật Cán bộ, công chức sửa đổi.
Vì sao giữ quy định về ngạch công chức?
Phát biểu giải trình tại tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay việc sửa luật lần này được đổi mới một cách căn bản, đồng bộ, với những vấn đề được các chuyên gia đánh giá là "rất đột phá".
Trước tiên, về xác lập vị trí việc làm, Bộ trưởng Trà cho biết đây là công cụ, "sợi chỉ xuyên suốt" trong cả hành trình thiết kế của Luật Cán bộ, công chức.
Mục đích để xác định vị trí việc làm là trung tâm, cốt lõi, quyết định trong tất cả các công việc liên quan đến sử dụng, tuyển dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cũng như kỷ luật, khen thưởng, đánh giá cán bộ, công chức.
Tuy nhiên theo bộ trưởng, dự thảo cũng được thiết kế theo hướng giữ quy định về ngạch công chức.
Lý do theo bà, đây là một công cụ kỹ thuật rất quan trọng để phân định thứ bậc, nếu bỏ đi ngay sẽ rất khó để phân định.
Từ nay đến khi thực hiện cải cách tiền lương còn một chặng đường nữa, nếu bỏ ngay sẽ rất khó để thiết kế các vấn đề có liên quan đến cơ chế, chính sách.
"Khi anh được tuyển dụng theo vị trí việc làm, tương ứng với đó tôi bổ nhiệm anh vào ngạch luôn, bỏ đi việc tập sự, bớt đi một năm không cần thiết", bà Trà cho hay.
Điểm mới khác, lần sửa đổi này đã quy định về việc bỏ thi nâng ngạch.
"Chắc là đội ngũ cán bộ công chức rất vui. Hay việc bỏ quy định tập sự, chắc đội ngũ cán bộ, công chức trong tương lai cũng thấy rất hợp lý", bà Trà chia sẻ.
Hay vấn đề liên quan đến kiểm định chất lượng đầu vào quốc gia, bộ trưởng Bộ Nội vụ nói đã phân cấp phân quyền rồi thì còn "ôm" cái đó để làm gì.
"Bộ Nội vụ tổ chức hội đồng thi quốc gia, rồi giao cho các đồng chí tuyển dụng tiếp theo, với quy trình, tầng nấc phức tạp, lại dễ phát sinh tiêu cực, có khi không kiểm soát được", bà Trà lý giải.
Thước đo vị trí việc làm, KPI để đánh giá cán bộ
Liên quan đến chủ trương đổi mới thu hút, trọng dụng người có tài năng, khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, Bộ trưởng Trà nói trước đây thuộc về nghị định.
Bây giờ sẽ cố gắng đưa một số vấn đề mang tính nguyên tắc vào luật, sau này căn cứ vào điều kiện của đất nước để có cơ chế phù hợp hơn.
"Cơ chế chính sách đặc biệt là như thế nào? Chúng ta đã có nghị định 179 cũng khá mạnh, nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn và trọng dụng người có tài năng.
Chính vì vậy đưa vào luật này, để sau đó Chính phủ sẽ có những quy định tương ứng với cơ chế chính sách đặc biệt", bà Trà nêu dẫn chứng.
Điểm đáng lưu ý nữa là các quy định tới đây nhằm khắc phục tư duy "biên chế suốt đời", chấm dứt tình trạng có vào mà không có ra.
Bà khẳng định bây giờ làm sao phải thiết kế theo hướng "có vào có ra", và xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời".
Muốn vậy, Bộ trưởng Trà cho rằng phải thực hiện hai công cụ quan trọng. Trước tiên là đánh giá cán bộ, công chức trên cơ sở vị trí việc làm bằng cách sử dụng tối đa công nghệ thông tin để đánh giá.
Thứ hai là cần thiết phải sử dụng cơ chế hợp đồng, như hợp đồng chuyên gia, hay một số vị trí việc làm khác. Theo bà, đây cũng là xu thế công vụ của nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Bà nói thêm khi báo cáo với Chính phủ, một số ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn. Nhưng khi giải trình cũng thấy thỏa đáng.
"Đây đã là một xu thế chung rồi. Các nước ít khi bố trí "biên chế cứng" như chúng ta. Lần này chúng ta mở ra cơ chế rất động, rất linh hoạt trong sử dụng, tuyển dụng, quản lý, và thực hiện không có biên chế suốt đời", bà Trà nêu thêm.
Về đánh giá cán bộ, công chức, theo Bộ trưởng Trà, dự thảo luật lần này cũng có sự thay đổi mạnh mẽ.
Dù vẫn đưa ra 4 mức, nhưng khi luật thông qua, Chính phủ sẽ ban hành nghị định riêng cho nội dung này và sẽ sử dụng tối đa công nghệ số.
"Trên cơ sở vị trí việc làm, dựa vào KPI, đến cuối năm sẽ thống kê hết được tất cả cán bộ, công chức làm được gì, việc gì, bao nhiêu sản phẩm để làm thước đo, còn nếu chỉ đưa ra định tính chung chung thì rất khó đánh giá", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà lý giải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận