
Theo PGS.TS Phan Thanh Hoàn, trong tương lai AI sẽ trở thành "đồng nghiệp", thậm chí có thể cạnh tranh trực tiếp với sinh viên trong một số công việc
Đó là phát biểu của PGS.TS Phan Thanh Hoàn - chuyên gia kinh tế, phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (Đại học Huế) - tại hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục đại học", do nhà trường tổ chức ngày 23-5.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, doanh nhân, giảng viên và hơn 200 sinh viên đang theo học tại Trường đại học Kinh tế (Đại học Huế).
Tại hội thảo, PGS.TS Phan Thanh Hoàn cho biết việc ứng dụng AI vào công tác dạy và học ở cấp đại học không còn là xu hướng, mà đang dần trở thành yêu cầu tất yếu.
Ông dẫn chứng nhiều trường đại học trên thế giới đã cung cấp các phần mềm AI có trả phí để sinh viên sử dụng trong quá trình học tập.
Theo ông Hoàn, tại Việt Nam các ứng dụng AI miễn phí và trả phí như ChatGPT, Gemini, NotebookLM… đã, đang và sẽ trở thành những công cụ không thể thiếu trong giáo dục. Với sinh viên, các công cụ này hỗ trợ việc tự học, tìm kiếm tài liệu và tự đánh giá quá trình học thông qua các bài kiểm tra.
Còn với giảng viên đại học, AI là công cụ hữu ích trong việc soạn bài giảng, ra đề thi, thậm chí tự động chấm điểm bài thi của sinh viên chỉ trong vài phút. Ông Hoàn nhận định trong tương lai, AI sẽ trở thành "đồng nghiệp", thậm chí có thể cạnh tranh trực tiếp với sinh viên trong một số công việc.
"Điều quan trọng trong việc sử dụng AI là chúng ta phải làm chủ nó, phải biết cách ra lệnh, huấn luyện AI. Đây là một nghệ thuật, đòi hỏi sự tìm tòi, mày mò và học hỏi không ngừng", ông Hoàn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Khiết - tổng giám đốc Công ty Kiểm toán ASCO Việt Nam kiêm chủ tịch HĐQT Công ty CP NBO AI - cho biết hiện mỗi năm ông sẵn sàng chi hơn 50 triệu đồng để trả phí sử dụng các ứng dụng AI, vì đây là những trợ lý đắc lực trong công việc.
Ông Khiết lấy ví dụ để thực hiện một báo cáo tài chính hay kiểm toán hồ sơ một công ty, nếu làm thủ công sẽ mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên khi giao cho AI xử lý, chỉ mất vài phút.
Ông cũng đề xuất sau hội thảo, Trường đại học Kinh tế (Đại học Huế) nên cung cấp các tài khoản AI có trả phí để sinh viên và giảng viên sử dụng chung cho học tập và công việc.

PGS.TS Nguyễn Tấn Quân, hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (Đại học Huế) - Ảnh: NHẬT LINH
PGS.TS Nguyễn Tấn Quân - hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (Đại học Huế) - khẳng định giáo dục đại học, với vai trò là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới, thích ứng và tiên phong trong ứng dụng AI nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản trị đại học.
Ông nhấn mạnh sự phát triển của AI đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, pháp lý, đạo đức và đặc biệt là năng lực thích ứng của con người.
Vì vậy vai trò của nhà trường, của người thầy và của mỗi sinh viên ngày càng trở nên quan trọng - không chỉ là người sử dụng công nghệ mà còn là người kiến tạo, định hướng và phát triển công nghệ một cách nhân văn và bền vững.
"Sau hội thảo, nhà trường sẽ có những định hướng cụ thể để áp dụng trí tuệ nhân tạo AI vào hoạt động dạy và học, quản lý bộ máy, đặc biệt là trong công tác tuyển sinh tại trường", ông Quân cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận