
Ông Ron Carver
Ông Carver thân thiện bắt tay chúng tôi, để lộ hình xăm là một chú bồ câu nhỏ trên tay. Ông xăm hình này tại một tiệm ở TP.HCM trong lần đầu tiên thăm Việt Nam vào năm 2016.
Khi đó, ông được lãnh đạo Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM tặng một huy hiệu mang biểu trưng bảo tàng là bồ câu trắng tung bay trên nền ba quả bom.
"Tôi muốn xăm nó ở vị trí này để mỗi khi bắt tay ai đó, họ đều thấy được nó - biểu tượng của hòa bình. Tôi muốn mang biểu tượng này trở về từ Việt Nam ngay trong chuyến đi đầu tiên", ông chia sẻ.
Cả đời đấu tranh cho hòa bình
Năm 1968, Ron Carver từng có một tấm chân dung "để đời" đăng trên báo New York Times khi còn là lãnh đạo phong trào sinh viên phản chiến của ĐH Columbia (New York). Gần 60 năm sau, chàng sinh viên năm ấy đã là "cụ ông" 80 tuổi.
Nửa cuối những năm 1960, chiến tranh Việt Nam bước vào những ngày tháng ác liệt nhất. Trong giai đoạn đó, một mặt trận riêng đã được mở trên đất Mỹ. "Câu chuyện của tôi bắt đầu từ tháng 6-1964, khi đó tôi vừa tròn 18 tuổi. Ngày đầu tiên sau khi tốt nghiệp trung học, tôi đi đến miền nam nước Mỹ để tham gia phong trào đấu tranh cho người da màu", ông Carver hoài niệm.
Những nỗ lực đấu tranh cho Việt Nam của ông khởi nguồn từ ĐH Columbia, ngôi trường ông theo học, vào ngày 23-4-1968. Hôm đó, các sinh viên đã bãi khóa và giành quyền kiểm soát ngôi trường. Theo ông Carver, động thái này không chỉ để phản đối cuộc chiến tại Việt Nam mà còn để phản đối sự đồng lõa của ngôi trường này với Bộ Quốc phòng Mỹ.

Hình xăm chim bồ câu trên bàn tay phải của ông Carver - Ảnh: THANH HIỆP
Rời mái trường ĐH, ông Carver tiếp tục cuộc đấu tranh phản chiến bằng hình thức rất độc đáo. Ông dành ra ba năm, từ 1969 - 1971, rong ruổi đến các căn cứ quân sự trên khắp nước Mỹ để mở tiệm cà phê.
Tại những nơi này, binh sĩ có thể đến thư giãn và trò chuyện. "Những người đã đến Việt Nam tham chiến có thể trò chuyện với những người chưa sang. Họ có thể viết câu chuyện của mình trong những tờ báo bí mật.
Chúng tôi sẽ in giúp họ để họ lén đưa chúng vào doanh trại và phân phát chúng. Những tờ báo đó chính là 'mạng xã hội' của ngày đó. Họ đã sử dụng chúng để xây dựng một phong trào phản chiến ở ngay trong quân đội", ông kể.
Chính trong thời gian này, ông đã bị triệu tập đi khám sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Vào ngày ông đi khám, một sự kiện trớ trêu đã xảy ra: gần 30 binh sĩ từ doanh trại gần quán cà phê ông làm việc xuống đường biểu tình đòi quân đội… bắt ông đi lính.
Những binh sĩ này nói muốn đưa ông Carver vào quân đội để giúp họ xây dựng phong trào phản chiến từ ngay trong đây. Kết quả là quân đội đã cố tình đánh trượt ông Carver.
Ông một mực khẳng định: "Nếu họ ép thì tôi sẽ chấp hành lệnh nhập ngũ, nhưng tôi sẽ không sang Việt Nam. Tôi đã có nhiều đêm chở nhiều binh sĩ từ New Jersey vượt biên sang Canada, đưa họ đến chỗ cộng đồng phản đối chiến tranh ở đây. Tôi sẽ vào quân đội, tạo ra càng nhiều rắc rối có thể. Khi được lệnh sang Việt Nam, tôi sẽ đào ngũ".
Nhờ nỗ lực của những người như ông Carver, ngày càng nhiều binh sĩ Mỹ quay lưng với cuộc chiến ở Việt Nam. Họ xuống đường, lãnh đạo các cuộc biểu tình quy mô lớn tạo sức ép để Washington xuống thang chiến tranh.
Ngày 15-11-1969, 500.000 người biểu tình đổ về thủ đô Washington qua lời hiệu triệu của những binh sĩ vừa trở về từ Việt Nam. Ngày 23-4-1971, 800 cựu binh Mỹ đến Đồi Capitol, gỡ bỏ huân huy chương và ném lên bậc thềm tòa nhà Quốc hội với thông điệp: "Tôi không tự hào về chúng, tôi xấu hổ về chúng".
Chính trong thời gian hoạt động "binh vận", ông Carver nhận thấy hầu hết những binh sĩ phản đối chiến tranh là những người từng tự nguyện nhập ngũ. Họ theo chân người cha từng tham chiến trong Thế chiến 2, người ông là cựu binh Thế chiến 1… Thế nhưng họ không biết gì về cuộc chiến ở Việt Nam hay tính chất cuộc chiến.
Thời gian trôi qua, đến ngày 30-4-1975, ông Carver và bạn bè hay tin mừng từ Việt Nam. Khi đó ông đang làm lãnh đạo công đoàn ở bang Massachusetts, hỗ trợ công nhân đấu tranh giành quyền lợi với chủ doanh nghiệp.
Ngay khi nghe tin Việt Nam hòa bình, ông đã cùng bạn bè đi "nhậu" một bữa ra trò. "Chúng tôi đến bar, uống say mèm và ăn mừng chiến tranh kết thúc. Đó là lần cuối cùng tôi say", ông Carver nhớ lại.

Ông Carver chia sẻ ý nghĩa của cuốn sách Tranh đấu cho hòa bình - Ảnh: THANH HIỆP
11 lần đến Việt Nam
Dù dành rất nhiều tình cảm cho đất nước hình chữ S, trong suốt 40 năm sau cuộc chiến, ông Carver đã không đến Việt Nam. Ông cho biết điều đó xuất phát từ cảm giác xấu hổ trước những gì đất nước của ông đã làm.
"Tôi rất muốn đến Việt Nam, nhưng không muốn đến đây chỉ để nghỉ dưỡng. Một ngày nọ, tôi được người quen giới thiệu dự án rà phá bom mìn ở tỉnh Quảng Trị. Tôi thấy bản thân có thể đến đây và chụp ảnh tư liệu với tư cách phóng viên ảnh. Đó là đóng góp của tôi cho Việt Nam", ông chia sẻ.
Nhà hoạt động người Mỹ nói bản thân ông cũng không ngờ mình lại quay lại Việt Nam nhiều lần đến vậy, kể từ năm 2016. Sau những năm tháng dài tham gia phản chiến, một lòng mong mỏi hòa bình cho Việt Nam, ông Carver vẫn không thôi day dứt về những gì nước Mỹ đã làm. Là một người Mỹ, ông thấy mình phải có trách nhiệm với tất cả những đau thương, mất mát và hậu quả do cuộc chiến tranh để lại.
40 năm không đến, song chỉ chưa đầy 10 năm sau đó, ông đã đến Việt Nam 11 lần, nỗ lực góp phần tái thiết và hàn gắn những vết thương sau chiến tranh. Đó là những cuộc triển lãm, xuất bản sách, chia sẻ tại các trường đại học, tham gia các dự án rà phá bom mìn ở các tỉnh miền Trung…
"Tôi luôn cảm thấy đất nước của mình đã sai. Cuộc chiến là một sai lầm. Nhưng tôi biết ơn khi Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã cho tôi cơ hội để làm điều gì đó", ông nói - nhắc đến cuộc triển lãm "Làn sóng phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam" do Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM phối hợp Quỹ Hòa bình và phát triển TP.HCM và Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ (VFP) tổ chức năm 2018.
Ông quay lại một năm sau buổi triển lãm với cuốn sách mới, Waging Peace in Vietnam, tập hợp các hình ảnh, tư liệu và chia sẻ của các cựu binh Mỹ bước ra từ cuộc chiến tại Việt Nam, rồi tiếp tục trở lại vài năm sau đó với phiên bản tiếng Việt của cuốn sách mang tên Tranh đấu cho hòa bình.
"Tôi tiếp tục quay lại để đến thăm các trường đại học khác nhau, nói chuyện về cuốn sách. Tôi cũng tham gia gây quỹ cho tổ chức Renew để rà phá bom mìn và hoạt động này trở thành sứ mệnh mới của tôi", ông chia sẻ.
Tờ New York Times đã viết một bài báo toàn trang cách đây một năm, vào tháng 3-2024, về dự án Renew và người đồng sáng lập Chuck Searcy. Trong 23 năm, 815.000 quả bom đã được tìm thấy và tháo dỡ hoặc kích nổ an toàn bởi Renew chỉ trong một tỉnh - tỉnh Quảng Trị. Và còn bao nhiêu quả bom nữa chưa được xử lý, ở những tỉnh khác.
Họ cũng đã quyên góp được 100.000 USD từ những người Mỹ có lòng cảm thông để Renew có thể thiết lập cơ sở hạ tầng tại tỉnh Quảng Ngãi, bắt đầu với việc giáo dục trẻ em về nguy cơ bom mìn - phải làm gì khi thấy một vật lạ, và chuẩn bị cho những khoản đầu tư lớn hơn.

Ông Carver phát biểu vận động sinh viên ĐH Columbia phản chiến năm 1966
Nhắn nhủ thế hệ trẻ
Dành hàng chục năm không ngơi nghỉ cho những nỗ lực vì Việt Nam, mang triển lãm và quyển sách của mình đến các trường đại học, ông Carver mong các thế hệ mai sau biết và hiểu về cuộc đấu tranh của những người đi tìm công lý và chính nghĩa.
"Hãy nghĩ đến tất cả những gia đình phải chịu đựng nỗi đau. Nghĩ đến hàng triệu người Việt Nam đã chết, khi họ chỉ muốn tìm lại sự thống nhất cho đất nước mình", ông nói.
"Không chỉ vì tôi cảm thấy đó là nghĩa vụ hay trách nhiệm, từng cảm thấy tội lỗi và đến giờ vẫn tin rằng đất nước của tôi đã sai, mà còn bởi vì tôi thấy đây là một cơ hội để thế hệ trẻ hiểu rằng chúng ta có thể trở nên tốt hơn, rằng con người cần phải suy nghĩ về điều gì là đúng và điều gì là sai, và đấu tranh vì công lý".
Carver nói ông thấy vui khi nhìn thấy mối quan hệ ngoại giao ngày càng rộng mở của Việt Nam và Mỹ, cũng như những đổi thay của mảnh đất hình chữ S. "Đã có rất nhiều tiến bộ trong những năm qua, từ đường sá đến đèn giao thông, mọi thứ đều thuận tiện hơn. Sự phát triển về kinh tế rất quan trọng đối với người dân, giúp họ cải thiện cuộc sống", ông nhấn mạnh.
Ông cũng kỳ vọng những người trẻ hiểu được họ là một phần trong hành trình giữ gìn hòa bình và độc lập cho quốc gia - không cần phải đợi đến khi trưởng thành, khi đã thành giáo sư hay những người có quyền lực. "Hòa bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Khi tôi còn trẻ, đang học trung học, có một tấm áp phích nổi tiếng với hình ảnh những bông hoa và dòng chữ: 'Chiến tranh không tốt cho trẻ em'. Điều đó là sự thật. Những hậu quả của chiến tranh, đặc biệt là một cuộc chiến tranh phi nghĩa, sẽ kéo dài suốt nhiều năm. Vì vậy tôi muốn những người trẻ ở tất cả các quốc gia trên thế giới nghĩ về điều đó", ông nói.
Ron Carver nói ông có những người bạn giàu hơn ông rất nhiều, nhưng khi nhìn lại cuộc đời mình, họ tự hỏi họ đã làm gì với cuộc đời của họ. Còn ông thì vào cuối mỗi ngày, cuối mỗi tuần, ông đều có thể nói ông hạnh phúc và đã sống tốt.
"Vì vậy tôi muốn những người trẻ nghĩ về điều đó, rằng bạn sẽ thấy hạnh phúc khi sống và làm việc vì cộng đồng và công bằng xã hội. Có rất nhiều cách để làm được điều này, bất kể bạn là ai", ông Carver nhắn nhủ thế hệ trẻ.

Ông Carver cùng vợ (bà Barbara Doherty) tại triển lãm "Tranh đấu cho hòa bình" ở ĐH George Washington (Washington D.C)
Tình bạn với nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai
Những hoạt động trong hành trình hàn gắn vết thương chiến tranh tại mảnh đất hình chữ S cũng giúp ông Carver gặp được những người bạn Việt Nam và Mỹ - những người mà ông gọi là tuyệt vời.
Trong đó có nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai, người đã dịch các bài thơ trong quyển sách tiếng Anh của ông ra tiếng Việt.
"Tôi thường thích mở đầu các buổi nói chuyện bằng thơ, vì thơ khơi gợi rất nhiều cảm xúc - đẹp đẽ và mạnh mẽ. Quế Mai không chỉ dịch các bài thơ sang tiếng Việt một cách nhanh chóng, mà còn đặt cả trái tim mình vào đó.
Mỗi khi gặp khó khăn trong việc hiểu chính xác ý nghĩa của bản gốc, cô ấy sẽ hỏi tôi hoặc người bạn chung của chúng tôi, cũng là một nhà văn và nhà thơ. Trong một số trường hợp, cô ấy thực sự đã liên lạc với chính nhà thơ đó. Cô ấy đã làm rất tốt. Tôi cảm thấy vô cùng biết ơn", ông bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận