09/05/2025 17:06 GMT+7

Lâm Đồng sau sáp nhập sẽ là trung tâm bô xít - nhôm lớn nhất Việt Nam

Sau sáp nhập với Đắk Nông cùng Bình Thuận, Lâm Đồng trở thành trung tâm khai thác bô xít và điện phân nhôm quốc gia với những dự án rất lớn đã vận hành, đang thi công hoặc đang xin chủ trương.

Lâm Đồng sau sáp nhập sẽ là trung tâm bô xít - nhôm lớn nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Alumin từ Tân Rai (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) đang được xuất khẩu đi nhiều nước - Ảnh: M.V.

Theo dữ liệu từ Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV), Lâm Đồng và Đắk Nông hiện tại đang là địa phương có trữ lượng bô xít lớn hàng đầu và đang có 2 dự án bô xít đã vận hành lớn nhất cả nước.

Lâm Đồng làm chủ chuỗi giá trị hoàn chỉnh: khai thác, chế biến và xuất khẩu

Vừa qua, HĐND tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông đã thông qua nghị quyết tán thành chủ trương thành lập tỉnh Lâm Đồng mới trên cơ sở sáp nhập thêm 2 tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông. Sau sáp nhập, Lâm Đồng sẽ trở thành tỉnh lớn nhất cả nước và trở thành trung tâm bô xít - nhôm lớn nhất cả nước.

Ngoài khai thác bô xít, điều chế alumin, các tổ hợp bô xít - nhôm sẽ xuất khẩu thông qua cảng biển của địa phương Lâm Đồng (sau sáp nhập), cụ thể là cảng Kê Gà. 

Như vậy, địa phương tham gia vào gần như toàn bộ chuỗi giá trị của ngành công nghiệp này từ khai khoáng, điều chế alumin, điện phân nhôm, và xuất khẩu các sản phẩm liên quan tới điều chế quặng bôxít và nhôm.

Dữ liệu từ chương trình Tây Nguyên 3 cho thấy Tây Nguyên là khu vực có trữ lượng bô xít lớn nhất Việt Nam, chiếm hơn 99% tổng trữ lượng quốc gia, ước tính khoảng 5,4 tỉ tấn quặng nguyên khai. 

Riêng Đắk Nông sở hữu trữ lượng tài nguyên khoảng 3,2 tỉ tấn. Tỉnh Lâm Đồng cũng có các mỏ bô xít lớn tại khu vực Tân Rai (huyện Bảo Lâm). 

Theo các chuyên gia địa chất, quặng bô xít tại đây được đánh giá là một trong những loại tốt nhất thế giới nhờ hàm lượng nhôm cao (trên 40%) và điều kiện khai thác lộ thiên thuận lợi, không cần sử dụng thuốc nổ.

Lâm Đồng sau sáp nhập sẽ là trung tâm bô xít - nhôm lớn nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Khai thác bô xít tại Nhân Cơ (tỉnh Đắk Nông) - Ảnh: TRUNG TÂN

Hai dự án bô xít lớn nhất Việt Nam hiện nay là Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng (Tân Rai) và Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông), do Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) quản lý. Cả hai nhà máy đều có công suất thiết kế 650.000 tấn alumin mỗi năm. 

Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới kế thừa toàn bộ cơ sở vật chất, công nghệ và kinh nghiệm từ hai dự án này. Đặc biệt, dự án Nhà máy Alumin Đắk Nông 2 tại huyện Đắk Glong, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 21.000 tỉ đồng, đang được đẩy nhanh thủ tục để khởi công. Dự án này được kỳ vọng sẽ tăng công suất sản xuất alumin lên gấp đôi, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ như luyện nhôm và chế biến hóa chất.

Siêu dự án bô xít - nhôm 4 tỉ USD

Sáp nhập Lâm Đồng và Đắk Nông không chỉ gia tăng trữ lượng khoáng sản mà còn tạo điều kiện để tối ưu hóa chuỗi giá trị từ khai thác bô xít, điều chế alumin đến luyện nhôm. 

Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu alumin thô sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Theo TKV, việc phát triển công nghiệp luyện nhôm trong nước sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô.

Do đó các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông hiện đều có kế hoạch kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm với nhiều dự án quy mô hàng tỉ USD chuẩn bị triển khai.

Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông, với công suất 450.000 tấn nhôm mỗi năm và tổng vốn đầu tư khoảng 15.480 tỉ đồng, là bước tiến quan trọng để hoàn thiện chuỗi giá trị. Nhà máy này, nằm gần Nhà máy Alumin Nhân Cơ, sẽ tận dụng nguồn alumin tại chỗ để sản xuất nhôm kim loại, phục vụ các ngành công nghiệp như xây dựng, ô tô và hàng không.

Lâm Đồng sau sáp nhập sẽ là trung tâm bô xít - nhôm lớn nhất Việt Nam - Ảnh 4.

Alumin của Lâm Đồng đang được nhiều quốc gia đặt hàng vượt công suất nhà máy điều chế - Ảnh: M.V.

Đầu năm 2024, Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã đề xuất triển khai dự án tổ hợp bô xít - alumin - nhôm tại tỉnh Lâm Đồng, với tổng vốn đầu tư hơn 103.000 tỉ đồng. 

Dự án mang tên Nhà máy Alumin Lâm Đồng 2, dự kiến đặt tại các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai và TP Bảo Lộc. Mục tiêu là xây dựng một tổ hợp công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kết hợp khai thác khoáng sản, chế biến sâu và phát triển nông nghiệp, du lịch sinh thái.

Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai đến năm 2033. Giai đoạn đầu tập trung xây dựng nhà máy tuyển quặng và nhà máy alumin với công suất khoảng 1 triệu tấn/năm. Giai đoạn tiếp theo mở rộng công suất lên 4 triệu tấn/năm và phát triển các nhà máy phụ trợ. 

Dự án có thời gian hoạt động 50 năm, trong đó 20 năm đầu dành cho khai thác quặng bô xít, thời gian còn lại sử dụng nguyên liệu thô từ bên ngoài để chế biến.

Lâm Đồng sau sáp nhập: Trung tâm bôxít – nhôm lớn nhất Việt Nam - Ảnh 6.Thaco muốn đầu tư hơn 100.000 tỉ làm tổ hợp bô xít tại Lâm Đồng

Thaco đề xuất làm tổ hợp kinh tế tuần hoàn để khai thác chế biến bô xít, alumin và nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái tại Lâm Đồng có quy mô hơn 100.000 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp