18/05/2025 08:00 GMT+7

Dấu ấn nhiệm kỳ đưa Buôn Ma Thuột thành đô thị xanh, đáng sống giữa đại ngàn Tây Nguyên

TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vai trò đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên hiện đại, bản sắc và đáng sống.

buôn ma thuột - Ảnh 1.

Buôn Ma Thuột đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành đô thị trung tâm Tây Nguyên - Ảnh: TÂM AN

Trở lại Buôn Ma Thuột sau hơn 5 năm, ông Trần Văn Tuấn, kỹ sư xây dựng ở TP.HCM, không khỏi ngỡ ngàng: “Đường sá khang trang, vỉa hè lát đá sạch sẽ, phố xá sáng đèn, nhiều khu dân cư và trung tâm thương mại mọc lên liên tiếp. Thành phố này thay đổi rất nhiều, nhất là chú trọng trồng nhiều cây xanh và chỉnh trang đô thị”, anh Tuấn nhận xét.

Buôn Ma Thuột xanh, thông minh, lấy người dân làm trung tâm

Theo lãnh đạo Thành ủy Buôn Ma Thuột, giai đoạn 2021 - 2025, kinh tế TP Buôn Ma Thuột tăng trưởng bình quân 13,51%/năm, vượt mục tiêu đề ra và cao hơn nhiều so với giai đoạn trước. Đến cuối năm 2025, quy mô nền kinh tế thành phố ước đạt gần 67.000 tỉ đồng, gần gấp đôi so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó thương mại - dịch vụ chiếm hơn 52%, công nghiệp - xây dựng hơn 42%, còn lại là nông nghiệp.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 88.000 tỉ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp vượt 18.000 tỉ đồng, tăng gần 86% so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người đạt 229 triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng cho biết: “Dù gặp nhiều thách thức như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thay đổi chính sách đầu tư… thành phố vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, huy động tốt các nguồn lực và tạo ra đột phá về hạ tầng, cải cách hành chính, chất lượng sống”.

buôn ma thuột - Ảnh 2.

TP Buôn Ma Thuột nhận quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2020 - 2025 ước đạt trên 125.354 tỉ đồng, gần gấp đôi nhiệm kỳ trước. Thành phố triển khai hơn 550 công trình hạ tầng, nổi bật như các tuyến đường Đông - Tây (nay là Võ Nguyên Giáp), Hùng Vương, Phan Huy Chú, đường 19-5, hồ thủy lợi Ea Tam…

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỉ đồng, khi hoàn thành sẽ kết nối thành phố với duyên hải Nam Trung Bộ, mở ra cơ hội phát triển mới.

Bên cạnh các dự án công, thành phố đã cấp phép và hoàn thiện 18 dự án đầu tư có sử dụng đất, tổng vốn khoảng 6.940 tỉ đồng. Nhiều khu đô thị mới hiện đại hình thành như khu đô thị hồ Ea Tam, khu đô thị Tân Lợi, khu dân cư Nguyễn Văn Linh…

Hơn 99% đường nội đô được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, toàn bộ các tuyến đường liên xã, liên thôn đều đã cứng hóa. Hệ thống chiếu sáng công cộng chuyển sang công nghệ thông minh, lưới điện phủ 100%.

buôn ma thuột - Ảnh 3.

Tuyến đường Võ Nguyên Giáp nối trung tâm TP Buôn Ma Thuột với sân bay, bệnh viện đa khoa và đi thẳng ra cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sau này vô cùng thuận lợi cho người dân - Ảnh: TÂM AN

Theo định hướng đến năm 2045, Buôn Ma Thuột phát triển theo hướng đô thị xanh, sinh thái, thông minh. Diện tích cây xanh đô thị đạt bình quân 18,01m²/người, đất cây xanh công cộng nội thành đạt 9,02m²/người, vượt chuẩn đề ra trong nghị quyết. Thành phố đầu tư hàng loạt công viên, hoa viên, vỉa hè lát đá tự nhiên, tạo không gian sống xanh, sạch, bền vững.

Thành phố áp dụng mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong chỉnh trang đô thị. Trong 5 năm qua, người dân đóng góp hơn 250 tỉ đồng để cải tạo hạ tầng, trồng hoa ven đường, mở rộng đường sá…

Tại phường Tân Tiến, từng là điểm nóng khiếu kiện tại chợ trung tâm đầu nhiệm kỳ, nhờ sự chỉ đạo sát sao của cấp trên và sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ, mọi khúc mắc đã được giải quyết dứt điểm vào cuối năm 2021.

Theo ông Nguyễn Đình Ninh - bí thư Đảng ủy phường Tân Tiến - cho biết hiện địa phương này đã hoàn thành 4 dự án chỉnh trang đô thị với khoảng 30% (4,2 tỉ đồng) kinh phí đóng góp từ người dân.

buôn ma thuột - Ảnh 4.

Hồ Ea Tam hơn 1.500 tỉ đã hoàn thành, sắp tới hình thành các khu đô thị ven hồ sẽ giúp bộ mặt thành phố đẹp, điều hòa không khí hơn - Ảnh: TÂM AN

Buôn Ma Thuột hiện dẫn đầu toàn tỉnh về chuyển đổi số và cải cách hành chính. Theo đó, 100% cơ quan, đơn vị sử dụng chữ ký số, phần mềm quản lý văn bản; toàn bộ cán bộ sử dụng email công vụ. 100% hồ sơ hành chính được giải quyết đúng và trước hạn, tỉ lệ hài lòng của người dân đạt 100%.

Nâng cao chất lượng sống và phát triển toàn diện

Ông Trần Đức Nhật - phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột - nói rằng là thành phố năng động, Buôn Ma Thuột chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử tích hợp, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

“Một số tuyến phố đang thí điểm hệ thống giao thông thông minh, chiếu sáng tự động. Chúng tôi xác định lấy người dân làm trung tâm, công nghệ làm công cụ và sự hài lòng làm mục tiêu”, ông Nhật nhấn mạnh.

Ngoài mục tiêu phát triển, việc chăm lo đời sống người dân rất được quan tâm, tỉ lệ hộ nghèo của thành phố giảm còn 0,058%, tỉ lệ thất nghiệp chỉ còn 0,35%. Tại khu vực nông thôn, thu nhập bình quân tăng từ 42,4 triệu đồng (2020) lên 60,9 triệu đồng/năm (2024). Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 77%, trong đó đào tạo nghề chiếm hơn 60%.

buôn ma thuột - Ảnh 5.

Đường tránh phía Đông đang hoàn thiện cùng với đường tránh phía Tây đã đưa vào sử dụng khiến áp lực giao thông nội đô giảm, tăng tính kết nối với các địa phương khác - Ảnh: TÂM AN

Đáng chú ý, Buôn Ma Thuột là địa phương đầu tiên của Đắk Lắk hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2020. Đến nay có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Người dân và doanh nghiệp đã đóng góp hơn 293 tỉ đồng cho chương trình này.

Thành phố hiện có 95 trường học công lập, trong đó 97,9% đạt chuẩn quốc gia. Tỉ lệ học sinh tiểu học và THCS đến trường gần 100%. Riêng lĩnh vực xã hội hóa giáo dục, Buôn Ma Thuột huy động hơn 1.750 tỉ đồng, cao nhất cả nước ở cấp huyện.

Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao, người dân hài lòng ở mức 95%. Toàn bộ rác thải y tế và 100% rác thải sinh hoạt khu vực nội thành được xử lý đúng quy định.

Du lịch Buôn Ma Thuột ghi nhận nhiều khởi sắc, đóng góp hơn 80% doanh thu toàn ngành du lịch tỉnh Đắk Lắk, đạt khoảng 3.700 tỉ đồng/năm. Thành phố đang phát huy hình ảnh cà phê, bản sắc Tây Nguyên, văn hóa cồng chiêng và không gian sống yên bình để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

buôn ma thuột - Ảnh 6.

Buôn Ma Thuột được đánh giá là thành phố nhiều cây xanh, mát mẻ - Ảnh: TÂM AN

Tổng kết nhiệm kỳ 2020 - 2025, Buôn Ma Thuột không chỉ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ mà còn ghi dấu ấn đậm nét trong xây dựng đô thị hiện đại, bền vững và hài hòa với văn hóa bản địa.

“Với đà phát triển hiện tại, Buôn Ma Thuột đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên hiện đại, bản sắc, đáng sống”, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng khẳng định.

Dấu ấn nhiệm kỳ đưa Buôn Ma Thuột thành đô thị xanh, đáng sống giữa đại ngàn Tây Nguyên - Ảnh 8.Dự kiến sẽ có tên phường Buôn Ma Thuột sau sáp nhập

Sau khi sáp nhập, dự kiến TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sẽ có 3 phường, xã, trong đó sẽ có phường Buôn Ma Thuột.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp