02/07/2025 20:51 GMT+7

Lợi nhuận ‘vênh’ tiền tỉ sau kiểm toán: Góc khuất chất lượng kế toán hay cố tình gian dối?

Thời gian gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên tục xử phạt các doanh nghiệp niêm yết do công bố báo cáo tài chính tự lập có sai lệch đáng kể so với báo cáo kiểm toán.

Lợi nhuận ‘vênh’ tiền tỉ sau kiểm toán: Góc khuất chất lượng kế toán hay cố tình gian dối? - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp từng "vênh" cả trăm tỉ, nghìn tỉ đồng sau kiểm toán - Ảnh: AI

Số lượng bị xử phạt tăng mạnh phản ánh quá trình giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Song nhiều câu hỏi cũng được đặt ra về chất lượng kế toán của công ty niêm yết, với các doanh nghiệp "nổi tiếng" có mức chênh cả trăm tỉ, nghìn tỉ thì xử lý ra sao, bao giờ bị "gọi tên"...

La liệt doanh nghiệp 'vênh' lợi nhuận hậu kiểm toán

Trong quyết định mới ban hành, Ủy ban Chứng khoán đã xử phạt Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNE) do mắc nhiều vi phạm.

Trong đó có lỗi công bố thông tin sai lệch với báo cáo tài chính năm 2023. Cụ thể tại báo cáo quý 4-2024 do VNE tự lập, lợi nhuận sau thuế hơn 1,3 tỉ đồng, nhưng sau kiểm toán lại lỗ hơn 28 tỉ đồng, mức chênh lệch 2.225%.

Trước đó rất nhiều doanh nghiệp cũng bị xử phạt lỗi tương tự, phần lớn lợi nhuận sau thuế điều chỉnh giảm mạnh khi kiểm toán vào. Cần nhấn mạnh việc chênh lệch này không phải hiện tượng mới, nhưng trước đây các vi phạm này không bị xử phạt dày đặc như hiện nay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một kiểm toán viên lâu năm cho biết việc công bố số liệu sai lệch lớn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi nhà đầu tư.

Ngoài phạt tiền, doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng, tái phạm hoặc cố ý làm sai lệch báo cáo có thể bị đình chỉ giao dịch, hủy tư cách công ty đại chúng, thậm chí bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu phạm tội về chứng khoán, gian lận hoặc lừa đảo tài chính.

Lợi nhuận ‘vênh’ tiền tỉ sau kiểm toán: Góc khuất chất lượng kế toán hay cố tình gian dối?- Ảnh 2.

Dữ liệu: Hub Đồng Hành thuộc FIDT

Theo ông Tạ Quốc Đương - trưởng phòng kinh doanh Hub Đồng Hành - Công ty CP đầu tư FIDT, hành vi công bố thông tin sai lệch về lợi nhuận giữa báo cáo tài chính tự lập và báo cáo tài chính sau kiểm toán được xác định là vi phạm về công bố thông tin tại khoản 5 điều 42 nghị định 156/2020, đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 33 điều 1 nghị định 128/2021.

Ông Đương cho biết trước khi có quy định này, hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán sẽ bị xử phạt nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quy định trước đây gây khó cho cơ quan quản lý trong việc xác định vi phạm, đặc biệt với các trường hợp chênh lệch lớn về lợi nhuận giữa báo cáo tự lập và báo cáo kiểm toán.

Trong khi đó quy định hiện hành giúp cơ quan quản lý dễ dàng xác định hành vi vi phạm, từ đó kịp thời xử lý và ban hành quyết định xử phạt. Ông Đương nhận định đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến việc số vụ xử phạt gia tăng thời gian qua.

Chất lượng kế toán có vấn đề hay cố tình gian dối?

Nói với Tuổi Trẻ, một cựu lãnh đạo Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới sai lệch báo cáo tài chính.

Thứ nhất, một số doanh nghiệp cố tình làm sai. "Không phải tất cả do chất lượng kế toán kém. Nhiều trường hợp doanh nghiệp cố tình làm sai vì trước đây xử phạt chưa nghiêm, họ sẵn sàng lợi dụng kẽ hở", ông nói.

Bên cạnh yếu tố cố ý, vị chuyên gia cho rằng cũng có nguyên nhân từ chất lượng kế toán, đặc biệt khi áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp báo cáo lãi nhưng sau kiểm toán lại thành lỗ lớn không phải do hạch toán sai, mà do cách áp dụng các cơ chế tài chính khác nhau về thời điểm, như trích lập dự phòng nợ xấu.

Ông Đương đồng tình nhiều doanh nghiệp vẫn tồn tại bất cập trong nghiệp vụ kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ. Các sai sót trong ghi nhận doanh thu, chi phí, đánh giá tài sản hay trích lập dự phòng thường bắt nguồn từ sự thiếu nhất quán trong áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) hoặc hạn chế về năng lực chuyên môn.

Điều này khiến số liệu báo cáo tài chính tự lập có độ chênh lệch đáng kể so với báo cáo kiểm toán - nơi các chuẩn mực được áp dụng chặt chẽ và độc lập hơn.

"Không thể phủ nhận rằng một bộ phận doanh nghiệp cố tình tận dụng 'kẽ hở' giữa thời điểm công bố báo cáo tài chính tự lập và kiểm toán để phục vụ lợi ích riêng", ông Đương nói.

Việc 'làm đẹp sổ sách' nhằm nâng lợi nhuận trong báo cáo tự lập thường nhằm mục đích kéo giá cổ phiếu, cải thiện hình ảnh trước thềm phát hành cổ phần hoặc duy trì điều kiện vay vốn, phát hành trái phiếu.

Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng kiểm toán, sổ sách trong bối cảnh mới

Cựu lãnh đạo Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng doanh nghiệp cần nâng cao năng lực kế toán và tuân thủ chuẩn mực mới, trong khi cơ quan nhà nước cần ban hành quy định rõ ràng, nhất quán, giảm thiểu rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.

Ông Tạ Quốc Đương cho biết lượng doanh nghiệp bị xử phạt tăng mạnh cũng phản ánh quá trình hoàn thiện khung pháp lý và siết chặt giám sát của cơ quan quản lý.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xây dựng thị trường chứng khoán minh bạch, các quy định về công bố thông tin được củng cố mạnh mẽ nhằm bảo vệ nhà đầu tư và nâng cao chất lượng thị trường.

Đây là bước chuẩn bị quan trọng để hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ "cận biên" lên "mới nổi".

Lợi nhuận ‘vênh’ tiền tỉ sau kiểm toán: Góc khuất chất lượng kế toán hay cố tình gian dối?- Ảnh 3.Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam giảm tới 157 tỉ đồng sau kiểm toán

Lợi nhuận sau thuế năm 2024 của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam giảm tới 157 tỉ đồng sau kiểm toán.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp