
Các đại biểu tới tham dự Hội nghị thường niên ADB lần 58 tại Milan (Ý) với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng tương lai” - Ảnh: QUỲNH TRUNG
Tại hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ở Milan (Ý), Chủ tịch ADB Masato Kanda liên tục nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân như động lực tăng trưởng cho châu Á - Thái Bình Dương.
ADB đặt mục tiêu tăng gấp bốn lần nguồn tài trợ cho khu vực tư nhân, lên 13 tỉ USD một năm vào 2030, và vừa ra mắt quỹ ủy thác mới để thúc đẩy hợp tác công - tư.
Giải pháp của tương lai
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội đồng Thống đốc ngày 5-5, ông Kanda khẳng định: "Khu vực sẽ không thể tăng trưởng và tạo ra hàng triệu việc làm mà chúng ta cần nếu không có sự phát triển của khu vực tư nhân. Các hoạt động khu vực tư nhân của ADB đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2022 và chúng tôi đặt mục tiêu tăng thêm gấp bốn lần nguồn tài trợ cho khu vực tư nhân, lên 13 tỉ USD một năm vào năm 2030".
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Nikkei Asia trước thềm hội nghị, ông Kanda nhấn mạnh các quốc gia châu Á mới nổi cần củng cố doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn nữa. Theo ông, vốn tư nhân không chỉ là nguồn lực quan trọng để giải quyết các vấn đề như nghèo đói và cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, mà còn tạo việc làm và thúc đẩy đổi mới thông qua cạnh tranh.
Nỗ lực thúc đẩy khu vực tư nhân của ADB được cụ thể hóa khi ngày 3-5 Chủ tịch ADB Masato Kanda và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato đã ký kết thành lập nền tảng Tăng tốc thị trường châu Á và Thái Bình Dương (AMAP), với Nhật Bản là nhà đóng góp sáng lập và cam kết ban đầu 20 triệu USD.
Tại phiên thảo luận chuyên đề về xúc tác phát triển khu vực tư nhân, ông Kanda nhấn mạnh: "Đầu tư tư nhân phải là trung tâm của các giải pháp phát triển. Với AMAP, ADB sẽ mở rộng khả năng giúp các quốc gia huy động vốn không chỉ cho các giao dịch riêng lẻ mà còn cho phép các cải cách rộng lớn hơn và cải thiện thể chế cần thiết để mở khóa đầu tư tư nhân bền vững".
"Đôi cánh" cho tăng trưởng
"Tất cả chúng ta đến đây (Milan) để dự hội nghị này bằng máy bay. Và chúng ta không thể bay đến đây bằng máy bay một cánh là khu vực công. Bạn cần khu vực tư nhân để cất cánh" - Zeinab Badawi, người điều phối chương trình, đã mở đầu phiên thảo luận về xúc tác phát triển khu vực tư nhân bằng ví von ấn tượng này.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Riccardo Barbieri Hermitte (Bộ Kinh tế Ý) nhấn mạnh vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) trong việc nuôi dưỡng khu vực tư nhân thành công. Theo ông, MDB không chỉ cung cấp hỗ trợ tài chính mà còn hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, công cụ chia sẻ rủi ro và hướng dẫn chiến lược để biến các dự án tham vọng thành hiện thực.
Khi được hỏi về bài học trong việc hỗ trợ khu vực tư nhân, Chủ tịch ADB Kanda nhấn mạnh tầm quan trọng của tác động lâu dài. Ông chia sẻ về dự án điện tái tạo ở Uzbekistan - nơi ADB cung cấp hỗ trợ tài chính, tư vấn cơ chế hợp tác công - tư và bảo lãnh tín dụng một phần để giảm lo ngại của nhà đầu tư.
"Chúng tôi như một đối tác phát triển quan trọng của Uzbekistan để làm chất xúc tác thu hút đầu tư tư nhân và chứng minh tính khả thi của dự án. Nhờ đó, thị trường điện tái tạo ở Uzbekistan giờ thu hút nhiều nhà phát triển hàng đầu thế giới và huy động được đầu tư của lĩnh vực tư nhân".
Bà Nadia Calvino Santamaria, chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), đồng tình với ví von "đôi cánh công - tư" của người điều phối. Bà cho biết EIB đã hợp tác với nhiều quốc gia châu Á, từ phát triển nông thôn ở Mông Cổ, quản lý nguồn nước ở Bangladesh, Campuchia và Fiji, đến xây dựng metro ở Ấn Độ và Việt Nam. "Tuy nhiên có một thực tế ít ai biết là 50% vốn đầu tư của chúng tôi ở châu Á trong năm ngoái là hỗ trợ khu vực tư nhân", bà nêu.
Phó thủ tướng Mông Cổ Togmidyn Dorjkhand chỉ ra thách thức từ chính sách thuế quan của chính quyền Donald Trump đang tác động đến hầu hết quốc gia trên thế giới. Điều này khiến đồng tiền trở nên đắt đỏ hơn, gây khó khăn cho các quốc gia đang phát triển như Mông Cổ trong việc tiếp cận các quỹ đầu tư.
Ông chia sẻ: "Để thúc đẩy các hoạt động của lĩnh vực kinh tế tư nhân, chúng tôi vừa tiến hành cải cách mới trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, thành lập ủy ban quốc gia về cải cách năng lượng. Mông Cổ có nhiều tiềm năng về điện gió và điện mặt trời. Chúng tôi có thể cung cấp điện tái tạo với giá rất rẻ, nhưng điều chúng tôi cần hiện nay là tiếp cận các nguồn vốn và quỹ đầu tư, đặc biệt là sự hỗ trợ vốn từ các ngân hàng phát triển đa phương".
AMAP - khơi dòng đầu tư cho châu Á
Nền tảng Tăng tốc thị trường châu Á và Thái Bình Dương (AMAP) sẽ hỗ trợ cải cách chính sách và quy định, xây dựng năng lực thể chế, phát triển đường ống đầu tư và thiết kế cấu trúc giảm thiểu rủi ro.
Sáng kiến này nhắm đến việc thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào các lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, dịch vụ tài chính và chuyển đổi kỹ thuật số, đặc biệt tập trung hỗ trợ các thị trường mới nổi bao gồm cả khu vực Thái Bình Dương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận