27/04/2025 17:27 GMT+7

Hàng trăm tấn bột ngọt, hạt nêm giả bị tạm giữ; Sáp nhập tỉnh thành có phải đổi biển số xe?

Công an đột kích Công ty Famimoto, hàng trăm tấn bột ngọt, hạt nêm giả bị tạm giữ; Sáp nhập tỉnh thành có phải đổi biển số xe, đăng ký xe?… là các vấn đề thu hút nhiều bạn đọc quan tâm, phản hồi tuần qua.

Hàng trăm tấn bột ngọt, hạt nêm giả bị tạm giữ; Sáp nhập tỉnh thành có phải đổi biển số xe? - Ảnh 1.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định Công ty TNHH Famimoto Việt Nam đã tiêu thụ ra thị trường 144 tấn dầu ăn, 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm giả - Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ cung cấp

Sau vụ gần 600 loại sữa bột và 10 tấn thuốc giả bị triệt phá, mới đây hàng trăm tấn mì chính, hạt nêm giả của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam vừa bị tạm giữ.

Hàng trăm tấn dầu ăn, bột canh, hạt nêm giả đã đưa ra thị trường tiêu thụ

Ngày 24-4, Công an tỉnh Phú Thọ đã đột kích, khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam (ở xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì).

Tại đây, công an đã phát hiện, tạm giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính (bột ngọt), 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả.

Công an cũng tạm giữ gần 84 tấn phụ gia các loại dùng để sản xuất, sang chiết các loại mì chính, hạt nêm, bột canh giả nói trên và hơn 1.593.513 vỏ bao bì, can nhựa đựng sản phẩm cùng dây chuyền sản xuất đóng gói.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định công ty đã tiêu thụ ra thị trường 144 tấn dầu ăn, 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm giả.

Công an cũng làm rõ hơn 1.220 tấn mì chính có dấu hiệu vi phạm về chỉ dẫn tem mác.

Hàng giả trên đã được công ty bán cho các bếp ăn tại các khu công nghiệp, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.

Các sản phẩm mà Công ty TNHH Famimoto Việt Nam sản xuất gồm "Bột ngọt Boat Brand - thương hiệu xuất xứ Singapore", "Bột ngọt Famimoto - nhãn hiệu bột ngọt hàng đầu Việt Nam, công nghệ Nhật Bản".

"Dầu ăn thượng hạng Boat Brand - thương hiệu xuất xứ Singapore", "Dầu thực vật Fami Gold - sản xuất từ 100% nguyên liệu nhập khẩu Singapore", "Bột canh cao cấp Hà Nội" và "Hạt nêm Bếp Hồng Việt".

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 27-4 về hoạt động Công ty Famimoto, ông Lưu Đức Thọ - chủ tịch UBND xã Thụy Vân - cho biết từ khi ông được luân chuyển về làm chủ tịch xã (cách đây 1-2 năm) đã thấy công ty hoạt động. 

Tuy nhiên công ty hoạt động, sản xuất mặt hàng gì thì cũng không nắm được.

"Ở bên ngoài nhìn rất bình thường, còn bên trong công ty hoạt động thế nào chúng tôi không nắm được vì công ty không báo cáo, phối hợp với UBND xã.

Công ty hoạt động trầm trầm không nổi như các công ty khác trên địa bàn. Đùng một cái thấy thông tin công an khám xét, tạm giữ mì chính, dầu ăn, bột nêm, bột canh giả thì mới biết" - ông Thọ chia sẻ.

"Công ty chỉ nằm trên địa bàn xã chứ xã không có chức năng kiểm tra hoạt động, kể cả giấy phép đăng ký kinh doanh" - ông Thọ cho biết thêm.

Nhiều bạn đọc bày tỏ bức xúc với vụ sản xuất hàng giả bị triệt phá này. "Toàn là những thứ thiết yếu người dân phải dùng hằng ngày", bạn đọc Hoàng Phương bức xúc. 

"Mong rằng lực lượng chức năng tiếp tục tấn công loại tội phạm này mạnh hơn nữa, góp phần làm trong sạch thị trường", bạn đọc Ana mong mỏi. 

Sáp nhập tỉnh thành có phải đổi biển số xe, đăng ký xe?

Sau khi sáp nhập tỉnh, thành, người dân có phải đổi biển số xe, chứng nhận đăng ký xe không? Gửi câu hỏi đến Tuổi Trẻ, nhiều bạn đọc thắc mắc xung quanh việc này.

Theo luật sư Nguyễn Phong Phú (Đoàn luật sư TP.HCM), tại thông tư 79/2024 của Bộ Công an quy định rõ các trường hợp phải đổi chứng nhận đăng ký xe và biển số xe bao gồm:

- Chứng nhận đăng ký xe, biển số xe bị mờ hoặc hỏng. Xe cải tạo hoặc thay đổi màu sơn.

- Thay đổi thông tin của chủ xe (tên chủ xe, số định danh) hoặc chủ xe muốn đổi chứng nhận đăng ký xe theo địa chỉ mới.

- Chứng nhận đăng ký xe hết thời hạn sử dụng...

Như vậy theo các quy định hiện hành, khi sáp nhập tỉnh, thành người dân không bắt buộc phải thay đổi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe. 

Khi nào dẹp được nạn "ăn chặn" bồi thường bảo hiểm?

Bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới được xem là "mỏ vàng" của nhiều doanh nghiệp khối phi nhân thọ nhờ doanh thu lớn, bồi thường lại nhỏ giọt.

Về chi trả bồi thường, cơ quan thanh tra ghi nhận có trường hợp nạn nhân bị tử vong nhưng thay vì bồi thường 150 triệu đồng theo đúng quy định pháp luật để chủ xe có tài chính bồi thường cho nạn nhân, hãng bảo hiểm lại "cắt xén" đến... 80%, chỉ đền 30 triệu đồng!

Không chỉ bị "xà xẻo" tiền bồi thường, nhiều trường hợp khách hàng còn bị trì hoãn chi trả đến cả năm trời, trong khi theo quy định thì từ 15 - 30 ngày phải bồi thường.

Theo dữ liệu từ Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), lũy kế 11 tháng của năm vừa qua mảng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy và các loại xe cơ giới tương tự đạt gần 740 tỉ đồng, song chỉ bồi thường khoảng 4% (28,5 tỉ đồng).

Như vậy, các doanh nghiệp này thu 100 đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự nhưng chỉ chi khoảng... 4 đồng bồi thường thiệt hại cho khách hàng (chưa bao gồm các chi phí khác).

Sau 3 lần tạm trả hồ sơ, hộ dân ở TP Thủ Đức tá hỏa vì tiền sử dụng đất vọt lên 5,45 tỉ đồng

Đó là tình cảnh khổ sở của vợ chồng ông Đặng Hữu Phước (89 tuổi), khi đối diện tiền sử dụng đất quá lớn để được cấp sổ đỏ cho nhà đất ở đường Lã Xuân Oai (phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Đức), nơi ông bà đang ở.

Ông Phước cho biết tháng 3-2006 ông cất nhà trên đất vườn diện tích 224m2, ở ổn định đến nay. Ông nộp hồ sơ cấp sổ đỏ cuối năm 2023 nhưng đầu năm 2025 mới được giải quyết.

Sau 3 lần trả hồ sơ, đến ngày 12-12-2024 ông Phước lại nộp hồ sơ và được giải quyết nhưng tiền sử dụng đất khiến vợ chồng ông Phước choáng váng, hơn 5,456 tỉ đồng.

"Hồ sơ hợp lệ tôi đã nộp đến 3 lần trước thời điểm bảng giá đất mới có hiệu lực. Việc chậm trễ trong giải quyết hồ sơ cấp sổ đỏ không phải từ phía tôi", ông Phước than.

Theo Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh thành phố Thủ Đức (viết tắt VPĐK), các lần nhận hồ sơ của ông Phước thì đơn vị này chưa giải quyết được ngay, phải đợi kết quả xử lý vi phạm việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trước khi cấp sổ đỏ theo quy định. 

Đến ngày 29-11-2024, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Thủ Đức mới có văn bản xác định hành vi tự ý xây nhà trên đất của ông Phước từ tháng 3-2006 đã hết thời hiệu xử lý, được cấp giấy chứng nhận và phải đóng tiền sử dụng đất. Đầu năm 2025, hồ sơ của ông Phước được VPĐK giải quyết...

Cảm ơn bạn đọc đã tin tưởng và đồng hành với Tuổi Trẻ.

Mong tiếp tục nhận được những thông tin phản ánh của bạn đọc qua điện thoại Đường dây nóng và Zalo 23658458, email [email protected], [email protected], fanpage Tuổi Trẻ, hoặc mục Bình luận dưới các tin bài trên tuoitre.vn.

73.000 giáo viên khảo sát năng lực tiếng Anh; Sáp nhập, dân có phải đổi biển số xe, đăng ký xe? - Ảnh 3.600 loại sữa giả, 10 tấn thuốc giả bị triệt phá; Sáp nhập tỉnh thành, bệnh viện có sáp nhập?

Triệt phá đường dây sản xuất sữa bột giả lớn; Sáp nhập tỉnh thành, bệnh viện, trạm y tế, trường học có sáp nhập?… là những vấn đề nổi bật thu hút hàng ngàn lượt bạn đọc quan tâm tuần qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp