18/05/2025 12:49 GMT+7

Công nghiệp giải trí Việt Nam: Chiến lược phải xây từ những đánh giá khách quan, trực diện

ĐẬU DUNG
và 1 tác giả khác

Nhiều chuyên gia, nghệ sĩ, nhà sản xuất uy tín bày tỏ sự hy vọng khi lần đầu tiên, công nghiệp giải trí được đề cập chính thức ở tầm vĩ mô.

Công nghiệp giải trí Việt Nam: Chiến lược phải xây từ những đánh giá khách quan, trực diện - Ảnh 1.

Chương trình Anh trai say hi - Ảnh: NSX

Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn nhân Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng đề án về công nghiệp giải trí để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 này. 

Các chuyên gia cũng như những người đang hoạt động trong ngành giải trí chia sẻ, đóng góp những ý kiến cụ thể, thiết thực; góp phần vào mục tiêu chung: hướng tới một nền công nghiệp giải trí phát triển bền vững và có bản sắc.

● Nhạc sĩ Quốc Trung:

Đừng lạc quan trong thống kê

Trong khi các nước xây dựng chiến lược trước chúng ta vài chục năm để hái quả thì bây giờ chúng ta mới nghĩ tới và bắt đầu thì không thể cứ lạc quan là sẽ hái quả được.

công nghiệp giải trí - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Quốc Trung

Nói công nghiệp giải trí có nghĩa mọi công đoạn được thực hiện theo quy trình công nghiệp với những kế hoạch khoa học, tỉ mỉ và kỷ luật. 

Chỉ mới bắt đầu bằng những show (từ các chương hình thực tế) tại sân vận động mà đã vội nghĩ là vươn tầm khu vực và thế giới thì là ngộ nhận.

Chưa nói tới năng lực cạnh tranh khi mà giá thành sản xuất cao mà sức mua thì chỉ lạc quan trong thống kê.

Điều quan trọng nhất của nền công nghiệp văn hóa hay công nghiệp giải trí là năng lực sáng tạo và chất lượng sản phẩm, để từ đó có thể tạo ra nhu cầu. 

Nhu cầu phải được xây dựng từ những trải nghiệm đỉnh cao từ chất lượng chứ không phải bằng chiêu trò truyền thông hay trào lưu.

Cũng như xây dựng đề án phát triển công nghiệp văn hóa trước đây, tôi nghĩ cần xây dựng chiến lược cụ thể, có sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài nước cũng như đội ngũ thực hành.

Chiến lược có tính thực tiễn khả thi phải được xây dựng từ những đánh giá khách quan, trực diện thay vì liệt kê tô hồng làm vừa lòng lãnh đạo. 

Một đề án như vậy không đơn giản và dễ dàng, nên không thể vội vàng. Bởi có rồi thường khó bỏ đi khi mà nó không hiệu quả và không thể mỗi lúc lại xây dựng một đề án. Nó phải có tầm nhìn, bền vững, có tính khả thi và hiệu quả.

công nghiệp giải trí - Ảnh 3.

● Nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn:

Cần thiết lập chính sách ưu đãi tài chính

Tôi rất kỳ vọng vào đề án này, mong sẽ là một cột mốc chính sách có thật, chứ không chỉ là khẩu hiệu. 

công nghiệp giải trí - Ảnh 4.

Nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn

Việc Việt Nam lần đầu tiên tách khái niệm này ra khỏi "công nghiệp văn hóa" để xây dựng chiến lược riêng cho thấy tư duy mới mẻ, dám nhìn nhận đúng vai trò của giải trí trong phát triển kinh tế - xã hội.

Với vai trò là nhà sản xuất phim, tôi mong mình có thể đóng góp ý kiến ở lĩnh vực sản xuất phim.

Thứ nhất, cần phát triển quỹ điện ảnh với mục tiêu rõ ràng để các nhà làm phim chân chính có điều kiện tiếp cận, phát triển. 

Thứ hai, cần thiết lập chính sách ưu đãi tài chính và thuế, áp dụng hoàn thuế hoặc ưu đãi thuế: học hỏi từ Thái Lan.

Tiếp theo là duy trì hoặc giảm thuế VAT cho điện ảnh: tránh tăng thuế VAT từ 5% lên 10% như đề xuất trước đây, thay vào đó, xem xét giảm thuế VAT xuống còn 3% để hỗ trợ các doanh nghiệp điện ảnh trong nước và thúc đẩy tăng trưởng.

Và cuối cùng là miễn, giảm thuế cho cá nhân hoạt động trong ngành phim ảnh, bởi các nước trên thế giới làm rất tốt việc này. 80 - 90% phim thua lỗ mỗi năm cho thấy đầu tư sản xuất phim mang tính rủi ro cao mà nhân sự tham gia ngành này cũng cần sống chứ.

● Đại diện YeaH1:

Mừng là có một định danh rõ ràng

Thay vì các doanh nghiệp tự tổ chức các hoạt động riêng lẻ, nay Chính phủ muốn phát triển thành một "ngành công nghiệp" được công nhận. Đây là một bước tiến quan trọng, tạo ra một định danh rõ ràng, từ đó có thể xây dựng các chính sách hỗ trợ chuyên biệt và hiệu quả hơn.

Để tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo, đổi mới và thành công thương mại bền vững, chúng tôi cho rằng đề án cần tập trung vào 4 yếu tố.

Trước hết, cần bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp (ưu đãi thuế, hợp tác sản xuất và đầu tư vào cơ sở hạ tầng giải trí, các chương trình đồng tài trợ hoặc bảo lãnh vay vốn cho các dự án lớn...).

công nghiệp giải trí - Ảnh 5.

Chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai - Ảnh: NSX

Hai là chiến lược quốc gia trong việc đào tạo, phát triển tài năng và nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp giải trí.

Tiếp theo cần tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư xây dựng các phim trường, sân khấu với cơ sở vật chất hiện đại, được trang bị công nghệ mới nhất, nhằm tạo ra những sản phẩm quy mô, chất lượng...

Cuối cùng là những hoạt động hợp tác sản xuất và phân phối mang tầm quốc tế nhằm tôn vinh văn hóa Việt Nam ra toàn cầu.

● Nhà sản xuất, diễn viên Đinh Ngọc Diệp:

Điện ảnh Việt vừa đắt vừa tạm bợ

Về hạ tầng điện ảnh, tôi mong Việt Nam có những phim trường đạt chuẩn quốc tế thay vì tạm bợ như hiện tại. 

công nghiệp giải trí - Ảnh 6.

Nhà sản xuất, diễn viên Đinh Ngọc Diệp

Chúng tôi từng cân nhắc sang Thái Lan sản xuất phim Việt vì bên đó có phim trường hiện đại và giá nhân sự rẻ lại rất chuyên nghiệp. Một số phim Việt nếu làm ở Thái Lan thì kinh phí có thể rẻ hơn 30 - 40%.

Việc gọi vốn cho một số đạo diễn trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu chỉ kêu gọi tư nhân thì khó có cơ hội cho các bạn trẻ có tài.

Tôi mong có một quỹ riêng để giúp người trẻ thử sức với điện ảnh. Họ có tiềm năng sáng tạo rất lớn và là tương lai của điện ảnh Việt.

Tôi cũng hy vọng giới điện ảnh Việt Nam có môi trường đào tạo tốt về truyền thông và social, hướng đến sự trung thực và đam mê, lan tỏa năng lượng tích cực, gây dựng niềm tin nơi công chúng.

Công nghiệp giải trí Việt Nam: Chiến lược phải xây từ những đánh giá khách quan, trực diện - Ảnh 7.

Bối cảnh phim Thám tử Kiên được khen - Ảnh: ĐPCC

● Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn:

Cần vượt định kiến cũ

Cần thay đổi nhận thức, vượt qua cái nhìn định kiến cũ, để thấy ngành giải trí - nếu được quy hoạch và phát triển bài bản - không chỉ mang lại thu nhập lớn, mà còn góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt, truyền cảm hứng sống tích cực, sáng tạo cho giới trẻ và quảng bá hình ảnh quốc gia ra thế giới.

công nghiệp giải trí - Ảnh 8.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn

Hy vọng đề án khắc phục những điểm nghẽn lớn lâu nay. 

Từ thiếu cơ chế hỗ trợ sản xuất, phát hành, quảng bá đến hạn chế trong đào tạo nhân lực sáng tạo; từ yếu kém trong khai thác bản quyền đến sự chậm trễ trong chuyển đổi số.

Việc xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ đồng bộ về thuế, tín dụng, ưu đãi đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, bảo hộ bản quyền, quảng bá ra quốc tế... cũng cần thiết. 

Đặc biệt là chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp sáng tạo trong nước, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các nền tảng công nghệ, dữ liệu người dùng và kênh phân phối hiện đại bởi đó là những yếu tố sống còn trong nền kinh tế giải trí hiện đại.

● CEO Sconnect Việt Nam Tạ Mạnh Hoàng:

Việt Nam có lợi thế

Chiến lược phải xây từ những đánh giá khách quan, trực diện - Ảnh 7.

CEO Sconnect Việt Nam Tạ Mạnh Hoàng

Để phát triển công nghiệp giải trí, Việt Nam có lợi thế là có nhiều lĩnh vực, ngành nghề mang tính sáng tạo cao, bổ trợ cho hoạt hình.

Đó là hơn 2.500 làng nghề, trong đó có hơn 150 làng nghề mang tính nghệ thuật cao.

Bề dày văn hóa lịch sử Việt Nam đồ sộ, là chất liệu quý cho quốc gia khi phát triển nghệ thuật, điện ảnh, hoạt hình...

Nguồn nhân lực trẻ trong ngành công nghiệp hoạt hình cũng lớn.

Do sự phát triển của Internet, các IP (tài sản trí tuệ) hoạt hình được thương mại hóa một cách dễ dàng, không mất nhiều công sức và thời gian như ngày xưa.

Hoạt hình có thể phát hành qua stream YouTube, Facebook, TikTok..., dễ dàng phát và tiếp cận thị trường.

Đại diện DatVietVAC Group Holdings:

Công bằng và minh bạch

Đến nay Việt Nam vẫn chưa có được một tập đoàn kinh tế tư nhân trong lĩnh vực văn hóa và giải trí mang tầm vóc "kỳ lân" (unicorn), tức sở hữu hệ sinh thái truyền thông và giải trí tích hợp, sáng tạo nguyên bản, có năng lực tạo vốn hóa lớn và tham gia sâu vào chuỗi giá trị văn hóa toàn cầu. Đó là một khoảng trống đáng tiếc.

Chúng tôi kỳ vọng đề án lần này làm nền tảng cho việc xây dựng các chính sách đối xử công bằng và minh bạch giữa doanh nghiệp sáng tạo trong nước và các nền tảng xuyên biên giới.

Chỉ khi môi trường cạnh tranh được bình đẳng, hệ sinh thái văn hóa sáng tạo Việt Nam mới có cơ hội phát triển chuyên nghiệp, bền vững và đủ năng lực vươn tầm khu vực và quốc tế với trọng tâm là xuất khẩu văn hóa mang đậm bản sắc Việt.

Ngoài ra cần lưu ý chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi thuế cho những format và nội dung bản địa có giá trị kinh tế lớn; mở cửa cho hợp tác và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực OTT (truyền hình trực tuyến, video streaming).

Từ đó vừa phát triển công nghệ, vừa nâng cao năng lực sản xuất nội dung của các doanh nghiệp trong nước.

Công nghiệp giải trí Việt Nam: Chiến lược phải xây từ những đánh giá khách quan, trực diện - Ảnh 12.Buổi bình minh của công nghiệp giải trí Việt Nam

Việc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch được giao xây dựng đề án Công nghiệp giải trí ở Việt Nam, báo cáo Thủ tướng trong tháng 5 là một điểm nhấn rất quan trọng, giống như buổi bình minh của nền công nghiệp này tại Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp