
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT - Ảnh: T.T.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các tổ chức, cá nhân. Thời gian lấy ý kiến góp ý từ nay đến hết ngày 9-7-2025.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục số 43/2019 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14-6-2019, gồm 9 chương, 115 điều, có hiệu lực từ năm 2020, thực tiễn cho thấy một số bất cập, hạn chế cần được tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung. Một số điều được Bộ GD-ĐT đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo có tác động trực tiếp đến người học.
Một điểm mới là bổ sung trung học nghề là cấp học, không có trường trung cấp (chuyển sang trung học nghề: chương trình tích hợp kiến thức trung học phổ thông). Không cấp bằng trung cấp (thay bằng bằng trung học nghề); định nghĩa giáo dục đại học để đảm bảo tính nhất quán trong hệ thống.
Dự thảo cũng đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp THCS và giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THCS, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục THCS xác nhận hoàn thành chương trình, thay cho việc trưởng phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp THCS;
Giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THPT, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục THPT cấp bằng tốt nghiệp thay cho việc giám đốc sở giáo dục và đào tạo cấp bằng, tuân thủ nguyên tắc "nơi nào đào tạo nơi đó cấp bằng", phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong dự thảo, Bộ GD-ĐT đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông trong trường công lập, hỗ trợ tiền đóng học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông trong cơ sở giáo dục dân lập, tư thục (điều 99).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận