12/05/2025 09:24 GMT+7

Cựu thứ trưởng hầu tòa trong vụ án Công ty Thái Dương khai thác đất hiếm bán sang Trung Quốc

Ông Nguyễn Linh Ngọc, cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bị đưa ra xét xử trong phiên tòa dự kiến diễn ra 10 ngày, với cáo buộc tạo điều kiện cho Công ty Thái Dương khai thác trái phép đất hiếm.

Đất hiếm - Ảnh 1.

Cựu thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đến phiên tòa sáng nay - Ảnh: GIANG LONG

Ngày 12-5, ông Nguyễn Linh Ngọc cùng 26 người bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử trong vụ án xảy ra tại Công ty Thái Dương và các đơn vị khác, liên quan khai thác trái phép đất hiếm ở Yên Bái, buôn lậu sang Trung Quốc.

Cựu thứ trưởng là một trong 12 người đang được tại ngoại. Ông đội mũ lưỡi trai, đeo khẩu trang đen, khoác theo chiếc ba lô đến tòa một mình. Ông bị xét xử về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cùng tội danh trên, ông Nguyễn Văn Thuấn, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, cùng 5 người là cựu cán bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng bị đưa ra xét xử.

Ông Đoàn Văn Huấn, chủ tịch Công ty Thái Dương, bị xét xử về 3 tội: vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; gây ô nhiễm môi trường.

19 người còn lại bị đưa ra xét xử về các tội danh khác nhau như: vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; gây ô nhiễm môi trường; buôn lậu; tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Cựu thứ trưởng khai "không hưởng lợi", cấp dưới được "cảm ơn" 500 triệu

Theo cáo trạng, năm 2009 Công ty Thái Dương được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò khoáng sản cho phép thăm dò đất hiếm tại mỏ Yên Phú (Yên Bái).

Đến tháng 5-2011, Công ty Thái Dương nộp hồ sơ xin khai thác quặng đất hiếm, trong hồ sơ chỉ có dự án khai thác, tuyển quặng.

Tuy nhiên thời điểm này do có sự thay đổi về Luật Khoáng sản, Chính phủ chỉ đạo tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước để chờ hướng dẫn. Vì vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa cấp phép cho Công ty Thái Dương.

Đất hiếm - Ảnh 2.

Bộ phận an ninh kiểm tra giấy tờ những người đến dự tòa - Ảnh: GIANG LONG

Ngày 9-1-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị yêu cầu khai thác khoáng sản nhất thiết phải gắn với chế biến sâu.

Công ty Thái Dương phải lập, bổ sung dự án "Đầu tư xây dựng tổ hợp chế biến sâu đất hiếm" trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, xin ý kiến Chính phủ.

Sau khi được Chính phủ chấp thuận chủ trương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định, cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Thái Dương.

Kết quả điều tra xác định trong hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương chỉ có giấy chứng nhận đầu tư dự án khai thác, tuyển quặng do UBND tỉnh Yên Bái cấp đã hết hạn mà chưa được gia hạn hoặc cấp mới.

Các bị cáo là cán bộ của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản được giao nhiệm vụ thẩm định hồ sơ song không làm đúng theo quy định mà dùng kết quả thẩm định cũ từ năm 2011.

Đồng thời những người này biết rõ hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương chưa đủ điều kiện để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng vẫn báo cáo đề xuất lãnh đạo bộ cấp giấy phép cho Công ty Thái Dương.

Ông Nguyễn Linh Ngọc, khi đó là thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi nghiên cứu tờ trình của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản và hồ sơ xin cấp phép, mặc dù biết Công ty Thái Dương chưa đủ điều kiện để được cấp phép nhưng vẫn ký giấy phép khai thác khoáng sản cho công ty này.

Sau khi được cựu lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, từ năm 2019 đến tháng 10-2023, Công ty Thái Dương khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú với tổng trị giá hơn 864 tỉ đồng. Trong đó đã bán trái phép, thu lợi bất chính hơn 736 tỉ đồng.

Ông Ngọc khai đã nghiên cứu tờ trình của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, biết Công ty Thái Dương chưa đủ điều kiện nhưng vẫn ký giấy phép cho doanh nghiệp này.

Tuy nhiên cựu thứ trưởng khẳng định không được hưởng lợi gì từ Đoàn Văn Huấn.

Ông thừa nhận hành vi của mình là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Công ty Thái Dương khai thác trái phép đất hiếm, gây thất thoát hơn 864 tỉ đồng.

Trong khi đó cấp dưới của ông Ngọc, cựu tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thuấn khai quá trình giúp Công ty Thái Dương xin giấy phép, được Đoàn Văn Huấn đến phòng làm việc "cảm ơn" 500 triệu đồng.

Ngụy trang đất hiếm trong vỏ bao gạo để tuồn sang Trung Quốc

Theo cáo trạng, từ tháng 10 đến tháng 11-2021, ông Lưu Đức Hoa (quốc tịch Trung Quốc) đã mua 2.160 tấn quặng đất hiếm chưa được chế biến sâu với hàm lượng 14-17% của ông Huấn.

Ông Hoa sau đó chỉ đạo Nguyễn Thanh Đoàn, phó giám đốc Công ty Thương Binh Trường Sơn, ký hợp đồng gia công làm giàu tinh quặng đất hiếm. Quặng đất hiếm sau đó được ông Hoa chuyển về Hải Phòng rồi thuê công nhân sản xuất, nâng hàm lượng đất hiếm lên 20-30%.

Để ngụy trang quặng đất hiếm có nguồn gốc bất hợp pháp, ông Hoa đã chỉ đạo nhân viên pha trộn thêm các hóa chất và phụ gia tạo thành hợp chất màu trắng đục.

Đất hiếm - Ảnh 3.

Các bị can (từ trái qua phải): Đoàn Văn Huấn, Nguyễn Văn Chính cùng bị đưa ra xét xử trong vụ buôn lậu đất hiếm - Ảnh: Bộ Công an

Đáng chú ý, kết quả điều tra xác định người đàn ông quốc tịch Trung Quốc còn cho đóng gói đất hiếm đã pha trộn trong các bao bì có sẵn nhãn hiệu là "Bảo Khang Rice, chuẩn cơm mẹ nấu, cơm dẻo mềm thơm đặc trưng". Mỗi bao 50kg.

Sau khi ngụy trang thành công, ông Hoa thuê doanh nghiệp ở Trung Quốc làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa. Khi khai báo để xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã ghi là "hỗn hợp chất Oxalate", thực chất là đất hiếm.

Tiếp đó, bị can Trần Đức, giám đốc Công ty TNHH Dương Liễu Logistics, được nhóm của Lưu Đức Hoa thuê làm thủ tục xuất khẩu đất hiếm dưới dạng hàng hóa "hỗn hợp chất Oxalate". Trần Đức đã nhận công việc xuất khẩu hàng hóa với chi phí 7-10 triệu/cont.

Do hàng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không xác định được chủ sở hữu nên Đức đã chỉ đạo nhân viên sử dụng pháp nhân Công ty Dương Liễu và Công ty NST để mở tờ khai hải quan, lập các hóa đơn thương mại hợp thức hóa nguồn gốc.

Bị can Trần Đức đã mở 8 tờ khai tại Chi cục Hải quan cảng Đình Vũ, Hải Phòng khai báo xuất khẩu mặt hàng là "hỗn hợp chất Oxalate" tổng khối lượng hơn 200 tấn, trị giá 501.950 USD.

Viện kiểm sát cáo buộc thực tế số hàng hóa này là đất hiếm đã được ông Lưu Đức Hoa pha trộn, ngụy trang để xuất khẩu trái phép sang Trung Quốc.

Cựu thứ trưởng hầu tòa trong vụ án Công ty Thái Dương khai thác đất hiếm bán sang Trung Quốc - Ảnh 4.Cựu thứ trưởng Bộ TN-MT tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác đất hiếm bán sang Trung Quốc

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố ông Nguyễn Linh Ngọc, cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, với cáo buộc tạo điều kiện cho Công ty Thái Dương khai thác trái phép đất hiếm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp