05/07/2025 08:29 GMT+7

BRICS kết nối Việt Nam với Mỹ Latin

Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng đầu tiên mà Việt Nam tham gia với tư cách nước đối tác được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Hà Nội với các nước Mỹ Latin và những thị trường tiềm năng khác.

BRICS kết nối Việt Nam với Mỹ Latin - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường công tác Brazil hôm 4-7 - Ảnh: VGP

Ngày 4-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân dẫn dầu đoàn đại biểu Việt Nam lên đường đến Brazil - nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2025. Đây là chuyến công tác thứ ba của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đến Brazil trong 3 năm liên tiếp gần đây, cho thấy sự coi trọng và đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với khu vực.

Xây cầu nối, nâng cao vị thế

Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay có chủ đề "Tăng cường hợp tác phương Nam vì quản trị bao trùm và bền vững hơn". Đây cũng là hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng đầu tiên mà người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tham dự kể từ khi nước ta trở thành nước đối tác thứ 10 của BRICS vào hôm 13-6 vừa qua.

"Chuyến công tác của Thủ tướng sẽ là một "cầu nối" đối ngoại quan trọng nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với Brazil cũng như nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam ở khu vực Trung và Nam Mỹ" - Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, một thành viên đoàn chính thức tháp tùng Thủ tướng trong chuyến công tác lần này, chia sẻ với báo giới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Yaroslav Lissovolik, nhà nghiên cứu và là người sáng lập dự án BRICS+ Analytics, khẳng định Việt Nam trở thành nước đối tác sẽ tạo thêm động lực kinh tế cho sự phát triển của BRICS với những tác động bổ sung quan trọng liên quan đến phạm vi hợp tác kinh tế lớn hơn giữa khối này và ASEAN.

Đối với các nền kinh tế BRICS, quan hệ đối tác với Việt Nam sẽ mang lại những lợi ích quan trọng về thương mại và đầu tư liên quan đến nhiều cơ hội xuất khẩu hơn sang một thị trường đang phát triển và địa phương hóa sản xuất, có mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng rãi.

Cũng theo ông Lissovolik, sự gia nhập của Việt Nam sẽ biến BRICS+ thành định dạng 10+10 gồm 10 thành viên cốt lõi (không tính Saudi Arabia) và 10 nền kinh tế đối tác. "Cấu hình như vậy có thể tạo ra sự so sánh giữa BRICS+ với đội hình G20 dành cho nhóm Nam bán cầu (Global South). G20 có 21 thành viên trên thực tế nếu tính cả Liên minh châu Phi (AU) và Liên minh châu Âu (EU), trong khi BRICS+ cũng có 21 thành viên nếu tính cả Saudi Arabia.

"Đối với BRICS, việc Việt Nam gia nhập vòng tròn đối tác có thể được coi là sự bổ sung một trong những nền kinh tế năng động nhất từ khu vực năng động nhất thế giới (ASEAN/Đông Nam Á) vào phân khúc năng động nhất của nền kinh tế thế giới (Nam bán cầu).

Một sự bổ sung có giá trị như vậy vào nền tảng BRICS+ cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc thực hiện định dạng "tích hợp các tích hợp" (hợp tác kinh tế giữa các khối tích hợp khu vực) bằng cách tạo ra các mối liên kết chặt chẽ hơn giữa BRICS và ASEAN", ông nhận định.

Củng cố quan hệ với đối tác

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm chính thức Brazil vào tháng 9-2023, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11-2024. Chính vì vậy, chuyến công tác lần này của Thủ tướng được kỳ vọng sẽ củng cố hơn nữa quan hệ với Brazil nói riêng và các nước Mỹ Latin nói chung.

Hôm 30-6 vừa qua, ngay trước chuyến công tác, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp có sự tham dự của hai phó thủ tướng cùng nhiều đại diện bộ, ngành của Việt Nam. Mục đích nhằm thảo luận việc thúc đẩy hợp tác trên một số lĩnh vực với một số nước tại khu vực Mỹ Latin - Caribe để chuẩn bị phục vụ cho các hoạt động đối ngoại cấp cao, tăng cường hợp tác với khu vực này thời gian tới.

Tại cuộc họp này, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng vào khu vực Mỹ Latin - Caribe để "phục vụ các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước".

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy đàm phán thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam với nhóm Thị trường chung Nam Mỹ (MECOSUR) và đẩy mạnh, mở rộng hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực. Đây có thể xem như một chỉ dấu cho thấy quan hệ Việt Nam với Mỹ Latin sẽ có khởi sắc mới trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh và phức tạp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, các quốc gia thành viên BRICS và các quốc gia khách mời tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS là những quốc gia có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống của Việt Nam. Trong đó, Brazil là nước có quan hệ Đối tác chiến lược và có những thế mạnh mà Việt Nam có nhu cầu bổ trợ, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.

Chính vì vậy, theo bà Hằng, chuyến đi sẽ là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy đa dạng hóa các hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các khu vực có nhiều tiềm năng, thu hút tối đa các nguồn lực quốc tế phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

40% GDP toàn cầu

Theo Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani, BRICS hiện chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu, 23% GDP thế giới, 18% thương mại quốc tế, 42% dân số toàn cầu, 30% diện tích lục địa, tương đương 3,2 tỷ người, 36% GDP toàn cầu theo sức mua tương đương (PPP) và 72% trữ lượng đất hiếm của thế giới.

"Theo số liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong khi các nền kinh tế công nghiệp hóa đang chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng (từ 2,7% năm 2022 xuống còn 1,4% năm 2023), các quốc gia đang phát triển thuộc Nam bán cầu toàn cầu lại đạt mức tăng trưởng khoảng 4% trong năm nay. Các nền kinh tế mới nổi trong BRICS ngày càng chứng tỏ là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới", ông dẫn chứng.

BRICS kết nối Việt Nam với Mỹ Latin - Ảnh 2.Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự thượng đỉnh BRICS mở rộng tại Brazil

Chiều 4-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân rời Hà Nội, lên đường đến Brazil dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng và có các hoạt động song phương tại Brazil.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp