
Đại tướng Nguyễn Tân Cương - Ảnh: GIA HÂN
Chiều 15-5, Quốc hội thảo luận tổ về dự Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Việt Nam đã cử 1.083 cán bộ, nhân viên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình
Nêu ý kiến tại tổ, Đại tướng Nguyễn Tân Cương - tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 1.083 cán bộ, nhân viên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.
Trong đó Bộ Quốc phòng cử 1.067 chiến sĩ (với 6 lượt bệnh viện dã chiến cấp hai và 3 đội công binh; 137 lượt theo hình thức cá nhân).
Tỉ lệ nữ của Việt Nam tham gia trên 16%, cao hơn so với các nước (6-7%). Tuy Liên hợp quốc không quy định cụ thể nhưng khuyến khích các nước tăng tỉ lệ nữ.
Ông Cương chia sẻ ấn tượng nhất là dù trong điều kiện y tế khó khăn nhưng các y bác sĩ đã cấp cứu thành công 2 ca sản phụ.
"Ở đây quyết định cá nhân phải nhanh, cùng với ý chí của tập thể và phải có trình độ, năng lực. Tưởng rằng 2 ca này không thể qua được nhưng bệnh viện đã cấp cứu thành công", ông Cương chia sẻ.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, Đại tướng Nguyễn Tân Cương cho biết các cán bộ, chiến sĩ còn tham gia hoạt động xã hội nhằm truyền bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Các cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.
"Lúc đầu chúng ta triển khai chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng từ năm 2018 đến nay thì hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ.
Phó tổng thư ký và cố vấn quân sự của Tổng thư ký Liên hợp quốc đã gửi thư cảm ơn đến Chính phủ Việt Nam đối với bệnh viện dã chiến cấp hai", Đại tướng Nguyễn Tân Cương thông tin.
Đội Công binh cũng được lãnh đạo phái bộ đánh giá khi làm thay đổi diện mạo của phái bộ.
Việt Nam đã có 4 sĩ quan quân đội và 2 sĩ quan công an trúng tuyển vào cơ quan của Liên hợp quốc, khi hết nhiệm kỳ được đề nghị công tác tiếp. Để vào các vị trí này phải thi tuyển theo tiêu chí của Liên hợp quốc.
Ông đánh giá, mặc dù lực lượng tham gia không nhiều nhưng có thể khẳng định thông qua nhiệm vụ này đã nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ đó góp phần để các nước tin tưởng của Việt Nam hơn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông cho biết thêm trước đây Việt Nam đã nhận được hỗ trợ của Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Úc... trong huấn luyện, đào tạo sĩ quan tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đến nay thì Việt Nam cũng đã làm chủ công tác huấn luyện.
Về chế độ, chính sách, ông cho biết tiền lương của cán bộ, chiến sĩ do Liên hợp quốc trả trực tiếp vào tài khoản cá nhân.
Hằng tháng, Liên hợp quốc sẽ cử lực lượng đến kiểm tra xem có bao nhiêu phương tiện tham gia hoạt động để tính khấu hao, nhân công, sau đó tính thành tiền để trả cho Việt Nam.
Tuy nhiên, Đại tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cũng gặp không ít khó khăn đó là tình hình an ninh phức tạp, xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo; thời tiết khắc nghiệt; dịch bệnh phức tạp; đời sống nhân dân sở tại khó khăn...
Từ điều kiện khó khăn dẫn đến tệ nạn xã hội, đặc biệt là trộm cắp, cướp giật, thậm chí lực lượng của chúng ta cũng gặp một số trường hợp như vậy nhưng đã kịp thời xử lý, bảo đảm an toàn.
Đồng thời, môi trường làm việc đa văn hóa, sắc tộc, yêu cầu tính chuyên nghiệp, làm việc độc lập và ngoại ngữ cao; người chỉ huy phải có tính quyết đoán.
Vì vậy, ông nhấn mạnh cần có Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung lực lượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình để đa dạng hóa.
"Dự thảo luật quy định rất rõ chúng ta tham gia những lĩnh vực gì, nguyên tắc tham gia cũng quy định rất rõ...
Chúng ta thực hiện chính sách quốc phòng '4 không', vì vậy không đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tham gia ở các khu vực tham chiến...", Đại tướng Nguyễn Tân Cương nêu rõ.
Đề xuất thêm chế độ, chính sách
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cũng nêu thực tế có những sĩ quan thực hiện nhiệm vụ hy sinh tại chiến trường hay bị bệnh tật trong thời gian tham gia hoạt động, hoặc sau khi trở về bị ảnh hưởng của môi trường làm việc khắc nghiệt bị nhiễm bệnh tật.
Từ đó, bà đề nghị liên quan về chế độ chính sách của lực lượng cần bổ sung quy định, chế độ chính sách đối với những cá nhân bị ảnh hưởng sức khỏe sau khi thực hiện xong nhiệm vụ.
Bà cũng đề xuất chính sách ưu việt, ưu tiên hơn đối với những chiến sĩ nữ tham gia để khích lệ, động viên, khuyến khích.
Đại biểu Lê Văn Khảm (Bình Dương) cho rằng quy định về chế độ, chính sách với những cá nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại dự luật chưa thực sự nổi trội.
Trong thực tế, một số cán bộ sau một nhiệm kỳ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở khu vực châu Phi trở về nước đã bị suy giảm sức khỏe không thể phục hồi được. Do đó, ông đề nghị bổ sung thêm các chế độ, chính sách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận