
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Hồng Hải khảo sát hoạt động triển khai thực hiện dự án đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương - Ảnh: M.V.
Ngày 18-7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Hồng Hải đã chủ trì làm việc liên quan đến tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương. Đây là tuyến cao tốc quan trọng trong hệ thống đường cao tốc kết nối TP.HCM và Đà Lạt.
Tại cuộc họp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết trong quá trình kiểm tra việc đo đạc, kiểm đếm, ban ghi nhận có trường hợp người dân thực hiện trồng cây nông sản, chủ yếu là cây ngắn ngày, trên diện tích đất nằm trong phạm vi ranh giới thu hồi của dự án đã được cắm mốc giải phóng mặt bằng.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho rằng việc cơi nới diện tích trồng và tăng mật độ trồng cây trên phần đất giải phóng mặt bằng trong thời điểm tiến hành các thủ tục thu hồi đất. Điều này có dấu hiệu phát sinh lợi ích không chính đáng từ chính sách bồi thường tài sản gắn liền với đất.

Xe chuyên dụng tập trung ở đầu Liên Khương - Đà Lạt để thực hiện dự án đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương - Ảnh: M.V.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc giám sát địa bàn, phối hợp xử lý các trường hợp cố tình vi phạm để trục lợi chính sách đền bù giải phòng mặt bằng.
Ông Nguyễn Hồng Hải yêu cầu các xã, phường nơi có tuyến đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương đi qua phải chặt chẽ trong công tác kiểm đếm và giải phóng mặt bằng. Ông nói đây là nội dung quan trọng, cần phải thực hiện nhanh và gọn gàng.
Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương đã chính thức khởi công vào ngày 29-6. Tuyến đường này là một phần của cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, kết nối TP.HCM với Đà Lạt và dự kiến rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai khu vực còn 3 giờ.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các xã, phường nơi có tuyến đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương đi qua thông tin dự án đường cao tốc này đang đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là ở các khâu then chốt như giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, quy hoạch khu tái định cư và thủ tục về khai thác khoáng sản, chuyển mục đích sử dụng rừng.
Mặc dù đã cắm mốc và bàn giao mặt bằng từ đầu tháng 7-2025, nhưng đến nay nhiều địa phương vẫn loay hoay với các thủ tục hành chính do sự thay đổi địa giới sau sáp nhập đơn vị hành chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận