
Bà Lương Mai Anh, phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ - Đào tạo, Bộ Y tế, phát biểu tại chương trình - Ảnh: P.HOÀNG
Dự án vừa được ra mắt và khai giảng ngày 18-7 tại Trường đại học Y Hà Nội, mở đầu cho hành trình phổ cập trí tuệ nhân tạo (AI) đến 15.000 cán bộ ngành y trên toàn quốc. Đây là một dự án nằm trong chiến lược nâng cao năng lực số và thúc đẩy chuyển đổi số của ngành y tế Việt Nam.
Dự án được triển khai bởi Công ty cổ phần Hành trình Việt Nam Khỏe Mạnh (VietHealth), dưới sự định hướng và chỉ đạo của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế, đồng thời có sự bảo trợ của Hội Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ y - sinh Việt Nam (VAMBRA) cùng sự đồng hành của các trường đại học y, dược thuộc Bộ Y tế.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Lương Mai Anh - phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế - khẳng định rằng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng AI là xu hướng tất yếu. AI không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng công việc mà còn là công cụ hỗ trợ cải cách hành chính và hiện đại hóa hệ thống y tế công.
Dự kiến sẽ có 15.000 nhân viên y tế được giảng dạy bởi những chuyên gia am hiểu về AI, đặc biệt trong các bài giảng sẽ lồng ghép với thực tế để nhân viên y tế có thể ứng dụng trong công việc.
Về chương trình giảng dạy, đại diện VietHealth cho hay khoa học không đặt mục tiêu biến học viên thành chuyên gia AI, mà giúp họ sử dụng AI đúng, đủ và có ích trong thực tiễn ngành y tế.
"Trong bối cảnh nhân viên y tế đang chịu áp lực lớn từ khối lượng công việc hành chính như báo cáo, tổng kết, nghiên cứu tài liệu… AI được kỳ vọng sẽ giúp rút ngắn thời gian, giải phóng sức lao động, từ đó dành nhiều hơn cho công việc chuyên môn và chăm sóc người bệnh.
Thay vì mất 2-3 tiếng mỗi ngày làm báo cáo, giờ đây với AI, họ chỉ cần khoảng 30 phút. AI giúp giảm tải những công việc lặp đi lặp lại, nhưng không thay thế con người trong công việc đòi hỏi chuyên môn và tư duy lâm sàng", chuyên gia này chia sẻ.
Khóa học được xây dựng theo ba trụ cột là mindset (tư duy), hình thành tư duy đúng đắn về AI, nhận diện lợi ích, rủi ro và biết cách ứng xử phù hợp với công nghệ mới.
Skillset (kỹ năng), trang bị kỹ năng cần thiết để làm chủ công cụ AI, tránh bị "đánh lừa" bởi thông tin sai lệch, biết phân tích và đánh giá dữ liệu.
Và cuối cùng là toolset (công cụ): Hướng dẫn sử dụng các công cụ như ChatGPT, Google Gemini... theo đặc thù từng nhóm ngành. Bác sĩ có thể dùng tra cứu y khoa, dược sĩ tìm thông tin thuốc, điều dưỡng hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân, cán bộ hành chính lập báo cáo nhanh chóng.
Dự kiến dự án sẽ phổ cập AI cho 15.000 nhân viên y tế trên khắp cả nước, kỳ vọng sẽ góp phần giúp ngành y Việt Nam không bỏ lỡ làn sóng chuyển đổi số, khi nhiều nước Đông Nam Á đã bắt đầu thử nghiệm tích hợp AI vào hoạt động bệnh viện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận