
Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền nối liền đồng bằng sông Cửu Long với đất nước - Ảnh: VINH HIỂN
Với những cán bộ Cửu Long thời đó, tuy tách tỉnh nhưng tấm lòng luôn là một.
Tầm nhìn ông Sáu Dân
Bà Sáu Hòa (Đào Thị Biểu) - nguyên trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, chủ tịch Công đoàn tỉnh Cửu Long, đại biểu Quốc hội tỉnh khóa VII, khóa VIII - kể ngày trước địa hình tỉnh Vĩnh Long chạy dài theo bờ nam sông Tiền và bờ bắc sông Hậu. "Hồi mới giải phóng, Trung ương thấy dân số hai tỉnh kế cận Vĩnh Long và Trà Vinh ít quá nên nhập lại".
Ngày 24-2-1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành nghị định hợp nhất Vĩnh Long và Trà Vinh, lấy tên tỉnh mới bằng cách ghép chữ đầu của hai tỉnh cũ là tỉnh Vĩnh Trà. Tên tỉnh Vĩnh Trà tồn tại được 5 tháng. Ngày 27-7-1976, Quốc hội ban hành nghị quyết đổi tên Vĩnh Trà thành Cửu Long.
Ông Bùi Quang Huy, nguyên bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, nhớ lại: "Tỉnh Cửu Long thời đó rộng lớn. Phần Trà Vinh rộng hơn Vĩnh Long, nơi tập trung sinh sống nhiều bà con dân tộc Khmer. Đời sống còn khó khăn. Công nghiệp hầu như chưa có gì. Nông nghiệp thì vẫn theo lối cũ. Nhiều nơi trong tỉnh, đến mùa giáp hạt phải cứu trợ...".
Còn bà Sáu Hòa thì vẫn chưa quên: "Tỉnh Cửu Long ngày ấy đường sá thì nhỏ, cũ. Giải phóng ra mình chưa có tiền làm mới. Cán bộ lãnh đạo còn không có xe. Vài ba cơ quan tập trung lại đi chung chiếc xe. Nhiều cán bộ đi công tác phải ngồi trên mui xe. Mấy em nữ về khóc, sợ lật xe. Lúc đó cá nhân chưa có điện thoại nhà. Đi đâu, cần liên lạc gấp thì ghé cơ quan nhà nước gọi nhờ".
Nhưng bây giờ đường sá Trà Vinh tốt rồi. Ngày xưa chủ yếu làm ruộng rẫy. Mà làm lúa thì không trúng, vì nhiều nơi ở Trà Vinh đất giồng làm rẫy được thôi chứ làm ruộng không trúng. Có vùng, tôi nhớ ở Phước Hảo, có thời người ta phải sống bằng bán máu nuôi thân. Còn phía Vĩnh Long sông ngòi nhiều nên làm ruộng vườn được".
Trong những năm khó khăn ấy, vùng Vĩnh Long với ruộng vườn trù phú đã chia sẻ cho Trà Vinh để phát triển kinh tế.
"Hồi đó, người ta đánh giá điều kiện phát triển kinh tế trước mắt Vĩnh Long lợi thế hơn Trà Vinh. Cũng có ý kiến cho rằng nếu không có Trà Vinh thì Vĩnh Long sẽ "nhẹ gánh" hơn. Nhưng cũng có những ý kiến khác như về lâu dài Trà Vinh và Vĩnh Long sẽ bổ khuyết cho nhau.
Tỉnh Cửu Long sẽ thuận lợi với không gian phát triển. Khi kinh tế biển được phát huy thì vùng Trà Vinh sẽ có thế mạnh rất lớn...", một nguyên lãnh đạo tỉnh Trà Vinh chia sẻ.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế thời đó, ý kiến tách tỉnh để thuận tiện trong điều hành đã được lắng nghe. Đến cuối năm 1991, Quốc hội ban hành nghị quyết chia lại tỉnh Cửu Long thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh.
Là đại biểu Quốc hội Vĩnh Long khóa VII, khóa VIII, bà Sáu Hòa nói bà có dịp họp chung và trò chuyện với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những ngày lịch sử ấy.
Bà kể trong kỳ họp biểu quyết tách tỉnh Cửu Long ra thành hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, ông Kiệt đã bày tỏ ý kiến với đoàn Cửu Long rằng ông không tán thành việc tách hai tỉnh.
"Lần đó, anh Sáu Dân (ông Võ Văn Kiệt) nói với chúng tôi rằng giờ Trà Vinh nghèo hơn Vĩnh Long. Nhưng khi tách tỉnh rồi thì Trà Vinh sẽ vượt Vĩnh Long. Bởi lúc đó, Vĩnh Long chủ yếu sản xuất nông nghiệp, làm theo kiểu "bóc lột đất đai" tới lúc nó khô cằn thì đời sống sẽ khó khăn. Cho nên Trung ương người ta nhìn nhiều mặt.
Còn Trà Vinh có biển, có thể sống bằng kinh tế biển", bà Sáu Hòa kể thêm lần đó ông Sáu Dân không bỏ phiếu tán thành chuyện tách tỉnh, mà phải giữ hai tỉnh để cùng bổ sung thế mạnh cho nhau, mới có điều kiện tốt để phát triển.
Để ví dụ về tỉnh cần có nhiều tiềm năng hỗ trợ cho nhau cùng phát triển, ông Sáu Dân nói nếu cho ông chọn một tỉnh để làm chủ tịch tỉnh, ông sẽ chọn tỉnh Kiên Giang. Vì Kiên Giang vừa có biển, vừa có rừng, có núi.
"Như phân tích của anh Sáu Dân, mình cũng thấy cái được và không được khi tách tỉnh. Nhưng lúc đó Đảng bộ đa số đồng ý thì mình cũng phải đồng ý. Trong đoàn đại biểu Quốc hội, chỉ có anh Sáu Dân là người duy nhất không đồng ý tách Trà Vinh ra khỏi Vĩnh Long", bà Sáu Hòa kể lại.
Kể thêm chuyện này, ông Bùi Quang Huy nhớ lại: "Giữ nguyên cũng được, mà tách ra cũng tùy. Trong Tỉnh ủy, có người không chịu tách. Quan điểm những người ủng hộ tách tỉnh thì do tỉnh rộng quá, tập trung chỉ đạo đưa kinh tế lên không nổi, chi bằng chia nhỏ ra để phấn đấu.
Tôi nghĩ đến thời điểm này, Trà Vinh đã làm được. Hồi tỉnh Cửu Long còn, hai khu vực Vĩnh Long - Trà Vinh hỗ trợ lẫn nhau.
Khu Vĩnh Long làm ruộng, cây trái nhờ thiên nhiên ưu đãi, đời sống có khá hơn, nên vận động hỗ trợ đồng bào dân tộc khu vực dưới. Mình có mấy năm phát động cả tỉnh làm thủy lợi cho khu vực Trà Vinh".
Họp Tỉnh ủy Trà Vinh, bà Sáu Hòa nghe lãnh đạo báo cáo thu nhập tỉnh đã vượt lên, đang đứng tốp đầu khu vực ĐBSCL. Mới thấy tầm nhìn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Những gì ông nói ngày trước về tiềm năng Trà Vinh giờ đã thành hiện thực.

Làng gốm nổi tiếng ở Vĩnh Long - Ảnh: CAO KỲ NHÂN
"Lúc đó chia nhỏ để phấn đấu"
Sau khi có nghị quyết tách tỉnh, việc phân chia ranh giới hai tỉnh Vĩnh Long - Trà Vinh lấy ranh giới từ trước khi nhập tỉnh Cửu Long làm địa giới phân chia hai tỉnh.
"Địa giới hành chính có thể tách - nhập, nhưng tôi thấy tình cảm vẫn vậy. Ví dụ họp mặt năm nào Tỉnh ủy Vĩnh Long cũng mời hết các chú, các cô Tỉnh ủy Cửu Long cũ về Vĩnh Long ăn tết. Cho tới giờ vẫn giữ truyền thống đó.
Tôi ở Vĩnh Long nhưng năm nào cũng được về Trà Vinh ăn tết. Không còn công tác nhưng năm nào tôi cũng về Trà Vinh, xuống vùng ngày xưa mình từng gắn bó. Tình cảm vẫn như xưa, không có gì phai nhạt", bà Sáu Hòa tâm sự.
Lúc chia tỉnh, tất cả cơ quan, trụ sở đều đóng trên địa bàn Vĩnh Long. Cho nên phân chia tài sản khi tách tỉnh, chia Vĩnh Long 4 phần, Trà Vinh 6 phần để Trà Vinh tái lập lại các trụ sở làm việc.
Bà Sáu Hòa kể lúc chia tỉnh bà làm chủ tịch Công đoàn tỉnh. Tỉnh Cửu Long có nhà nghỉ ở Đà Lạt, hồi đó mua có 100 triệu. Đến khi bán ra 14 tỉ, vẫn chia Trà Vinh 6, Vĩnh Long 4. Bàn ghế, tủ lạnh, tiền bạc đều chia theo tỉ lệ đó.
Trong phân công cán bộ cũng vậy. Tổ chức ưu tiên cán bộ quê Trà Vinh được nêu nguyện vọng về nơi công tác. Lúc đó, hầu hết cán bộ quê Trà Vinh đều xung phong về quê cống hiến. Tách tỉnh rồi, nhưng cán bộ từng công tác chung vẫn hay "kiếm chuyện" rủ rê nhau để họp mặt. Tách - nhập hành chánh, chứ không có tách - nhập trong tình cảm với nhau.
Cho đến giờ, khi nghe tin có thể nhập Vĩnh Long - Trà Vinh cùng với Bến Tre thành một tỉnh, bà Sáu Hòa nói đây là quyết định rất hợp lý hợp tình. Địa bàn rộng lớn thì thế mạnh, tiềm năng và điều kiện của các tỉnh sẽ được cộng lại để cả vùng đất vươn lên.
"Lúc tách tỉnh, nhiều anh em về Trà Vinh công tác, giao nhà, tài sản lại cho tôi. Chú Tám Thắng (trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy lúc đó), Chín Hòa (giám đốc Sở GTVT)... cũng giao nhà cho tôi. Tôi than mình đàn bà biết ai mua đâu mà giao cho tôi.
Sao không giao cho mấy đứa "nhà đất"? Mấy ảnh nói "cứ giao cho cô, khi nào bán được thì cho tôi hay"" - bà Sáu Hòa kể thêm sau đó mới nhờ bán giúp cho anh em về Trà Vinh công tác để có tiền mua nhà ở Trà Vinh vì phần lớn cán bộ thời đó đều nghèo.
-------------------------
Tách khỏi Vĩnh Long từ tỉnh Cửu Long với gia tài... là tỉnh nghèo khó và bất ổn, Trà Vinh đã làm nhiều người phải ngạc nhiên khi vươn lên đứng tốp đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng và thu nhập người dân.
Kỳ tới: Vươn lên từ "tỉnh nghèo nhất miền Tây"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận