27/05/2025 05:45 GMT+7

Cần sớm xóa độc quyền vàng miếng

Để lành mạnh hóa thị trường vàng, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới như chỉ đạo của Thủ tướng, cần sớm sửa đổi nghị định 24, phá thế độc quyền vàng và có chính sách thuế phù hợp với hoạt động mua bán vàng.

vàng miếng - Ảnh 1.

Người dân Hà Nội xếp hàng dài để mua vàng - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Đó là đề xuất của đại biểu Quốc hội HOÀNG VĂN CƯỜNG, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Ông Cường nói:

- Giá vàng trong nước và thế giới đều có tính liên thông. Việc liên thông này phụ thuộc vào số lượng của những nhà kinh doanh vàng và những chính sách liên quan như chính sách thuế và chính sách nhập khẩu.

Tuy nhiên, thực tế là Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng và độc quyền trong câu chuyện là quản lý xuất nhập khẩu, dẫn tới hiện tượng giá vàng trong nước chênh lệch với giá thế giới khá cao như thời gian qua.

vàng miếng - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội HOÀNG VĂN CƯỜNG

* Nhà nước độc quyền vàng miếng từng là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế.

Liệu việc bỏ chính sách độc quyền vàng miếng có giúp cho giá vàng trong nước thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới như kỳ vọng, thưa ông?

- Việc Nhà nước độc quyền vàng miếng những năm qua nhằm ngăn chặn tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế trong một thời gian dài trước đó, khi hầu hết người dân đều dùng vàng để mua xe, mua nhà, mua đất... dẫn tới làm suy yếu yếu tố giá trị của đồng tiền.

Nhưng hiện nay tình trạng "vàng hóa" đã được giải quyết và việc độc quyền trên thị trường vàng đã phát huy được vai trò ở thời kỳ nhất định. Vì vậy cần phải thay đổi chính sách để không còn tình trạng độc quyền trong kinh doanh, độc quyền vàng miếng, độc quyền xuất nhập khẩu.

Tất nhiên xuất nhập khẩu vàng không giống như các hàng hóa khác mà liên quan đến ngoại tệ, đến dự trữ và nguồn lực quốc gia. Do đó không phải cứ cho xuất nhập khẩu tự do mà Nhà nước phải quản lý, chính sách quản lý xuất nhập khẩu vàng, những doanh nghiệp đủ năng lực và điều kiện mới được tham gia hoạt động này.

Khi thị trường được hoạt động như thế tức là có nhiều nhà kinh doanh hơn, nhiều nhà cung cấp hơn, nhiều hoạt động xuất nhập khẩu lưu thông trong nước và thế giới sẽ giải quyết được những bất cập của thị trường. Chênh lệch giá phải giải quyết bằng một cơ chế vận hành thị trường.

Tất nhiên ở đây còn một vấn đề nữa liên quan chính sách thuế. Nếu chính sách thuế cao, chênh lệch sẽ cao. Ngược lại nếu thuế thấp, chênh lệch sẽ thấp đi. Vì vậy bên cạnh việc tự do hóa trong kinh doanh trên cơ sở cấp phép những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, chính sách thuế cũng có vai trò rất quan trọng.

Nhà nước chỉ nắm vai trò quản lý, không nên tham gia kinh doanh. Nhà nước quản lý bằng thuế, cấp giấy phép kinh doanh và thanh kiểm tra hoạt động, còn người vận hành nên để cho các công ty kinh doanh vàng.
Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG
vàng miếng - Ảnh 3.

Theo các chuyên gia, cần sớm xóa độc quyền vàng miếng, tạo điều kiện để người dân được mua bán vàng thuận lợi hơn - Ảnh: THANH HIỆP

* Sàn giao dịch vàng tài khoản từng gây ra nhiều hệ lụy, không ít nhà đầu tư vàng tài khoản đã "tán gia bại sản". Theo ông, có nên thiết kế mô hình sàn giao dịch vàng vật chất để quản lý hiệu quả hơn và người dân thuận tiện giao dịch?

- Tôi cho rằng phải là những công ty có đủ năng lực, uy tín, nguồn lực mạnh mới được quyền mở sàn giao dịch mua bán vàng trong nước là sàn điện tử. Người dân có thể mua bán vàng vật chất, mua xong có thể không cần cầm vàng về nhà mà ký gửi tại sàn này.

Vàng là sản phẩm đặc thù không giống như hàng hóa khác, mua vàng xong phải lưu trữ. Vì vậy, chúng ta có khuyến khích mua bán vàng để trao đi đổi lại không?

Mua bán vàng trao đổi qua lại không làm nên giá trị gia tăng cho nền kinh tế, không như chứng khoán bỏ tiền vào thì lập tức chuyển vào nền kinh tế. 

Còn với kênh vàng, không ai dám nhận vàng xong mang đi đầu tư, tức là mua bán vàng không làm phát sinh tiền vốn cho nền kinh tế. Do đó chúng ta có chính sách khuyến khích hay không, điều này còn phù thuộc vào chính sách thuế, là thuế giao dịch mua bán.

Với chính sách thuế, người dân cũng sẽ tính toán là khi có tiền có nên mua bán vàng thường xuyên hay không, hay là mua bán vàng xong để tích trữ thôi. 

Mình có tiền, cất trữ để đấy, mua xong không bán đi bán lại không bị đánh thuế, tức là vàng được sử dụng đúng mục đích là tích trữ chứ không phải là đầu tư, đầu cơ kiếm lời ở một thời điểm.

Đặc biệt là nếu vàng được lưu ký dài hạn ở sàn giao dịch vàng, các công ty và sàn vàng có thể sử dụng vàng đó để trở thành một nguồn lưu thông mua bán quốc tế, qua đó sẽ giúp cân bằng cho thị trường trong nước và quốc tế.

Điều này cũng giúp giải quyết được vấn đề là chúng ta không mất nhiều ngoại tệ đổ ra nước ngoài thường xuyên mua bán giao dịch vàng và đáp ứng nhu cầu mua bán giao dịch của người dân.

* Nếu chỉ cho phép các doanh nghiệp lớn được "tự do" kinh doanh vàng, liệu chúng ta có ngăn chặn được tình trạng buôn lậu hay găm giữ vàng, tạo sự khan hiếm giả tạo hay không?

- Những vi phạm thời gian qua, lớn nhất là khi Nhà nước độc quyền trong việc xuất nhập khẩu vàng gây nên khan hiếm, dẫn tới có những người đã tiếp tay cho buôn lậu, trục lợi và vi phạm pháp luật.

Cùng đó nhân lúc thị trường khan hiếm, doanh nghiệp có tiềm lực găm giữ vàng, tạo sự khan hiếm, đầu cơ của thị trường. Điều này cho thấy động cơ của doanh nghiệp không đúng, quản lý cũng không quản lý được.

Một khi Nhà nước đứng ra cấp phép về xuất nhập khẩu vàng, lượng hàng hóa xuất khẩu là bao nhiêu, ai giao dịch trên sàn, ai bán ai mua bao nhiêu, chúng ta nắm được hết... nên sẽ không thể có chuyện doanh nghiệp có vàng, nhập về mà lại nói là không có vàng và không thể găm giữ vàng được. 

Điều này sẽ tránh được tình trạng đầu cơ, găm giữ và giữ giá. Khi đã nhập khẩu như vậy sẽ phải đi theo con đường chính ngạch, và khi đã có chính ngạch sẽ không thể trốn thuế.

* Theo ông, đâu là giải pháp có thể khai thác nguồn lực vàng trong dân để tham gia phát triển kinh tế - xã hội, không để thao túng thị trường... như yêu cầu của Chính phủ?

- Cần nhìn thấy rằng vàng là hàng hóa tích trữ, chứ không phải đầu tư. Người dân có một chút tiền muốn mua vàng để tích trữ phòng thân, của để dành an toàn lâu dài... cần tạo điều kiện tốt, đáp ứng được nhu cầu này. 

Ví dụ như khi có sàn giao dịch vàng, người dân có thể mua nhưng ký gửi ở đó, không phải mang về, không phải cất trữ, không lo chi phí bảo quản, không sợ mất mát hư hỏng, là tốt cho người dân.

Nhưng chính sách lưu ký đó cần phải những người cất trữ dài hạn, còn mua bán liên tục theo tính đầu tư, nay mua mai bán lại thì không nên khuyến khích. Vì vậy cần có chính sách thuế để người dân thấy việc mua bán sẽ không có lợi và người dân không tham gia vào.

Hai là cần tạo ra thị trường thực sự liên thông của những công ty kinh doanh để ổn định thị trường vàng. Thị trường vàng phụ thuộc nhu cầu trong nước, cũng như dự báo nhu cầu vàng thế giới.

Đặc biệt cần mở rộng thị trường kinh doanh tự do từ đầu mối và tự do thị trường. Khi người dân thấy rằng đầu tư vàng không còn nhiều lợi ích sẽ đưa vốn sang các kênh đầu tư khác.

Phải tạo điều kiện để người dân mua, bán vàng dễ dàng hơn

Thủ tướng đã kết luận là phải sớm sửa đổi nghị định 24 và phải thực hiện nghiêm theo yêu cầu này.

Theo ông Cường, việc sửa đổi nghị định này cần tập trung vào vấn đề bỏ chuyện độc quyền vàng miếng của Nhà nước, đưa ra tiêu chuẩn để lựa chọn một số các ngân hàng thương mại lớn và một số công ty kinh doanh vàng bạc lớn thực sự có năng lực kinh doanh vàng.

Những công ty này cũng được cho phép xuất nhập khẩu vàng nhằm tạo sự liên thông của thị trường vàng trong nước và thế giới, giảm chênh lệch giá vàng. Khi đó, thị trường sẽ không còn tình trạng khan hiếm, không còn hiện tượng cùng một sản phẩm vàng miếng có cùng chất lượng, đều là vàng 9999, nhưng vàng có thương hiệu của Nhà nước thì giá cao hơn hẳn.

Trên thực tế chênh lệch giá giữa vàng có thương hiệu do Nhà nước độc quyền với thương hiệu vàng còn lại tại thị trường trong nước không phải là do vàng nào chất lượng hơn, mà là do độc quyền thương hiệu. Nếu xóa bỏ tình trạng độc quyền vàng miếng sẽ giải quyết được một phần vấn đề.

Hai nữa phải tạo điều kiện để người dân có thể mua bán vàng dễ dàng hơn, không còn tình trạng chạy theo đầu cơ vàng để trục lợi. Vì vậy phải phát triển thị trường vàng giao dịch và tạo sự liên thông tốt hơn.

Một trong những công cụ liên thông tốt hơn đó là việc hình thành nên sàn giao dịch vàng. Tuy nhiên, theo ông Cường, chỉ nên cho phép người được cấp phép giao dịch ở sàn vàng trong nước, do những công ty có năng lực mở và điều hành.

Trong đó các cá nhân có thể mua vàng miếng vật chất, hoặc mua vàng qua tài khoản tín chỉ, có thể mua để đó, sàn ghi nhận và khi nào có nhu cầu sẽ được mua bán.

Cần sớm xóa độc quyền vàng miếng - Ảnh 4.Giá vàng miếng SJC lao dốc sau tin đề nghị xóa độc quyền

Sau khi Fed nói về 3 lần hạ lãi suất, giá vàng thế giới đã tăng 15 USD/ounce, lập kỷ lục mới nhưng chỉ giá vàng nhẫn tăng, còn giá vàng miếng SJC bốc hơi 1 triệu đồng/lượng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp