![]() |
Dịch giả, nhà ngôn ngữ Cao Xuân Hạo |
- Ông nghĩ gì về tình trạng tiếng Việt bị sử dụng sai nghĩa, sai ngữ pháp trên báo, đài, và ở đâu đó nữa...?
- May thay, dù sao tôi cũng đã quá già để có thể bị cái giọng Tây lai ấy ảnh hưởng. Chỉ thương cho những người Việt nhỏ tuổi sẽ bắt chước kiểu nói đó mà quên dần những phương tiện diễn đạt trau chuốt, chính xác và tinh tế của tiếng mẹ đẻ để đến khi đọc Kiều hay thơ Xuân Diệu không còn chút khả năng rung đùi nào nữa.
Tôi cũng không đến nỗi bi quan như một số đồng nghiệp cho rằng dưới những đòn nặng nề của "ba mũi giáp công" (nhà trường, truyền thông đại chúng và các nhà nghiên cứu), tiếng Việt chỉ vài mươi năm nữa là tuyệt diệt. Tôi tin rằng nếu ngay bây giờ chúng ta bắt đầu dạy tiếng Việt thật ở nhà trường phổ thông, cái quá trình bi thảm ấy hoàn toàn có thể bị chặn đứng, chậm nhất là sau 20 năm.
- Ngôn ngữ thể hiện tư duy của con người, liệu có phải tư duy của chúng ta đang "có vấn đề", thưa ông?
- Đừng đặt vấn đề sâu như thế. Ở đây tôi chỉ muốn nói nhà trường đã dạy dỗ thế nào, các ông giáo sư, nhà nghiên cứu đã làm gì mà để môn tiếng Việt lâm vào một tình trạng đáng buồn như vậy. Theo tôi, hiện nay thứ tiếng mà chúng ta đang dạy cho học sinh và sinh viên gần như 100% không phải là tiếng Việt, mà là tiếng Pháp hay một thứ tiếng Âu Châu điển hình nào đấy.
- Ông nghĩ thế nào về tình trạng dịch thuật hiện nay?
- Thú thật là tôi ít có thì giờ để đọc. Thỉnh thoảng xem tạp chí Văn học nước ngoài tôi thấy hình như các dịch giả quá ít chú ý đến câu văn. Hình như họ dịch quá sát nguyên bản mà không đọc lại cho kỹ xem văn Việt của bản dịch có ngô ngọng quá không.
- Một câu cuối cùng, đến tuổi này ông sợ nhất điều gì?
- Có ai làm gì đâu mà mình sợ. Nhưng đúng là tôi thấy buồn trước tình hình dạy, học và viết tiếng Việt hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận