17/04/2025 09:03 GMT+7

Hội đồng trường đại học: Nhiều vướng mắc cần điều chỉnh

Lần đầu tiên, thiết chế hội đồng trường ở các cơ sở giáo dục đại học được đánh giá một cách toàn diện sau 5 năm thực hiện Luật GDĐH 2018.

hội đồng trường - Ảnh 1.

Một phiên họp của hội đồng trường Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Đây là trường có hội đồng trường hoạt động hiệu quả - Ảnh: NHƯ QUỲNH

Trong tờ trình "Báo cáo đánh giá sơ kết thực hiện Luật giáo dục đại học giai đoạn 2019-2024" gửi Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn kiến nghị cần quy định rõ hơn về thiết chế hội đồng trường ở các cơ sở giáo dục đại học.

Xảy ra xung đột, mâu thuẫn

Đến nay đã có 167/171 cơ sở giáo dục đại học công lập (không tính các trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) hoàn thành việc thành lập, kiện toàn hội đồng trường theo quy định. 

Theo báo cáo của 13 bộ, cơ quan ngang bộ và 24 địa phương, 67 cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện bí thư đảng ủy là chủ tịch hội đồng trường, chủ tịch hội đồng ĐH.

Theo Bộ GD-ĐT, hội đồng trường của hầu hết cơ sở giáo dục đại học đã được thành lập và kiện toàn, tạo nền tảng quan trọng cho thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo đúng quy định của Luật giáo dục đại học. 

Trong giai đoạn đầu, một số trường gặp khó khăn trong công tác tổ chức và hoạt động của hội đồng trường. Nhưng đến nay hội đồng trường của hầu hết cơ sở giáo dục đại học đã hoạt động hiệu quả, nhất là ở những nơi bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường, hội đồng ĐH.

Tuy nhiên qua thực tiễn, hội đồng trường ở một số trường ĐH hoạt động còn yếu, mang tính hình thức, chưa thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm theo quy định của luật. Điều này dẫn tới vai trò của hội đồng trường bị coi nhẹ, hoặc ở một số nơi xảy ra xung đột, mâu thuẫn giữa hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường với hiệu trưởng.

Nguyên nhân của thực trạng trên chủ yếu do mô hình quản trị có hội đồng trường còn rất mới đối với hầu hết cơ sở giáo dục đại học, cả chủ tịch và các thành viên hội đồng trường, hiệu trưởng chưa có kinh nghiệm. 

Công tác chuẩn bị, lựa chọn nhân sự tham gia hội đồng trường chưa được làm tốt, chủ tịch và một số thành viên hội đồng trường thiếu năng lực hoặc kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn cần thiết để đóng góp hiệu quả cho hoạt động của hội đồng trường.

Hiệu trưởng được bổ nhiệm hay bầu?

Luật giáo dục đại học năm 2018 quy định hiệu trưởng trường ĐH công lập do hội đồng trường, hội đồng ĐH quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận; tuy nhiên không rõ vị trí này được bổ nhiệm hay được bầu và công nhận.

"Như vậy, luật không quy định rõ vị trí hiệu trưởng trường ĐH công lập được bổ nhiệm hay bầu và công nhận, nội dung quyết định của hội đồng trường về nhân sự hiệu trưởng, phạm vi quyết định về các vị trí quản lý cấp dưới chưa được quy định rõ, gây ra những cách hiểu, cách làm khác nhau trong thực tiễn triển khai", Bộ GD-ĐT nhận định.

Hội đồng trường quyết định các nội dung này thông qua biểu quyết tập thể và ban hành nghị quyết, tuy nhiên không rõ nội dung nghị quyết là bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng hay chỉ "thống nhất đề nghị" bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng. Từ đây dẫn tới cách hiểu khác nhau về "cấp có thẩm quyền bổ nhiệm", nội dung nghị quyết của hội đồng trường và hiệu lực pháp lý của hiệu trưởng (được thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của mình ngay sau khi được hội đồng trường quyết định hay sau khi được công nhận)...

Luật giáo dục đại học năm 2018 cũng quy định việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH quy định. Điều này dẫn tới cách làm khác nhau trong các trường, có nơi giao thẩm quyền cho hội đồng trường bổ nhiệm cả cấp khoa, bộ môn, chưa phù hợp với chức năng là tổ chức quản trị của hội đồng trường và quyền hạn, trách nhiệm của hiệu trưởng trong tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc áp dụng một số quy định của pháp luật có liên quan dẫn tới giao thêm nhiệm vụ cho hội đồng trường, không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phương thức làm việc của một tổ chức quản trị được quy định tại Luật GDĐH.

Quy định nhiệm kỳ gây khó khăn

Quy định về nhiệm kỳ hội đồng trường và nhiệm kỳ, thời gian bổ nhiệm chức vụ của hiệu trưởng nằm trong nhiệm kỳ hội đồng trường gây khó khăn, phức tạp trong việc thành lập, kiện toàn hội đồng trường, hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu nhiệm kỳ, thời gian bổ nhiệm của hiệu trưởng nằm trong nhiệm kỳ của hội đồng trường gây nhiều bất cập: thời gian giữ chức vụ của hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng có thể ngắn hơn 5 năm, dẫn tới phải thực hiện lại quy trình kiện toàn nhân sự nhiều lần trong một nhiệm kỳ hội đồng trường. 

Khi thời gian chờ công nhận hội đồng trường mới kéo dài, có thể hiệu trưởng đã hết thời hạn giữ chức vụ sẽ không thể thực hiện quy trình bổ nhiệm lại hay bổ nhiệm mới.

"Thực tế, việc quy định nhiệm kỳ của hội đồng trường là hoàn toàn không cần thiết. Thay vào đó, chỉ cần quy định nhiệm kỳ, thời gian tối đa tham gia liên tục của chủ tịch và các thành viên hội đồng trường. Khi đó, hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng vẫn có thể bổ nhiệm thời gian 5 năm, tương tự như các viên chức quản lý khác", đại diện Bộ GD-ĐT nhận định.

Theo các chuyên gia, hội đồng trường được thiết kế để định hướng chiến lược, phê duyệt các kế hoạch phát triển và giám sát hoạt động của trường, mà không phải thực hiện chức năng quản lý hành chính trực tiếp. Hội đồng trường chỉ họp định kỳ (3 tháng/lần) để giải quyết các vấn đề lớn của trường ĐH. 

Việc yêu cầu hội đồng trường tổ chức họp để xử lý các vấn đề như kiểm điểm hay kỷ luật là không phù hợp với cơ chế hoạt động của tổ chức này. Hội đồng trường không có đầy đủ thẩm quyền và năng lực chuyên môn để trực tiếp tổ chức kiểm điểm, đánh giá, hoặc xử lý kỷ luật, vốn là các nhiệm vụ hành chính đặc thù. Đây là những nhiệm vụ hành chính mà hội đồng trường không được thiết kế để đảm nhiệm…

Cần sửa đổi các quy định về hội đồng trường

Theo Bộ GD-ĐT, để đảm bảo thực hiện hiệu quả Luật giáo dục đại học, cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo hội đồng trường thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của luật.

Quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của thiết chế hội đồng trường/hội đồng ĐH, phân định rõ với nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng/giám đốc cơ sở giáo dục đại học; yêu cầu (bắt buộc hoặc không bắt buộc) tổ chức hội đồng trường tương ứng với các cấp độ và phạm vi tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học (như không yêu cầu tổ chức hội đồng trường đối với các trường thuộc lực lượng vũ trang).

Hội đồng trường đại học: Nhiều vướng mắc cần điều chỉnh - Ảnh 3.Giao hội đồng trường làm chức năng của cơ quan chủ quản trường đại học

Cơ quan chủ quản đang can thiệp vào các vấn đề tự chủ, đặc biệt là bộ máy quản lý, nhân sự và đầu tư của các cơ sở giáo dục đại học.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp