Trong 50 năm qua, hạt thóc Việt đã “cựa mình - thức dậy - vươn xa” cho giảm nghèo, no đủ, làm giàu, và lột lớp vỏ của mình để trở thành hạt gạo - hạt vàng vươn ra thế giới, tiếp tục viết nên những câu chuyện kỳ tích của mình.

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 1.

Trong năm 2012, Việt Nam đạt con số 43,7 triệu tấn, sản lượng gạo xuất khẩu 7,7 triệu tấn mang lại 3,5 tỉ USD, trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ - Ảnh: TTXVN

50 năm về trước, hạt gạo Việt đã trải qua "Những năm băng đạn / Vàng như lúa đồng / Bát cơm mùa gặt / Thơm hào giao thông". Trong gian khó đó, hạt gạo Việt phải "cắn" làm tư cho miền Bắc hậu phương, cho chiến trường miền Nam, Campuchia và Lào.

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 2.

Trong giai đoạn 11 năm đầu (1975 - 1986), "hạt gạo làng ta" vẫn kiên tâm gánh chung với số phận của đất nước. Khi vết thương chiến tranh chưa kịp lành thì hạt gạo lại một lần nữa căng mình "cắn làm đôi" cho xóa đói và nuôi quân trong chiến tranh hai miền biên giới.

Trồng lúa trong thửa ruộng nhỏ, sử dụng giống lúa dài ngày, công cụ sản xuất cầm tay, khoa học kỹ thuật lạc hậu và dân số tăng nhanh, cộng với thể chế - mô hình kinh tế hóa tập trung đã khiến hạt thóc kém về năng suất, ít về sản lượng. Bình quân lương thực chỉ đạt 300kg/người/năm (1976) và 260kg/người/năm (1986).

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 3.

Xã viên hợp tác xã Cao Phong (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) cấy lúa vụ chiêm xuân 1984 - 1985 - Ảnh: TTXVN

Cũng từ đó đã kéo theo hệ quả đói nghèo của hơn 40 - 58 triệu người ở mọi miền đất nước. 11 năm đói ăn là 11 năm Việt Nam phải chạy bữa, đi xin vay, nhập khẩu hằng năm 1 triệu - 1,5 triệu tấn lương thực từ nước ngoài. Thân phận của người trồng lúa vẫn là điệp khúc một nắng hai sương. Ký ức ấy còn vương vấn đến ngày nay, ít ra là với người trồng lúa, hộ trồng lúa trong diện "khoán 10".

"Khoán 10" là cách gọi nghị quyết số 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp được Bộ Chính trị ban hành vào tháng 4-1988, khẳng định hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, làm thay đổi căn bản nền kinh tế nông nghiệp của cả nước.

Hành trình hạt gạo 50 năm từ "làng ta" vươn ra thế giới là kỳ tích và người có công lớn là ông Kim Ngọc - bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, được coi là "cha đẻ của khoán hộ" và người mở đường cho tư duy đổi mới về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. "Khoán hộ" của bí thư Vĩnh Phúc đã được tổng kết làm cơ sở, nền tảng để có nghị quyết 10 vào năm 1988.

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 4.

Vụ mùa năm 1988, vụ thứ hai được thực hiện định mức theo đơn giá, các gia đình xã viên HTX Dân Hòa (huyện Thanh Oai, tỉnh Sơn Bình) đã cấy xong toàn bộ gần 400ha lúa trong tháng 7 - Ảnh: TTXVN

Nghị quyết này của Đảng đã đi vào lịch sử cách mạng thời kỳ đổi mới, tạo ra một hướng đi tích cực trong tìm tòi cách thức quản lý mới trong nông nghiệp, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động, nhằm đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp.

Nhìn nhận về cống hiến của ông Kim Ngọc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết rằng: "Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong".

Chuyển đổi mô hình sản xuất "khoán 10" giao ruộng đất trực tiếp cho hộ gia đình, thay vì hợp tác xã quản lý, giúp nâng cao động lực lao động và gia tăng sản lượng, tự túc lương thực, dẫn đến nguồn cung gạo dồi dào đặt nền tảng cho nền nông nghiệp thị trường, chuyển từ tự cung tự cấp sang sản xuất gắn với tiêu thụ và định hướng "kinh tế gạo" hàng hóa cho xuất khẩu.

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 5.

Bước ngoặt trong thương mại và dấu ấn hành trình vươn ra thế giới của hạt gạo Việt Nam phải kể đến mốc lịch sử ngày 23-8-1989, khi chuyến hàng đầu tiên lên tới 10.000 tấn, gạo 35% tấm với giá 235 USD/tấn xuất sang Ấn Độ.

Và chỉ trong hơn 4 tháng cuối năm 1989, Việt Nam đã xuất khẩu được 1,4 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 322 triệu USD với giá xuất khẩu bình quân 226 USD/tấn. Sự kiện trên đã đánh dấu bước khởi đầu hành trình của gạo Việt Nam liên tục suốt mấy thập niên không ngừng phát triển và tác động không nhỏ đến thị trường gạo thế giới.

10 năm sau, gạo Việt tự đánh dấu một cột mốc lịch sử mới cho chính mình bằng kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt 1 tỉ USD, với sản lượng 4,6 triệu tấn và giá xuất khẩu bình quân 227 USD/tấn.

Năm 1999, Việt Nam chính thức trở thành một trong các cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới. Cũng theo đà tăng trưởng đó và cũng đúng 10 năm sau (năm 2009), sản lượng gạo xuất khẩu lần đầu tiên vượt 6 triệu tấn với kim ngạch gần 2,5 tỉ USD.

Năm 2011, hạt gạo Việt lập kỷ lục về sản lượng khi đạt tới 7,1 triệu tấn, kim ngạch 3,65 tỉ USD, giá xuất khẩu bình quân 495 USD/tấn. Từ thời điểm này cũng là cuộc khởi sự nâng cao chất lượng hạt gạo và xây dựng thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế.

Và ngày 30-6-2022, sau khi vượt qua quy trình kiểm nghiệm vô cùng khắt khe với hơn 600 chỉ tiêu, gạo Việt Nam xuất khẩu bằng thương hiệu của chính mình. Và từ đây, danh tiếng hạt gạo Việt lan tỏa nhanh trên thế giới.

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 6.

Trong hành trình gạo Việt Nam vươn ra thế giới, người nông dân trong mọi miền đất nước và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không thể quên ngày 12-11-2019 khi hạt gạo Việt giống ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua (Sóc Trăng) lai tạo đã được vinh danh "World’s Best Rice" - gạo ngon nhất thế giới lần thứ II tại Manila (Philippines).

Đó là một khởi đầu mới cho hạt gạo Việt Nam trên hành trình tạo danh, lập tiếng trên phạm vi toàn cầu.

Khi đón nhận danh hiệu này, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua chia sẻ: "Năm 1997, Thái Lan tuyên bố lai tạo thành công hai giống lúa thơm ngắn ngày. Điều này trở thành sự kiện trong ngành gạo thế giới.

Từ lòng tự tôn của dân tộc, tình yêu tha thiết với hạt gạo Đồng bằng sông Cửu Long, tôi nghĩ người ta làm được sao mình không làm được. Tôi đặt quyết tâm, dồn công, gắng sức để tạo thành công giống lúa thơm Việt Nam. Tôi tin ST25 sẽ mở ra trang mới trong phát triển thị trường lúa gạo Việt Nam".

Nhờ có danh và có tiếng, hạt thóc hạt gạo của Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trỗi dậy.

Các doanh nghiệp Việt thêm tự tin đầu tư, liên kết với nông dân, hợp tác xã xây dựng được vùng lúa chuyên canh, vùng nguyên liệu gạo xuất khẩu và xây dựng thương hiệu gạo như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần nông Nghiệp công nghệ cao Trung An, Tập đoàn giống cây trồng Vinaseed, Tập đoàn Tân Long… nhằm tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do (FTA) để thâm nhập các thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Mỹ…

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 7.

Bức không ảnh chụp ngày 28-6-2024 cho thấy nông dân làm việc trên cánh đồng lúa ở Hội An (Quảng Nam) - Ảnh: AFP

Theo cam kết từ Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam - EU (EVFTA), phía bạn dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Cùng với đó, cánh cửa cho gạo Việt đi vào thị trường châu Phi, Trung Đông cũng được mở rộng. Hạt gạo Việt Nam đã có trên sạp hàng của 150 thị trường, quốc gia và khu vực.

Từ lực đẩy của năm 2023 và năm 2024, Việt Nam đã đạt kỷ lục về sản lượng 9 triệu tấn gạo với giá trị xuất khẩu đạt 5,7 tỉ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt mức cao nhất, với 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với năm 2023.

Giá tăng kéo theo kim ngạch xuất khẩu gạo tăng trưởng hai con số nhờ sản xuất kinh doanh theo nhu cầu thị trường và sự chủ động cơ cấu lại giống lúa cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và các kênh phân phối nước ngoài.

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 8.

Nhìn lại 50 năm Việt Nam có độc lập, 36 năm xuất khẩu gạo, dường như cứ qua một chu kỳ 10 năm là hạt gạo Việt lại tự nâng mình lên một tầm cao mới. Từ một quốc gia thiếu lương thực, Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất, kinh doanh gạo dẻo, gạo thơm, gạo trắng… và trở thành mắt xích quan trọng hàng đầu trong chuỗi cung ứng và an ninh lương thực toàn cầu.

50 năm là một hành trình dài. Ngược dòng quá khứ để không thể nào quên hạt gạo Việt bé nhỏ nhưng có sức mạnh phi thường, cùng đất nước đi qua những năm tháng, vượt ngàn bậc thang khó khăn để lập nên kỳ tích "thế giới nói về hạt gạo là nghĩ đến Việt Nam".

Sự vươn xa của hạt gạo Việt cũng nhờ nỗ lực và quyết tâm không ngừng nghỉ của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đàm phán, khơi thông, phát triển thị trường, cùng với sự "vào trận" hết mình và linh hoạt, quyết đoán của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, dịch vụ hậu cần ngành gạo và Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 9.

Vượt lên tất cả là sự cần cù đến nhẫn nại, dẻo dai của người nông dân "một nắng hai sương" trên những cánh đồng.

Tuy nhiên hạt gạo Việt vẫn còn những vụ mùa trong tình thế lắc lư, dễ ngã. Nếu nghề trồng lúa ngày xưa chỉ trông chờ vào đôi tay tần tảo thì giờ đây lại phải biết dựa thêm vào bộ óc thông minh.

Muốn hạt gạo Việt hòa vào thị trường thế giới và thương hiệu được nâng cao hơn nữa, chúng ta cần đến đôi cánh của trí tuệ và nền tảng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Việt Nam cần xây dựng được một hệ sinh thái tận dụng lợi thế các FTA thế hệ mới cho xuất khẩu gạo. Hệ sinh thái ấy đang thôi thúc sự cách tân của hạt gạo - hạt vàng Việt Nam.

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 10.
Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 11.
Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 12.

Những năm qua, gạo Việt không chỉ khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế qua các giải thưởng danh giá mà còn mở ra những hành trình đầy sáng tạo.

Không chỉ là nguyên liệu cho bữa cơm hằng ngày, gạo Việt còn được đưa vào những thử thách mới: trở thành linh hồn của những mẻ sake và makgeolli thủ công (được xem là "quốc tửu" của Nhật Bản và Hàn Quốc) trên chính đất Việt.

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 13.

Có nhiều cách để một nhà hàng thu hút thực khách: những đánh giá trên mạng, quảng cáo hay đôi khi chỉ là một món ăn, thức uống. Với chúng tôi, sự tò mò về Mùa Craft Sake bắt đầu từ hương vị nồng nàn của ly cocktail trên nền sake được bếp trưởng Trụ Lang giới thiệu là nấu thủ công từ gạo Việt.

Ý tưởng nấu "quốc tửu" Nhật từ gạo Việt trên đất Việt lập tức thôi thúc chúng tôi tìm hiểu câu chuyện đằng sau đó. Một chiều hè oi ả, chúng tôi có mặt tại Mùa Craft Sake (quận 3, TP.HCM) để trò chuyện cùng CEO Na Dai Kang (thường gọi Đại) và bếp trưởng Trụ Lang.

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 14.

CEO Na Dai Kang và các loại sake ở Mùa Craft Sake

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 15.

Hành trình của Mùa Craft Sake bắt đầu từ những ngày dịch COVID-19. Sinh ra và lớn lên ở Canada, Đại về Việt Nam năm 25 tuổi, làm việc nhiều năm trong ngành truyền thông, giải trí, thể thao, thời trang…

Khi đại dịch buộc các sự kiện phải tạm dừng, anh có thời gian nhìn lại con đường của mình. Những cuộc trò chuyện với bạn bè trong ngành F&B, đặc biệt là lĩnh vực bia thủ công, rẽ lối cho anh sang một con đường mới.

Đại nhận thấy người Việt rất thích ẩm thực và văn hóa Nhật, đặc biệt là Việt Nam đứng thứ 9 trong danh sách các nước nhập khẩu nhiều rượu Nhật năm 2022. Cùng với đó là xu hướng nấu rượu sake thủ công nở rộ trên thế giới, ý tưởng về thị trường này càng rõ ràng hơn trong đầu Đại.

Sau khi xem xét các phương án nhập khẩu sake từ Nhật Bản, đặt hàng sản xuất…, Đại cùng các cộng sự của mình chọn con đường khó đi nhất: tự ủ nấu rượu sake tại Việt Nam.

Khi Đại nói mình muốn nấu rượu sake ở Việt Nam, ai nghe cũng bảo anh "bị điên" bởi lẽ nấu sake ở một nơi không phải Nhật Bản đã là một sự liều lĩnh rồi, huống chi là lại ở một đất nước nóng ẩm như Việt Nam. Tuy nhiên Đại đã làm được. Không những vậy, anh còn làm nên thương hiệu rượu sake từ chính hạt gạo Việt.

"Có lẽ điều thú vị về sake trên thế giới chính là cách mỗi quốc gia thể hiện góc nhìn riêng về loại rượu này. Họ không chỉ tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước mà còn tạo ra sake phù hợp với khẩu vị địa phương. Điều đó khiến chúng tôi đặt ra câu hỏi: Sake Việt Nam là gì? Nó sẽ mang những đặc trưng gì? Hình hài của nó sẽ ra sao?", Đại chia sẻ.

Vì khó làm nên Đại cũng nhiều phen thất bại trong việc tìm kiếm hợp tác và đầu tư. Đến năm 2022, Mùa Craft Sake ra đời nhờ sự hợp tác giữa nhà sản xuất rượu sake Heiwa Shuzo từ Nhật Bản, East West Brewing Co. và nhà hàng Mùa Trà Quế.

"Ban đầu chúng tôi thử tự trồng gạo chuyên dùng để nấu sake Nhật nhưng thất bại. Sau đó chúng tôi tìm giống lúa Nhật được trồng tại Việt Nam có đặc tính gần giống nhất.

Qua phân tích khoảng 20-30 giống thì chọn được một loại phù hợp. Sau hơn 100 mẻ thử nghiệm, chúng tôi đạt chất lượng mong muốn và bắt đầu tham gia các cuộc thi lớn như IWC, Tokyo Sake Challenge", Đại kể.

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 16.

Việc nấu thành công rượu sake tại Việt Nam chỉ mới là một nửa giấc mơ của Đại cùng ê kíp. Sau sáu tháng dùng giống gạo Nhật, họ đi đến một quyết định còn liều lĩnh hơn: dùng gạo Việt để nấu nên loại sake mà Đại gọi là "sake Việt Nam".

Ròng rã một năm rưỡi nghiên cứu, nấu hư khoảng 7-8 mẻ rượu, Mùa Craft Sake cho ra đời dòng rượu CT25 được ủ nấu từ gạo ST25 nổi tiếng của Việt Nam. Cái tên "CT" là viết tắt của Cò Trắng, hình ảnh quen thuộc với đồng quê Việt Nam nhằm tôn vinh những người nông dân cần mẫn, còn "25" là để gợi nhớ giống gạo làm nên dòng sake này, Đại giải thích.

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 17.

Rượu sake nấu từ gạo ST25, nhắm cùng các món ăn được chế biến từ nguyên liệu Việt

Quá trình này mất nhiều thời gian bởi mỗi loại gạo có tính chất khác nhau, cần điều chỉnh các nguyên liệu như koji, men và kiểm soát độ chua, độ ngọt. Thêm nữa việc sử dụng gạo ST25 còn đi kèm với trách nhiệm là phải làm sao để giữ nguyên được mùi thơm tự nhiên của loại gạo này.

Đại cho biết phải đến mẻ mới nhất thì dòng rượu sake nấu từ gạo Việt mới đạt chất lượng ưng ý nhưng vẫn cần cải thiện để duy trì sự ổn định. Trên website của Mùa Craft Sake, vị gạo nguyên bản (pure rice) đóng chai thuộc dòng CT25 được giới thiệu là "phiên bản sake ST25 đầu tiên, với ý nghĩa tôn vinh giống gạo ST25 đặc trưng của Việt Nam, gieo trồng tại Sóc Trăng, đạt chuẩn gạo ngon nhất thế giới năm 2019 và 2023.

Điều thú vị là nhờ thuộc tính độc đáo tự nhiên của gạo này, bạn sẽ cảm nhận được từng nốt hương của dừa, lá dứa, bỏng ngô đan xen và hậu vị kết thúc khô, ít dư vị ngọt".

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 18.

Nguyên liệu được xử lý để ủ nấu sake thủ công

Theo Đại, sản phẩm rượu sake nấu từ gạo ST25 rất phù hợp cho pairing menu (thực đơn kết hợp giữa món ăn và đồ uống - thường là rượu - sao cho hương vị của cả hai bổ sung và nâng tầm lẫn nhau) trong các nhà hàng cao cấp và hiện đã được nhiều nơi sử dụng.

Nấu được sake là một chuyện, làm sao để mang sản phẩm của mình đến khách hàng lại là một nỗ lực khác nữa. Nhóm sáng lập nhận ra rằng nếu chỉ đưa sake vào cửa hàng bán lẻ mà không có câu chuyện thương hiệu thì rất khó để thu hút. Họ quyết định tạo ra một không gian trải nghiệm - một taproom - nơi thực khách có thể đến "thưởng thức đồ ăn và ở lại vì sake".

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 19.

Sake được ủ nấu

"Nhiều người, đặc biệt là người Nhật, rất bất ngờ khi thử sake của chúng tôi", Đại khoe. Nếu biết trước đó là sake Việt Nam, khách có thể hoài nghi nhưng khi sake được phục vụ theo kiểu blind test - thực khách sẽ nếm thử 4-5 ly sake khác nhau mà không biết loại nào được sản xuất ở đâu - thì nhiều người sẽ chọn sake tươi Việt Nam.

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 20.

Bếp trưởng Trụ Lang chuẩn bị các món ăn để nhắm với sake

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 21.
Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 22.

Một ngày cuối năm, được Jovel Chan - một blogger ẩm thực người Singapore đang sống ở TP.HCM - rủ rê, chúng tôi đến dự một buổi thử rượu được tổ chức ấm cúng trên tầng 2 của một tòa nhà ở quận 1.

Ở đó, cô gái Hàn Quốc Lee Minkyu - nhà sáng lập IIUM, thương hiệu makgeolli thủ công tại TP.HCM - hào hứng giới thiệu về makgeolli, một loại rượu gạo truyền thống của Hàn, cho khoảng 10 vị khách đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 23.

Không chỉ thử rượu do Minkyu ủ nấu, khách tham gia còn cùng cô du ngoạn vào hành trình làm nên makgeolli đầy nghệ thuật và khoa học. Minkyu giải thích makgeolli chỉ cần ba thành phần chính là gạo, nuruk (một loại men tự nhiên) và nước. Tuy nhiên sự khác biệt trong kỹ thuật ủ và các giống gạo là yếu tố tạo nên những hương vị và kết cấu đa dạng, khác biệt.

Quy trình làm makgeolli bắt đầu bằng việc hấp chín gạo, sau đó trộn với nuruk, lên men và ủ lạnh ở nhiệt độ 2-4oC. Việc kết hợp gạo đã nấu chín với nuruk giúp chuyển hóa tinh bột trong gạo thành đường rồi lên men thành rượu, tạo nên hương vị đặc trưng của makgeolli. Thời gian lên men và ủ rượu sẽ tùy thuộc vào sở thích của người nấu và loại makgeolli mà họ muốn tạo ra.

"Makgeolli tôi nấu ở Việt Nam là dùng gạo Việt Nam đó. Mọi người có biết ST25 không, gạo ngon nhất thế giới đấy?", Minkyu bất chợt hỏi các vị khách quốc tế, khiến chúng tôi vừa bất ngờ vừa hãnh diện.

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 24.

Lee Minkyu giới thiệu các loại rượu makgeolli ủ nấu thủ công Ảnh NGỌC ĐÔNG

Lee Minkyu bén duyên với makgeolli thủ công sau buổi workshop một ngày tại Hàn Quốc vào năm năm trước. Bị cuốn hút bởi quá trình lên men ủ rượu, cô tiếp tục theo đuổi đào tạo bài bản, lấy chứng chỉ sommelier (chuyên gia rượu) về rượu truyền thống Hàn Quốc và sau đó còn trở thành giám khảo tại một số cuộc thi makgeolli.

Theo Minkyu, makgeolli độc đáo vì makgeolli không qua tiệt trùng, giúp men và hệ vi sinh vẫn còn sống trong chai rượu. "Dù điều này khiến việc bảo quản và phân phối khó khăn hơn nhưng đó chính là nét đặc biệt của makgeolli. Makgeolli mang đến hương vị tươi mới, tự nhiên và đầy sức sống. Tôi không dùng chất tạo ngọt hay khí gas nhân tạo nên đây là một thức uống hoàn toàn tự nhiên", Minkyu nói.

Dù mê làm makgeolli, Minkyu vẫn chỉ xem đó là sở thích khi còn ở Hàn Quốc. Đến hơn hai năm trước, khi theo chồng sang Việt Nam cùng con trai vì chồng cô chuyển việc, cô mới theo đuổi niềm đam mê này toàn thời gian.

Ở Việt Nam, Minkyu có cơ hội để thử nghiệm với các giống gạo đa dạng, điều mà cô khó thực hiện ở Hàn Quốc. "Tại Hàn Quốc, nếu muốn làm ra nhiều hương vị rượu khác nhau tôi phải pha thêm trái cây hoặc rau củ. Nhưng ở Việt Nam, chỉ riêng gạo thôi đã có rất nhiều loại, mỗi loại lại mang đến mùi thơm và hương vị khác nhau. Chỉ cần thay đổi loại gạo là tôi đã có thể tạo ra nhiều loại makgeolli khác nhau", cô giải thích.

Hiện tại Minkyu đang sử dụng gạo ST25, nếp cái hoa vàng, nếp Tú Lệ, cốm Hà Nội… để làm makgeolli. "Mỗi lần hấp gạo ST25 để ủ rượu, mùi thơm rất dễ chịu. Tôi thực sự muốn dùng những loại gạo chất lượng cao cho makgeolli của mình", Minkyu chia sẻ.

Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới - Ảnh 25.

Không chỉ tham gia các buổi thử rượu, Minkyu còn hợp tác với các đầu bếp để giới thiệu makgeolli thủ công trong những không gian ẩm thực cao cấp. Một trong những sự kiện gần đây là hồi tháng 1, khi cô được một đầu bếp Hàn Quốc mời cung cấp makgeolli chất lượng để kết hợp với thực đơn của anh tại Labri, một nhà hàng Michelin Selected ở Hà Nội.

Để chuẩn bị cho sự kiện này, Minkyu tạo ra một bộ sưu tập makgeolli đặc biệt, gồm makgeolli vị dâu tây, makgeolli nấu từ cốm Hà Nội và double-mash - một phiên bản có độ cồn cao hơn.

Sự đón nhận nhiệt tình từ thực khách Việt Nam và Hàn Quốc đã tiếp thêm động lực để cô tiếp tục làm makgeolli tại Việt Nam. Hiện tại Minkyu dành mỗi ngày tại phòng ủ rượu của mình ở Thảo Điền (TP Thủ Đức) để thử nghiệm các công thức makgeolli khác nhau.

Kiến thức được học trong ngành sinh học từ trước giúp ích cô rất nhiều trong quá trình này. "Makgeolli rất nhạy cảm với nhiệt độ và điều kiện vệ sinh do có hệ vi sinh sống, nên việc kiểm soát điều kiện ủ rượu rất quan trọng. Kinh nghiệm trong phòng thí nghiệm đã giúp tôi kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, đảm bảo sự ổn định trong từng mẻ rượu", Minkyu chia sẻ.

Theo Minkyu, makgeolli rất hợp với các món Việt như nem nướng, chả giò, gỏi cuốn, gà rán, gà nướng muối ớt, rau xào… Là một loại rượu lên men từ gạo, makgeolli giúp tôn lên hương vị tươi ngon và đậm đà của những món ăn này. Ở Hàn Quốc, makgeolli xuất hiện trong hầu hết các nhà hàng và Minkyu hy vọng một ngày nào đó điều tương tự sẽ xảy ra tại Việt Nam.

------------------------------------------------------------------------------------------

NGỌC ĐÔNG
HOÀNG TRỌNG THỦY - NGỌC ĐÔNG - NGHI VŨ
MẠNH TÁNH
28-04-2025
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp