
Tín dụng "bùng nổ" thời gian qua, tiền "chạy" đi những đâu - Ảnh: AI vẽ
Thông tin được ông Trần Ngọc Báu - tổng giám đốc Công ty dữ liệu kinh tế tài chính WiGroup - đề cập tại chương trình kinh tế do WiGroup phối hợp với Vietnambiz tổ chức tối 15-7.
Tín dụng chảy mạnh vào bất động sản, lo ngại gì?
Ông Trần Ngọc Báu cho biết trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế và tín dụng đều "bùng nổ".
Tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn đặt ra: Tại sao kinh tế tăng trưởng tốt nhưng tiêu dùng của người dân không tăng, hay tín dụng tăng trưởng mạnh mà doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay?
"Nếu nhìn sâu vào cấu phần tăng trưởng kinh tế, có thể thấy trong bốn quý vừa qua - đặc biệt là quý gần nhất, tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực công nghiệp FDI và khu vực công (chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên)", ông Báu phân tích.
Trong khi đó, phần còn lại của nền kinh tế, bao gồm hộ gia đình và khu vực tư nhân, vẫn chưa thực sự khởi sắc. Đây cũng là lý do vì sao nhiều người dân chưa cảm nhận được mối liên hệ rõ rệt giữa các số liệu tăng trưởng kinh tế với tăng trưởng thu nhập của bản thân.

Ông Trần Ngọc Báu
Ông Báu cũng chỉ ra từ đầu năm 2024 đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng đổ vào khu vực sản xuất gần như "đứng yên".
Tín dụng vào khu vực thương mại, vận tải và viễn thông cũng đi ngang quanh mức 18-19%.
Ngược lại, tín dụng đổ vào tiêu dùng và bất động sản lại tăng trưởng rất mạnh, đạt mức kỷ lục trong nhiều năm.
Theo ông Báu, trong bối cảnh tiêu dùng đang gặp khó khăn, tín dụng tiêu dùng khó có thể tăng mạnh. Do đó, phần tăng trưởng tín dụng chủ yếu đến từ bất động sản.
"Rõ ràng tín dụng tăng trưởng mạnh gần hai năm qua, đặc biệt là sáu tháng gần đây, gần như toàn bộ được dẫn dắt bởi khu vực bất động sản và xây dựng. Trong khi đó, khu vực công nghiệp giữ tốc độ tăng trưởng chậm suốt cả năm. Đây là điều cần được nhìn nhận, bởi nó phản ánh sự lệch pha trong dòng chảy tín dụng", ông Báu nhấn mạnh.
Ông cũng cảnh báo: "Những lo ngại về việc tín dụng chảy vào bất động sản trong 6 tháng và 1 năm vừa qua sẽ gây ra rủi ro về giá bất động sản và rủi ro về hệ thống ngân hàng trong tương lai. Đó là những lo ngại của thị trường, còn những nhà làm chính sách hoặc những nhà quản lý đôi khi lại có chiến lược khác".
Về bản chất, trước đây cấu trúc nguồn vốn vay nợ của các công ty bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam có tới 60% đến từ huy động trái phiếu. Hiện nay tỉ lệ này chỉ còn khoảng 30-40%.
Tổng giá trị trái phiếu lưu hành của ngành bất động sản cũng từ gần 600.000 tỉ đồng xuống còn hơn 100.000 tỉ đồng. Vậy thì khi họ giảm bớt vay trái phiếu đồng nghĩa với việc họ phải vay ngân hàng để đảo lại phần đó, ông Báu nhận định.
Lạm phát tài sản có dấu hiệu tăng nhanh?
Phân tích thêm về các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, ông Nguyễn Hoàng Linh - giám đốc nghiên cứu Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) - cho rằng hiện nay chính sách của Việt Nam tập trung nhiều vào phía cung, đặc biệt là cải thiện hạ tầng giao thông và tăng nguồn cung bất động sản.
"Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cung đưa ra phải có cầu tương ứng để hấp thụ. Cầu trong nền kinh tế phụ thuộc vào thu nhập dài hạn của người dân, mà thu nhập này lại dựa trên việc doanh nghiệp có kinh doanh tốt, mở rộng sản xuất và dịch vụ hay không - từ đó mới tuyển dụng nhiều hơn", ông Linh nói.
Ông cũng nhận định, mặc dù lạm phát theo chỉ số giá tiêu dùng đang ở mức thấp so với kế hoạch của Chính phủ nhưng lạm phát tài sản lại có dấu hiệu tăng nhanh, đặc biệt là giá bất động sản nhà ở.
Điều này dẫn tới hệ quả nhiều người dân dù có nhu cầu vẫn không mua nổi nhà. Khi giá bất động sản tăng, giá thuê nhà cũng tăng theo, kéo chi phí sinh hoạt lên cao, tạo áp lực lớn lên đời sống.
Về tác động của tỉ giá, ông Linh cho rằng nếu tỉ giá chịu áp lực quá lớn, lạm phát sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong cách tính chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam, phần lớn hàng hóa nhập khẩu chỉ tác động nhiều tới nhóm xăng dầu.
Giai đoạn vừa qua giá xăng dầu vẫn duy trì ở mức thấp nhờ kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và nguồn cung không bị gián đoạn. Do đó, đến hiện tại, tác động lan tỏa từ tỉ giá sang lạm phát vẫn chưa nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận