
Nhiều bài học có thể dạy cho trẻ em để có thể chủ động phòng tránh xâm hại - Ảnh: BIZTON
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt ở lứa tuổi mầm non, đã được phát hiện và gây lo ngại trong xã hội. Theo các chuyên gia, đây là nhóm tuổi dễ bị tổn thương nhất vì chưa đủ nhận thức để phân biệt hành vi xâm hại và chưa có kỹ năng tự bảo vệ.
Trẻ nhỏ - đối tượng dễ bị xâm hại
PGS.TS Huỳnh Văn Chẩn, trưởng khoa tâm lý - giáo dục Trường đại học Nguyễn Tất Thành, nhận định trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em, nạn nhân thường là trẻ nhỏ, đặc biệt ở độ tuổi mầm non, nhóm tuổi chưa đủ nhận thức để phân biệt hành vi xâm hại và chưa có kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
"Trẻ mầm non rất dễ tin tưởng người lớn, đặc biệt nếu đó là người quen, người thân như hàng xóm, thầy cô, người chăm sóc. Các em thường không nhận ra đâu là hành vi nguy hiểm, đâu là 'trò chơi' trá hình", ông Chẩn cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều kẻ xâm hại lợi dụng sự non nớt và tâm lý sợ hãi của trẻ để đe dọa, dụ dỗ, khiến trẻ không dám kể với ai. Một số em còn cảm thấy bản thân có lỗi, sợ bị la mắng, nên chọn cách im lặng.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chẩn, điều nguy hiểm hơn là khi trẻ cố gắng chia sẻ, nếu người lớn không tin, phản ứng né tránh hoặc phớt lờ thì sẽ làm tổn thương tâm lý trẻ thêm một lần nữa.
Ông cũng nhấn mạnh một nguyên nhân đến từ sự thiếu hụt giáo dục giới tính ở nhà trường và gia đình. "Không ít phụ huynh cho rằng trẻ còn quá nhỏ để học về giới tính, nhưng đó lại là giai đoạn quan trọng nhất để hình thành nhận thức cơ bản về ranh giới cơ thể, quyền được từ chối đụng chạm và cách cầu cứu khi gặp nguy hiểm", ông phân tích.
Ngoài ra, môi trường sống thiếu an toàn cũng là một yếu tố rủi ro. Một số trẻ sống trong các nhóm trẻ tự phát, ở nhà một mình hoặc được gửi nhờ cho người không rõ nhân thân có thể dễ trở thành "mục tiêu" xâm hại.
Làm sao để trẻ mầm non biết tự bảo vệ mình?
Theo cô Thái Hạnh Nhân - giám đốc chương trình học thuật hệ thống mầm non BRIS (TP.HCM), phụ huynh có thể dạy con kỹ năng bảo vệ bản thân ngay từ những tình huống đời thường với cách truyền đạt nhẹ nhàng, gần gũi.
Phụ huynh nên bắt đầu bằng việc dạy con về ranh giới cơ thể. Ví dụ có thể giải thích rằng những bộ phận nằm dưới đồ bơi là vùng riêng tư, không ai được phép đụng vào, trừ cha mẹ khi giúp vệ sinh hoặc bác sĩ trong lúc khám bệnh và phải có người thân bên cạnh.
Cô gợi ý nên dùng câu đơn giản như: "Cơ thể con là của con. Chỉ con mới có quyền quyết định ai được chạm vào".
Một kỹ năng quan trọng khác là biết nói "không". Theo cô Nhân, phụ huynh nên hướng dẫn con nói lời từ chối một cách rõ ràng, dứt khoát nếu ai đó khiến con cảm thấy không thoải mái, kể cả khi đó là người quen.
Cha mẹ có thể cùng con đóng vai giả định như: "Nếu ai đó muốn ôm con mà con không thích thì con nên làm gì?", sau đó dạy con bắt chéo tay, bước lùi lại hoặc gọi người lớn đáng tin cậy.
Cô cũng nhấn mạnh việc dạy trẻ tôn trọng cơ thể người khác: "Trẻ cần hiểu rằng bạn bè cũng có vùng riêng tư giống mình. Các con không được đụng vào người khác, kể cả trong lúc chơi đùa".
Cuối cùng theo cô, phụ huynh cần tạo ra môi trường an toàn về mặt cảm xúc, nơi trẻ luôn cảm thấy được lắng nghe. "Hãy cho con biết rằng nếu có điều gì khiến con sợ, thấy lạ, hoặc không thích, con có thể kể với ba mẹ bất cứ lúc nào và sẽ luôn được tin tưởng, bảo vệ", cô Nhân nói.
Theo một chuyên gia từ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, phụ huynh cũng cần chú ý đến dấu hiệu bất thường trong hành vi và cảm xúc của trẻ. Nếu trẻ đột ngột sợ một người cụ thể, thay đổi cách cư xử, né tránh giao tiếp, hay có biểu hiện lo âu, mất ngủ, cáu gắt vô cớ… cha mẹ cần lắng nghe kỹ và đặt câu hỏi nhẹ nhàng để tìm hiểu nguyên nhân.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh trẻ nhỏ ghi nhớ tốt nhất qua việc lặp lại, đặc biệt là thông qua những hoạt động hàng ngày như kể chuyện, hát, vẽ tranh hay chơi đóng vai. Những câu hỏi như "Con cảm thấy hôm nay thế nào?" hoặc "Có ai làm điều gì khiến con không vui không?" nên được lồng ghép vào các buổi trò chuyện buổi tối để trẻ tập thói quen chia sẻ.
Một gợi ý quan trọng được chuyên gia này đưa ra là gắn nhãn cảm xúc cho trẻ giúp trẻ biết cách gọi tên các cảm xúc như vui, buồn, sợ, lo lắng, ngại ngùng…
Đặc biệt, phụ huynh cần tránh la mắng hoặc phớt lờ những lời kể của trẻ, dù câu chuyện có vẻ "vớ vẩn". "Chỉ cần cha mẹ phản ứng tiêu cực một lần, trẻ sẽ thu mình và ngại nói thật trong những lần sau", chuyên gia lưu ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận