23/05/2024 11:43 GMT+7

Đập cầu cảng cũ, 4 năm chưa xây cảng mới, dân làng chài Hàm Ninh Phú Quốc quá khổ

Làng chài Hàm Ninh, TP Phú Quốc vốn tấp nập du khách, nay đìu hiu từ ngày cầu cảng bị đập năm 2020. Ngư dân phải lội biển từ ghe lên bờ hằng đêm.

Cầu cảng Hàm Ninh bỏ hoang sau khi đoạn nối vào bờ bị đập bỏ từ tháng 1-2020 - Ảnh: SƠN LÂM

Cầu cảng Hàm Ninh bỏ hoang sau khi đoạn nối vào bờ bị đập bỏ từ tháng 1-2020 - Ảnh: SƠN LÂM

Thông tin đến Tuổi Trẻ Online, nhiều người dân ở khu vực làng chài Hàm Ninh (ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh, TP Phú Quốc, Kiên Giang) bày tỏ sự bức xúc sau hơn 4 năm cầu cảng Hàm Ninh bị đập bỏ, nhưng lời hứa xây cầu cảng mới vẫn còn bỏ ngỏ.

Kể từ khi làng chài Hàm Ninh được hình thành, ngư dân đã xây dựng một cầu cảng bằng gỗ để neo đậu thuyền, tiện lợi việc đi lại mỗi khi từ bờ ra thuyền đi đánh bắt cá. 

Cầu cảng này được ví von như xương sống tạo ra làng chài trung tâm của xã Hàm Ninh, giúp người dân thuận lợi làm ăn buôn bán. 

Điều này giúp con đường từ chợ Hàm Ninh thẳng ra cầu cảng càng tấp nập hơn, trở thành một trong những điểm thu hút du khách từ trung tâm Phú Quốc đổ về, các nhà hàng, chợ hải sản mọc lên nhộn nhịp.

Đây cũng là làng chài nổi tiếng với rất nhiều hộ dân chuyên nghề ghe lưới đánh bắt ghẹ biển.

Đập bỏ cầu cảng, làng chài hiu hắt

Tuy nhiên, đến tháng 1-2020, UBND TP Phú Quốc đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị phối hợp với UBND xã Hàm Ninh cùng các ban, ngành liên quan tiến hành tháo dỡ một phần đầu cầu cảng nối với đất liền, với lý do cầu cảng đã hư hỏng, có thể gây ra nguy hiểm.

"Khi dân phản đối việc đập bỏ cầu cảng thì các lãnh đạo hứa là đập bỏ để xây cầu cảng mới. Nhưng đến nay đã 4 năm rưỡi, vẫn chưa thấy cầu cảng nào", một ngư dân sống gần khu vực cầu cảng nói.

Cầu cảng cũ được đập bỏ một phần khoảng 40m nối với bờ. Phần còn lại vẫn đang nằm trơ giữa biển. Vì không còn đường vào bờ, ngư dân có ghe lưới phải thả neo từ xa. Mỗi sáng sớm hoặc tối mịt vào ra đánh cá, ngư dân phải lội biển để vào bờ.

"Một phần cầu cảng bị đập bỏ, bê tông sắt thép vãi ra tứ tung dưới đáy biển. Người dân lội biển từ ghe vào bờ va phải sắt thép hư chân hoài. Chưa kể những ngày biển động chung (nhiều hướng gió xuất hiện trong ngày khiến biển động - PV), tìm được chỗ để neo ghe cực lắm", một ngư dân khác kể thêm.

Biển đêm khu cầu cảng Hàm Ninh chỉ còn cảnh ngư dân ngụp lặn lần mò từng bước lội từ ghe vào - Ảnh: DUY KHÁNH

Biển đêm khu cầu cảng Hàm Ninh chỉ còn cảnh ngư dân ngụp lặn lần mò từng bước lội từ ghe vào - Ảnh: DUY KHÁNH

Không còn cầu cảng, làng chài Hàm Ninh như mất hẳn "trái tim" thu hút du khách, mất đi bản sắc vốn có của làng chài. Quang cảnh ở đây ngày càng đìu hiu. Chỉ còn một số nhà hàng kết nối với các tuyến du lịch đưa khách về ăn trưa.

Nhưng không có cầu cảng, không còn cảnh sôi động như trước, nhiều đơn vị du lịch cũng dần hủy tuyến đưa khách về làng chài Hàm Ninh. Mỗi đêm, điện đèn trên con đường từ chợ Hàm Ninh về cầu cảng cũng hiu hắt dần.

Chưa cân đối được kinh phí xây cầu cảng mới

Theo báo cáo từ UBND xã Hàm Ninh, nguyên do năm 2020 phải đập bỏ cầu cảng Hàm Ninh do cầu cảng bê tông cốt thép được xây dựng từ năm 2002 chưa một lần sửa chữa, nâng cấp.

Năm 2019, Trung tâm Kiểm định và Dịch vụ xây dựng - Sở Xây dựng Kiên Giang đã khảo sát, đánh giá mức độ nguy hiểm của kết cấu công trình cầu cảng Hàm Ninh. 

Kết luận cho thấy khả năng kết cấu chịu lực không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể.

Do đó, cầu cảng đã được tiến hành tháo dỡ để tránh hệ lụy về sau. Từ đó đến nay, UBND TP Phú Quốc và xã cũng đã kêu gọi đầu tư xây dựng lại cầu cảng bằng nguồn xã hội hóa.

Một vài nhà đầu tư thể hiện sự quan tâm, lập quy hoạch để xin đầu tư, tuy nhiên đến nay vẫn chưa phê duyệt được để tiến hành các thủ tục đầu tư.

Tháng 4-2023, UBND xã Hàm Ninh đã lập tờ trình xin đầu tư cầu cảng bằng nguồn ngân sách TP Phú Quốc. 

Với lý do đây là công trình rất cần thiết để đảm bảo cho sinh hoạt của người dân trên địa bàn và vận chuyển hàng hóa lưu thông thuận tiện, tạo thuận lợi cho việc phát triển du lịch xã Hàm Ninh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Hơn nữa nếu kêu gọi đầu tư bằng nguồn xã hội hóa thì quy mô đầu tư sẽ lớn và liên quan đến giải phóng mặt bằng, cũng như khó quản lý và phân định quyền lợi của nhà đầu tư và người dân sau khi cầu cảng được xây dựng lại xong.

Tuy nhiên, sau khi chủ tịch TP Phú Quốc giao Phòng tài chính kế hoạch chủ trì khảo sát, thì đơn vị này đã báo cáo lại là không cân đối được vốn trong kế hoạch trung hạn 2021-2025.

Ông Võ Hoài Khoa - chủ tịch UBND xã Hàm Ninh - thông tin: "Để xây dựng mới cầu cảng, xã đã báo cáo quy mô và tổng mức đầu tư gửi UBND TP Phú Quốc để trình UBND tỉnh Kiên Giang xem xét đầu tư. UBND tỉnh Kiên Giang thông qua thì địa phương sẽ bắt đầu làm cầu cảng trên để phục vụ việc vận chuyển hàng hóa của người dân và du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội".

Theo báo cáo từ UBND xã Hàm Ninh, công trình cầu cảng mới dự kiến có tổng mức đầu tư 80 tỉ đồng. Bao gồm bến cập chính rộng 10m, dài 50m và bãi chờ rộng 10m, dài 30m.

Hai bến cập phụ mỗi bến rộng 5m, dài 35m, tại chỗ mở rộng cầu dẫn 13,5m. Kích thước cầu dẫn cảng dự kiến rộng 7m, dài 480m. Đường dẫn dài 100m, rộng 9m. Kết cấu bê tông cốt thép, cùng với hệ thống chiếu sáng, lan can và phao chống va,...

Phú Quốc tạm dừng cho lãnh đạo đi nước ngoài để tập trung xử lý các vụ việc đất đai, xây dựngPhú Quốc tạm dừng cho lãnh đạo đi nước ngoài để tập trung xử lý các vụ việc đất đai, xây dựng

Ngày 22-5, thông tin từ Thành ủy Phú Quốc cho biết đã có văn bản về việc tạm dừng giải quyết cho cán bộ, đảng viên là lãnh đạo các cấp đi nước ngoài.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp