
Cựu tổng thống Biden năm nay đã 82 tuổi, và là người lớn tuổi nhất từng giữ chức tổng thống trong lịch sử Mỹ - Ảnh: REUTERS
Ngày 18-5, văn phòng của cựu tổng thống Joe Biden xác nhận ông mắc ung thư tuyến tiền liệt. Ngay sau đó, mạng xã hội lan truyền đoạn video cũ ba năm trước, cáo buộc ông từng biết bệnh nhưng cố tình che giấu công chúng.
Phát ngôn cũ bị hiểu lầm
Trong video năm 2022, ông Biden nói: “Đó là lý do vì sao tôi, và rất nhiều người mà tôi lớn lên cùng, bị ung thư”. Phát ngôn này bị đào lại sau tuyên bố mới ngày 18-5, khiến ông Trump và con trai ông Trump là Donald Trump Jr. nghi ngờ Nhà Trắng từng che giấu bệnh tình của ông Biden.
Ngoài ra việc cựu tổng thống công bố mình bị ung thư tuyến tiền liệt cũng trùng thời điểm với việc ra mắt cuốn sách "Tội tổ tông: Sự suy giảm của Tổng thống Biden, màn che giấu và lựa chọn thảm họa khi tái tranh cử" do hai nhà báo Jake Tapper và Alex Thompson viết, trong đó mô tả cách những người thân cận của ông Biden cố gắng giấu đi dấu hiệu suy giảm sức khỏe của tổng thống.
Tuy nhiên theo trang Political Fact, đoạn phát biểu này thực chất đề cập việc ông Biden từng cắt bỏ một số khối u da không phải u hắc tố trước khi làm tổng thống, như đã được công bố trong báo cáo y tế năm 2021, chứ không liên quan gì đến ung thư tuyến tiền liệt.
Khi đó, bác sĩ riêng của ông Biden xác nhận các khối u này đã được loại bỏ hoàn toàn và không còn dấu hiệu nguy hiểm.
Phó thư ký báo chí Nhà Trắng vào năm 2022, ông Andrew Bates, cũng khẳng định vào thời điểm ấy rằng: "Những khối u da không phải u hắc tố chính là điều mà tổng thống đang đề cập đến".

Phát ngôn gây hiểu lầm trên được ông Biden đưa ra tại sự kiện biến đổi khí hậu và năng lượng sạch vào ngày 20-7-2022 - Ảnh: REUTERS
Cần hiểu đúng về thang đánh giá Gleason
Thông tin về bệnh ung thư tuyến tiền liệt của ông Biden chỉ mới được công bố gần đây, sau khi bác sĩ phát hiện một khối u nhỏ trong tuyến tiền liệt trong quá trình khám định kỳ. Bệnh của ông được đánh giá theo thang Gleason (đo mức độ ác tính của ung thư tuyến tiền liệt) là 9/10.
Theo bác sĩ Benjamin J. Davies, trưởng khoa tiết niệu tại Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh (UPMC Shadyside), "điểm 9 hoặc 10 là dạng ung thư tuyến tiền liệt nguy hiểm nhất".
"Trường hợp của cựu tổng thống là điều mà chúng tôi gặp rất thường xuyên trong ngành", ông Davies nói. "Ngay cả khi bạn được sàng lọc, bệnh vẫn có thể xảy ra. Tôi không thấy điều gì đáng nghi ở đây. Đây chỉ đơn thuần là một ca ung thư tuyến tiền liệt di căn ở người 82 tuổi".
Ngoài ra trước phát biểu của ông Trump hôm 19-5 đặt nghi vấn “vì sao công chúng không được thông báo từ lâu, vì để đến giai đoạn 9 thì phải mất rất nhiều thời gian”, các chuyên gia lên tiếng giải thích: điểm Gleason không phản ánh thời gian tồn tại của ung thư trong cơ thể, mà chỉ đo mức độ ác tính của tế bào ung thư - không phải là thang đo giai đoạn bệnh.
Bà Lorelei Mucci, cố vấn khoa học cấp cao của Hiệp hội Ung thư Mỹ, cho biết ung thư có thể tồn tại và phát triển trong cơ thể một khoảng thời gian dài mà không gây ra triệu chứng nào, đôi khi có thể kéo dài 7 - 10 năm hoặc lâu hơn.
"Ngoài ra vì lý do nào đó, một số khối u tuyến tiền liệt ác tính lại không làm tăng nhiều mức kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (PSA) trong máu", bà nói.
Điều đó có nghĩa là ngay cả khi ông Biden được kiểm tra PSA thường xuyên, kết quả vẫn có thể thấp và không thể hiện triệu chứng rõ ràng.
Thêm vào đó, ông Biden có thể không thực hiện sàng lọc tuyến tiền liệt thường xuyên trong thời gian giữ chức tổng thống.
Các tổ chức chuyên môn như Hiệp hội Tiết niệu Mỹ và Lực lượng Đặc nhiệm phòng ngừa Mỹ không khuyến nghị sàng lọc định kỳ cho nam giới trên 70 tuổi.
"Thực ra, không kiểm tra định kỳ ở người trên 80 tuổi là thực hành y khoa đúng đắn", ông Davies nhận định. "Phần lớn các loại ung thư phát hiện ở nhóm tuổi này không cần điều trị".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận