
Dòng người xếp hàng vào tham quan tòa nhà triển lãm Nhật Bản - Ảnh: Quỳnh Trung
Bên trong tòa nhà, rác thải thực phẩm thu thập từ khu vực triển lãm được lên men bởi vi sinh vật, tạo ra khí sinh học được chuyển đổi thành điện năng để vận hành nhà triển lãm.
Vòng tuần hoàn
Japan Pavilion là nhà triển lãm chính thức của Chính phủ Nhật Bản. Đó là một không gian thiết kế bền vững, tương tác và độc đáo về mặt kiến trúc, truyền tải tầm nhìn của xứ phù tang về một xã hội tương lai dựa trên chu kỳ cuộc sống, sự bền vững và công nghệ đổi mới.
Một ngày gần cuối tháng 6, bất chấp trời mưa nhiều du khách vẫn che ô kiên nhẫn xếp hàng dài để tham quan nhà triển lãm Nhật Bản. Có lẽ họ háo hức xem chủ nhà Expo Osaka 2025, cũng là quốc gia đi đầu về công nghệ và sáng tạo, sẽ gửi thông điệp gì cho tương lai thế giới.
Với chủ đề "Between Lives" (giữa những cuộc sống), kiến trúc gian hàng Nhật Bản mang tính tuần hoàn, biểu trưng cho các chu kỳ vô hạn của cuộc sống, thiên nhiên và việc sử dụng tài nguyên. Kiến trúc hình tròn của gian hàng đồng thời phản ánh triết lý tiết kiệm, khéo léo trong sử dụng tài nguyên, một nét đẹp trong di sản văn hóa Nhật Bản.
Ngay khi bước vào triển lãm, không gian màu đen trắng hiện ra trước mắt khách tham quan với dòng chữ nổi bật trên tường: "Cuộc sống bắt đầu từ rác thải", kèm theo lời thuyết minh: "Chúng tôi tạo ra điện từ rác thải thực phẩm và tận dụng năng lượng đó để biến nước thải thành nước sạch, nuôi dưỡng sự sống mới".
Sau đó khách tham quan được dẫn đến khu vực tiếp theo là quy trình xử lý rác thải thành điện năng. Rác thải thực phẩm gồm ly giấy, bìa các tông, dao nĩa nhựa thu thập từ khu vực được lên men để sinh ra khí methane.
Khí methane được sử dụng làm nguồn năng lượng để phát điện. Quá trình tạo điện từ khí sinh học này là nhờ công việc của các vi sinh vật. Các vi sinh vật được tìm thấy trong nước biển phân hủy nhựa phân hủy sinh học trở lại với thiên nhiên. Quá trình phân hủy dần dần này giống như một tác phẩm nghệ thuật.
Bên cạnh đó, gian hàng còn giới thiệu hệ thống biến chất thải thành điện năng và nước phục vụ nuôi trồng tảo biển - một nguồn dinh dưỡng giàu tiềm năng và khả năng hấp thụ CO2 hiệu quả.
Nhà triển lãm Nhật Bản như một "nhà máy tái chế" thu nhỏ. Vật liệu và năng lượng chiết xuất từ rác thải được các vi sinh vật chuyển hóa thành nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men, quần áo, đảm nhận những vai trò mới trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Rác thải tại triển lãm được xử lý và chuyển hóa thành điện năng - Ảnh: QUỲNH TRUNG
Lan tỏa văn hóa Nhật Bản
Ngoài các công nghệ biến rác thải thành điện năng, gian hàng còn giới thiệu các giải pháp phòng chống thiên tai đã được Nhật Bản áp dụng thành công như hệ thống giảm chấn động đất của Tokyo Skytree hay kỹ thuật bảo vệ trước lũ lụt ở Nagarebashi với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm này cho các quốc gia Đông Nam Á thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai.
Gian hàng còn là không gian văn hóa, truyền tải truyền thống tinh hoa của Nhật Bản và thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động giao lưu, kết nối thương mại và nhân dân.
Nhà triển lãm quy tụ hơn 30 công ty, tổ chức và cá nhân, trong đó có nhiều dự án sáng tạo từ sinh viên như ghế in 3D tích hợp cánh tay robot, thể hiện tinh thần đổi mới trẻ trung. Đây không chỉ là nơi trưng bày công nghệ hiện đại mà còn mang theo thông điệp sâu sắc về phát triển bền vững và giá trị văn hóa truyền thống Nhật Bản.
Những sáng kiến và công nghệ trưng bày tại gian hàng được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến biến đổi khí hậu, văn hóa và thế giới nói chung. Ví dụ việc nhấn mạnh lợi ích dinh dưỡng của tảo biển cũng như tiềm năng hấp thụ CO2 của chúng có thể góp phần hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu trong giải quyết các vấn đề như thiếu hụt lương thực trong tương lai và biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, vật liệu gỗ ghép lớp (CLT) - được xem là "bê tông xanh" của tương lai - sẽ được tái sử dụng sau khi expo kết thúc, tiếp tục mở rộng khái niệm tuần hoàn đến các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các bên liên quan khác.
Các trải nghiệm tại gian hàng giúp du khách nhận ra mình là mắt xích trong chu trình sống bền vững của tự nhiên và xã hội, từ đó được truyền cảm hứng hành động vì một tương lai xanh hơn. "Gian hàng Nhật Bản thể hiện chủ đề tuần hoàn không chỉ qua triển lãm mà còn qua kiến trúc của nó. Cấu trúc hình tròn của gian hàng biểu thị một vòng tuần hoàn liên tục, không có điểm bắt đầu hay kết thúc rõ ràng.
Trong suốt kỳ triển lãm này chúng tôi hy vọng khách tham quan sẽ thấy mình là một phần của vòng tuần hoàn lớn hơn và được truyền cảm hứng để hành động xây dựng một xã hội bền vững hơn" - ông Takubo Norihiko, quyền giám đốc gian hàng Nhật Bản, trả lời Tuổi Trẻ.
Qua triển lãm này người Nhật cũng khéo léo giới thiệu với du khách quốc tế về truyền thống gắn bó với thiên nhiên và đề cao sự khéo léo trong việc sử dụng tài nguyên sao cho bền vững, làm ra những sản phẩm có độ bền cao. Phương pháp sản xuất theo vòng tuần hoàn này là giá trị văn hóa mà Nhật Bản muốn truyền lại cho các thế hệ tiếp nối.

Máy tắm tự động được trưng bày tại gian hàng Osaka Healthcare - Ảnh: QUỲNH TRUNG
Mô hình xã hội tương lai
Một trong những sứ mệnh cốt lõi của Expo Osaka 2025 là cam kết phát triển bền vững nhằm tạo ra mô hình xã hội tương lai hòa hợp giữa tiến bộ môi trường, kinh tế và xã hội.
Có thể thấy tòa nhà triển lãm Nhật Bản hướng tới thể hiện rõ chủ đề chủ đạo của Expo 2025 "Thiết kế xã hội tương lai", không chỉ giới hạn trong con người mà còn mở rộng tới đa dạng các loài sinh vật và thực vật.
Các đơn vị tham gia được khuyến khích áp dụng các thực hành bền vững vào thiết kế gian hàng của mình. Ví dụ gian hàng Đức cũng tập trung vào kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy giảm rác thải, tái sử dụng và khai thác đô thị với các thiết kế thân thiện môi trường như mái nhà phủ cây xanh giúp làm mát tự nhiên và quản lý nước. Đức đã đặt ra những mục tiêu tham vọng như tái chế 64% chất thải xây dựng và giảm 20% khối lượng chất thải còn lại vào năm 2030.
Một sáng kiến nổi bật khác tại Expo Osaka là dự án GREENART, được giới thiệu tại gian hàng Liên minh châu Âu. Sáng kiến này thúc đẩy kỹ thuật bảo tồn nghệ thuật bền vững, liên kết giữa bảo tồn di sản văn hóa với công nghệ xanh và thậm chí khoa học mỹ phẩm như một cách tiếp cận xuyên ngành mới.
Một số công nghệ về phát triển bền vững trưng bày tại Expo Osaka đã được áp dụng thực tế tại Nhật Bản, còn một số đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm. Mục tiêu không chỉ là triển lãm mà còn là ứng dụng thực tiễn của các đổi mới bền vững, làm mô hình mẫu cho các xã hội tương lai cam kết trách nhiệm với môi trường và phúc lợi xã hội.
-------------------------
Với hình tượng trống đồng và con rồng vươn lên cùng với hệ thống metro và cơ sở hạ tầng hiện đại ở cổng vào, Nhà triển lãm Việt Nam (Vietnam Pavilion) mong muốn gửi thông điệp cho thế giới về một đất nước vừa truyền thống vừa hiện đại.
Kỳ tới: Việt Nam, ngôi nhà hội nhập
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận