Từng có thời gian tưởng chừng như trắng tay vì "vàng trắng", đến bây giờ đại ngàn cao su giữa núi rừng Tây Bắc đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con…

Hơn 1 thập kỷ trước, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam làm một việc táo bạo: đưa cao su lên Tây Bắc.

Không có những nông trường "thẳng cánh cò bay", không lô, khoảnh thẳng tắp, cây xếp hàng như bó đũa mà mang cao su lên trồng ở đồi đất dốc đứng, khí hậu khắc nghiệt, người dân lại chưa quen với tác phong công nghiệp.

Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 1.

Huyện Mường Nhé (cũ) là huyện xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên. Từ trung tâm huyện đến thành phố Điện Biên Phủ phải đi quãng đường 250 cây số. Hồi năm 2013, xe ô tô loại tốt cũng phải mất cả ngày.

Ngày ấy, Mường Nhé được gọi là mảnh đất "5 không", ngoài không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, Mường Nhé còn không ổn định do phức tạp về dân tộc, tôn giáo, đặc biệt là truyền đạo trái phép.

Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 2.

Trưởng bản Mường Nhé Lò Văn Nhâm kể cả bản chẳng có nổi 1 căn nhà chắc chắn. Cái nghèo, cái khổ bám lấy dân bản dai như con vắt trong rừng.

Bà con chỉ có nghề làm nương. Cứ lên sườn dốc phát cây, đốt lấy tro tra lúa. Cả năm được 1 vụ, nhà nào nhiều nương mỗi năm cũng được hai, ba chục bao thóc.

Trồng vài vụ thì đất bạc màu, hạt thóc lép kẹp, bà con lại để đó cho cây dại mọc, đi tìm mảnh nương khác, dăm năm sau quay lại mảnh nương ấy lại phát cây, đốt nương, tra lúa.

Vòng "luân canh" lạc hậu ấy trở thành cái vòng luẩn quẩn khiến cái đói, cái nghèo cứ ám ảnh dân bản như con ma rừng.

Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 3.

Nói bà con để đất trống thì chẳng phải vì vẫn có cây, nhưng là rừng nghèo, đất cằn. Mùa khô, bụi nâu đỏ bám đầy mái nhà như phủ bột cà phê, mùa mưa, nước xói chảy trên đồi xuống như suối dữ.

Canh tác lạc hậu, đất đai cằn cỗi lại thường xuyên sạt lở, lũ quét. Bà con Mường Nhé khổ trăm bề.

Ngày ấy, nhà nào đến mùa giáp hạt tháng 3 (âm lịch) không phải lên rừng đào củ mài đã là nhà khá của bản.

Một ngày tháng tư, khói đốt nương còn cay mắt dân bản, Mường Nhé có những vị khách lạ, nói giọng miền Nam cùng cán bộ địa phương đến bàn với dân chuyện góp nương trồng cao su.

Ông Nhâm gom cả chục mảnh nương, mỗi nơi một ít, đổi thêm cả của anh em, bạn bè góp vào công ty, tổng được hơn 10ha, nhiều nhất bản. Những hộ khác nghe theo, người góp một mảnh, người góp vài mảnh.

Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 4.

Hộ ít, đổi nương cho anh em, dồn được mảnh to góp vào công ty. Thế rồi những cánh rừng cao su đầu tiên bén rễ trên đất cực Tây của Tổ quốc.

Những đám nương, đám đất bạc, xen lẫn những khoảnh rừng tái sinh nham nhở xưa kia dần dần được phủ một màu xanh của cây cao su.

Cuối năm ngoái, công ty chia sản phẩm. Người dân góp đất được hưởng 10% giá trị sản phẩm. 10ha cao su của trưởng bản, mang về cho gia đình ông số tiền đủ mua chiếc xe máy đẹp.

"Bây giờ cứ ngồi chơi cũng có ăn rồi! Mà ăn nhiều năm, không phải làm lụng vất vả như trước!" - ông Nhâm cười.

Người trưởng bản này nhẩm tính chu kỳ của cây cao su khoảng 30 năm, trừ 5 năm đầu chưa có sản phẩm, phần ông được hưởng cũng hơn 20 năm. Gấp nhiều lần tra ngô, trồng lúa trước đây.

Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 5.
Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 6.

Những ngày mới nhận nhiệm vụ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Mường Nhé - Điện Biên Nguyễn Hữu Toàn giật mình nhìn bảng lương của người lao động: Cả trang giấy đỏ hoe dấu điểm chỉ.

Ông Toàn vốn là giám đốc nông trường ở Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, được điều động ra làm tổng giám đốc ở công ty xa xôi, khó khăn nhất tập đoàn.

Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 7.

Cả những ngày tháng lăn lộn các nông trường ở Tây Nguyên, đây là lần đầu tiên ông Toàn chứng kiến người dân gặp nhiều khó khăn đến vậy.

"Bà con thu nhập thấp, nhưng giá cả các mặt hàng thiết yếu ở đây lại cao, nhất là các chi phí tiêu dùng. Nhưng họ lại rất chịu khó, nhiều việc tôi thấy nếu không phải là người dân ở đây thì không thể làm được" - ông Toàn nói.

Xem lại danh sách công nhân "Bàn tay vàng" trong đội ngũ công nhân cạo mủ của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thời gian gần đây, ngày càng nhiều công nhân Tây Bắc.

Những người công nhân quá quen với cái vất vả, đến khi được đào tạo, tập luyện, họ "bung" sức nhiệt tình. Anh em trong công ty vẫn tếu táo với nhau: công nhân Tây Bắc được "tu luyện" về sức khỏe, kỹ thuật vì độ dốc, địa hình.

Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 8.

"Nếu như lấy con ngựa vùng cao mà đưa về đua với ngựa đồng bằng thì ngựa đồng bằng không bao giờ vượt đuổi được theo ngựa miền núi! Còn mình đi đào tạo kỹ năng về vấn đề dày răm, độ sâu… đi thi tay nghề là các anh thủ phủ miền Đông bó tay với anh Tây Bắc!’ - ông Nguyễn Công Tám - chủ tịch HĐQĐQT Công ty cổ phần Cao su Điện Biên - nói.

Ông Nguyễn Công Tám - chủ tịch HĐQĐQT Công ty cổ phần Cao su Điện Biên, một trong những người đầu tiên mang cây cao su lên vùng đất Điện Biên, Mường Nhé - chia sẻ nếu nói khó khăn những ngày đầu thì anh em cán bộ công ty không gọi là khó khăn, mà là những thử thách.

Canh tác cao su cần diện tích lớn, tương đối bằng phẳng để thiết kế rừng theo quy mô công nghiệp. Ở các vùng trồng khác, rừng cao su là những hàng cây thẳng tắp, ô tô chạy dưới tán rừng, dễ canh tác, khai thác… Còn ở Điện Biên, cao su trồng trên đồi dốc.

Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 9.

Những ngày mới lên khảo sát, nhìn vùng rừng đồi núi nham nhở, dốc đứng, chẳng mấy ai nghĩ mảnh đất này lại trở thành vùng trồng cao su quy mô công nghiệp được.

Địa hình đồi dốc không cho phép khai thác mủ nước, bán được giá cao mà chỉ có mủ đông, mủ tạp. Đã vậy cứ 3 lần cạo mủ, 10 ngày mới được thu 1 lần. Vừa khó canh tác lại chỉ thu sản phẩm rẻ, quá bất lợi cho công ty.

Thử thách thứ 2 chính là con người. Ngày ấy Mường Nhé được gọi là mảnh đất "Năm không", khó khăn trăm bề.

Anh em đến vận động người dân, vào bản phải nhờ cán bộ địa phương đi cùng vì nhiều người không hiểu tiếng phổ thông.

Những bản thông báo, thư ngỏ, văn bản khác… giải thích về cây cao su, vận động người dân cũng phải nhờ người đọc rồi dịch lại tiếng dân tộc cho bà con nghe.

Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 10.

Vận động bà con cùng góp đất, trồng cao su đã đành, đào tạo con em họ để có tay nghề tốt cho ngành cao su cũng vất vả vô cùng.

Thử thách thứ 3 ngành cao su phải lo toan là thiếu lao động. Ở vùng cao Tây Bắc nhiều lao động về các tỉnh đồng bằng làm công nhân, người ở lại vất vả với ruộng nương.

Muốn có lao động phải đặt họ làm trung tâm, vừa có chế độ ưu đãi, chăm lo cho cuộc sống của họ, vừa đào tạo tay nghề… những gian nan ấy khiến những người mang cây cao su lên Điện Biên vừa phải có quyết tâm thép, vừa phải kiên trì, bền bỉ và tâm huyết với nghề.

Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 11.
Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 12.

Ông Nguyễn Công Tám - chủ tịch HĐQĐQT Công ty cổ phần Cao su Điện Biên - gắn bó từ những ngày đầu khảo sát, làm đất, trồng cao su trên mảnh đất này.

Nghĩ lại những ngày đầu tiên đưa cao su lên Điện Biên, ông Tám cho hay lòng quyết tâm của cán bộ, công nhân trong công ty quyết định tất cả.

Tháng 7-2007, Công ty cổ phần Cao su Điện Biên được thành lập. Công ty là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, thực hiện dự án phát triển cao su ở Điện Biên.

Hiện tại, công ty gồm 4 cổ đông, trong đó Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam giữ 60% vốn điều lệ, các cổ đông khác là Tổng công ty Cao su Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị, Công ty TNHH MTV Cao su EaH’leo (Đắc Lắk).

Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 13.

Khác với hầu hết các công ty cao su khác, hai công ty Cao su Điện Biên và Cao su Mường Nhé - Điện Biên có hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và người dân.

Công ty đầu tư 100% vốn trong suốt chu kỳ kinh doanh từ cây giống, phân bón, chi phí nhân công, trồng, chăm sóc, khai thác… đến xây dựng cơ sở hạ tầng.

Người dân góp vốn bằng đất và… ngồi chơi xơi sản phẩm. Mỗi hộ gia đình, cá nhân góp đất được hưởng 10% sản lượng mủ khi vườn cây đưa vào khai thác.

Tương tự, Công ty cổ phần Cao su Mường Nhé - Điện Biên được thành lập vào tháng 7-2013. Cổ đông sáng lập là Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, Công ty cổ phần Cao su Điện Biên và Công ty cổ phần Cao su Lai Châu 2.

Tổng diện tích cao su đã trồng của hai công ty cao su Điện Biên và Mường Nhé đến nay gần 5.000ha. Lợi nhuận hằng năm hàng chục tỉ đồng.

Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 14.

Riêng Công ty cổ phần Cao su Mường Nhé - Điện Biên, cuối năm ngoái, tiền chi trả giá trị sản phẩm cho người dân góp đất hơn 11 tỉ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động cũng đạt trên 6,1 triệu đồng/người/tháng.

Công ty cổ phần Cao su Điện Biên chi trả hơn 14,6 tỉ đồng cho người góp đất, thu nhập bình quân của người lao động cũng đạt trên 6,4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Tạ Sơn - bí thư xã Mường Nhé (Điện Biên) - cho hay điều thay đổi lớn nhất khi bà con tham gia góp đất làm cao su không chỉ là số tiền công, tiền sản phẩm được hưởng, mà quan trọng hơn là tập quán canh tác manh mún, lạc hậu trước kía bị xóa bỏ.

Dân bản quen với sản xuất hàng hóa, tác phong công nghiệp. Nhiều hộ gia đình biết gom đất, trồng cây ăn quả hay trồng rừng theo định hướng sản xuất hàng hóa.

"Công ty đã góp phần lớn giúp người dân ở Mường Nhé có thêm thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào" - ông Sơn nói.

Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 15.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên, tỉnh này xác định 3 cây trồng chủ lực là mắc ca, cà phê và cao su.

"Đây là những loại cây trồng để xuất khẩu, thị trường rộng và không phụ thuộc vào thị trường nội địa" - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên Lê Xuân Cảnh cho hay.

Theo ông Cảnh, định hướng của tỉnh là tăng tỉ trọng đóng góp, hưởng sản phẩm của người dân trong liên kết sản xuất. Chủ trương hướng đến người dân trồng và được hưởng tối đa lợi nhuận từ sản phẩm cao su trên mảnh đất của mình.

Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 16.

Chủ tịch HĐQĐQT CTCP Cao su Điện Biên cho hay công ty đang xây dựng phương án “góp gạo thổi cơm chung” với bà con theo hình thức: Bà con góp đất, công lao động -  công ty mua hộ giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật, chăm sóc - Nhà nước hỗ trợ vốn, quỹ đất. Đến khi được khai thác, công ty sẽ tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Hướng đi này vừa gắn nhiều hơn trách nhiệm của người dân với vườn cây, vừa giúp bà con thu được nhiều tiền hơn trên mảnh đất của mình.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên cho hay để làm được việc này cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Không phải hợp tác hai bên giữa người dân và doanh nghiệp, mà Nhà nước và nhân dân cùng làm, doanh nghiệp hỗ trợ.

Trong đó người dân góp bằng đất sản xuất, ngày công, chính quyền địa phương huy động tối đa nguồn vốn từ các chương trình, dự án ưu đãi của Nhà nước hỗ trợ vốn để người dân mua giống, phân bón, chi phí đầu vào… doanh nghiệp sẽ bao tiêu, chế biến.

Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 17.
Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 18.

Tại xã Thanh Nưa, Điện Biên, nhà máy chế biến mủ cao su công suất thiết kế 5.000 tấn/năm đang được thành hình. Dự kiến quý 4 năm nay nhà máy sẽ chạy thử.

Từ năm 2026, dự kiến nhà máy này sẽ chế biến từ 6.000 tấn mủ đến 7.000 tấn mủ/năm, phục vụ nhu cầu của 2 công ty Cao su Điện Biên và Công ty cổ phần Cao su Mường Nhé - Điện Biên.

Dự kiến, lợi nhuận trên mỗi tấn mủ được chế biến ngay tại điện biên sẽ làm tăng lợi nhuận lên khoảng 1 triệu đồng so với hiện tại. Riêng nhà máy mỗi năm làm lợi cho công ty khoảng từ 6 tỉ đến 7 tỉ đồng.

Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 19.

Theo lộ trình của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, các công ty cổ phần Cao su Điện Biên và Mường Nhé - Điện Biên tập trung vào 3 trụ cột gồm: phát triển kinh tế, an sinh xã hội và môi trường.

Từ năm 2024, các công ty cao su ở Điện Biên đã thực hiện những bước đầu tiên trong lộ trình phát triển bền vững. Trong đó hoàn thiện các chứng chỉ để đạt tiêu chuẩn về Net - Zero (cân bằng carbon).

Cả gần 5.000ha cao su của 2 công ty cao su đang thực hiện chứng chỉ rừng quốc tế. Đến năm 2026, khi Nhà máy chế biến mủ cao su Điện Biên đi vào hoạt động, công ty sẽ hoàn thành chứng chỉ SC (phạm vi vùng hoạt động), các chứng chỉ châu Âu về nguồn gốc…

Theo đúng lộ trình của tập đoàn, đến năm 2030 cao su Điện Biên, Mường Nhé sẽ đạt chứng chỉ Net - Zero.

Hành trình xanh của cao su trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Ảnh 20.


VŨ TUẤN - NAM TRẦN
NAM TRẦN
HẢI PHI
ĐỨC BÌNH - HỒNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Chủ đề: cao su
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp