
Nhà nông học Robert Craig McNamara với lá cờ đặc biệt mà ông giữ hàng chục năm - Ảnh: LÊ HOÀNG LINH
Nơi ông đến đầu tiên là Quảng Trị, rồi Quảng Ngãi, trên tay giữ một lá cờ nửa xanh nửa đỏ sao vàng, từng là một món chiến lợi phẩm của cha mình.
Ông là nhà nông học Robert Craig McNamara (75 tuổi), con trai của Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ (qua đời năm 2009) - nhân vật từng khét tiếng với những chính sách chiến tranh khốc liệt ở Việt Nam những năm 1961 - 1968.
Trong chuyến đi Việt Nam lần này, Robert Craig McNamara là nhân vật chính của bộ phim tài liệu lịch sử do Đài truyền hình Việt Nam VTV4 thực hiện, trực tiếp trao trả lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và ra mắt cuốn sách Vì cha chúng tôi nói dối.
Phóng viên Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với nhân vật đặc biệt này.

Ông Craig McNamara ngừng lại và bật khóc khi kể về chuyến thăm nghĩa trang Trường Sơn trong buổi nói chuyện về cha mình và cuộc chiến tranh tại Việt Nam chiều 6-3 ở Hà Nội 12 30-4-1975 - Ảnh: ĐẬU DUNG
Con trai Robert McNamara trở lại
● Vì sao ông đến Việt Nam vào thời điểm này?
- Ông Craig McNamara: Đây không phải lần đầu. Năm 2017, tôi đã từng cùng con gái đến đất nước các bạn. Lần này dưới sự sắp xếp của VTV4, tôi được gặp gỡ những nạn nhân còn sống sót qua chiến tranh, đến một số địa điểm từng phải chịu đựng sự khốc liệt của bom đạn.
Như hôm nay tôi đã đặt chân đến Mỹ Lai (Quảng Ngãi), nơi quân đội Mỹ đã gây ra vụ thảm sát đẫm máu. Từ khóa mà tôi nhìn thấy từ chuyến đi này là sự hòa giải, tìm lại nhau của Việt Nam và Mỹ để cùng nhìn lại câu chuyện đau thương trong quá khứ.
Dù thực sự không dễ nhưng tôi rất mừng vì sau bao khó khăn chúng ta đã ngồi lại và dần tìm được tiếng nói chung.
● Những người dân ông gặp nói gì? Họ có biết ông là con trai của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara?

Cuốn sách Because our fathers lied của Craig McNamara - Ảnh: ĐẬU DUNG
- Tôi đến hiện trường thảm sát Mỹ Lai với Ronald Haeberle - bạn tôi và cũng là nhiếp ảnh gia năm nào đã chụp những bức ảnh gây sốc - để công bố với thế giới về vụ thảm sát đẫm máu do quân đội Mỹ gây ra. Cảm nhận rõ nhất của tôi khi gặp người dân ở nơi đó là sự đau khổ.
Tại Mỹ Lai, Ronald Haeberle đã miêu tả cho tôi khoảnh khắc tàn khốc mà ông chụp bộ ảnh ngày 16-3-1968. Gặp những nhân chứng đã tận mắt chứng kiến những gì đã diễn ra, bản thân tôi rất xúc động. Tôi nhìn thấy sự giận dữ, nét buồn bã thê lương của các nạn nhân sống sót.
Tôi chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân, dùng tư cách bản thân nói lời xin lỗi họ. Tôi rất mong có sự hòa giải để mọi người có thể gặp gỡ, sống với nhau.
Tôi thực sự rất đau buồn, sốc lẫn tức giận khi tận mắt thấy danh sách 504 nạn nhân đã bị giết, đặc biệt khi nhìn vào số tuổi và thấy phần lớn là trẻ em. Nhìn loạt ảnh bạn tôi chụp những nông dân, phụ nữ, ông già… ngã xuống dưới họng súng của lính Mỹ, thực sự tôi rất buồn.
● Không phải ai cũng có cơ hội tới và cảm nhận rõ sự tàn khốc về chiến tranh ở Việt Nam như ông. Hiểu biết chung của người Mỹ cho tới nay về cuộc chiến này ra sao?
- Phần lớn người thuộc thế hệ tôi đều biết về thảm sát Mỹ Lai cũng như cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Tuy nhiên có lẽ họ không hiểu rõ mức độ, sự tàn bạo khủng khiếp như những gì tôi đang được biết, được nhìn thấy.
Đấy cũng là lý do vì sao bộ phim tôi tham gia cùng với VTV4 rất quan trọng. Những câu chuyện lịch sử cần được kể một cách chân thật, đầy đủ nhất để thế hệ trẻ Việt Nam và Mỹ cũng như thế giới nắm bắt.
Trong chuyến đi lần này, tôi cũng công bố bản tiếng Việt cuốn sách của tôi với tựa đề Vì cha chúng tôi nói dối - Hồi ức về sự thật và gia đình, từ Việt Nam đến hôm nay (Because our fathers lied - A memoir of truth and family, from Vietnam to today).
● Vì sao ông đặt tiêu đề sách là Vì cha chúng tôi nói dối?
- Tiêu đề này là một câu trong bài thơ rất dài của một tác giả mà tôi thích. Nói dối ở đây là bởi vì tôi tin cha tôi đã nói dối với tôi, với các chàng trai cô gái ở Mỹ và các gia đình họ, cũng như nói dối người dân Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh. Tôi nghĩ lời nói dối đã góp phần kéo dài cuộc chiến và sự đau khổ của tất cả.
Theo những gì tôi hiểu, cha tôi biết rằng Mỹ sẽ không thể thắng cuộc. Bi kịch ở chỗ ông biết rõ mà vẫn nói người Mỹ sẽ chiến thắng. Lời nói dối ấy kéo dài cho đến khi cha tôi kết thúc nhiệm kỳ bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Hậu quả của sự lừa dối ấy đã khiến cuộc chiến kéo dài.

Ông Robert Craig McNamara trước những hình ảnh thảm khốc trong vụ thảm sát Mỹ Lai - Ảnh: LÊ HOÀNG LINH
● Vậy theo ông, vì sao Mỹ không thể thắng?
- Vì người Mỹ không hiểu được lịch sử lâu đời của Việt Nam về truyền thống chống ngoại xâm, không hiểu được 1.000 năm chống giặc phương Bắc cũng như chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Người Mỹ không thể hiểu được khát vọng độc lập, thống nhất hai miền của người Việt lớn đến mức hàng triệu người Việt sẵn sàng hy sinh để đánh đổi.
Người Mỹ không hiểu được sức mạnh của mình, bộ máy chiến tranh khổng lồ, vũ khí tối tân, bom napalm, chất độc da cam… sẽ không thể đánh bại được ý chí thống nhất của người dân Việt Nam.
Cuối cùng, tôi cho rằng tổng thống, các đời tổng thống, các đời bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ giai đoạn đó đã không lắng nghe được ý chí nguyện vọng của người dân Mỹ.

Ông Robert Craig McNamara tại nơi toán lính Mỹ đổ bộ xưa và hiện trạng ngày nay - Ảnh: LÊ HOÀNG LINH
"Tôi xin lỗi, xin sám hối"
● So với năm 2017, ông thấy những thay đổi gì khi đến Việt Nam lần này?
- Trong cả hai chuyến đi, tôi đều cảm nhận được sự thân thiện của người dân Việt Nam. Tôi rất xúc động khi nhìn thấy sự rộng lượng của mọi người khi biết tôi là ai. Người Việt Nam không giữ lòng hận thù ngay cả khi nghe giới thiệu tôi là con trai của ông McNamara - người đã góp phần tạo ra di sản thương đau trong chiến tranh Việt Nam.

Điều để lại ấn tượng lớn nhất của tôi trong cả hai lần đến Việt Nam là sự quyết tâm của người dân để vươn lên, vượt qua những khó khăn để có cuộc sống hạnh phúc. Đây là thời gian tốt nhất mà chúng ta nên ngồi cùng nhau, nói chuyện về hợp tác, về hòa bình.
● Ông đã làm gì để hàn gắn vết thương chiến tranh trong tư cách là một người Mỹ yêu chuộng hòa bình, hướng đến sự hòa giải?
- Việc lớn nhất tôi đã làm được trong 5-7 năm qua là làm việc với tổ chức rà phá bom mìn Renew (Quảng Trị), tìm kiếm những vật liệu nổ còn sót lại cũng như giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
● Vì sao ông quyết định ra mắt cuốn sách phiên bản tiếng Việt Vì cha chúng tôi nói dối trong chuyến qua Việt Nam lần này?
- Tên cuốn sách cũng chính là mục đích mà tôi dành thời gian đi tìm sự thật về lời nói dối mà cha tôi đã nói trong chiến tranh. Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình với độc giả Việt Nam quanh câu chuyện người cha của tôi - một người cha tốt, suy nghĩ sâu sắc nhưng lại có những tư tưởng đầy bi kịch góp phần kéo dài chiến tranh.
Tôi muốn tiếp tục các cuộc đối thoại về các lỗi lầm mà chúng tôi - người Mỹ đã phạm phải trong chiến tranh.
Bộ phim đặc biệt công chiếu dịp 30-4
Đạo diễn Lê Hoàng Linh - trưởng đoàn làm phim Cuộc đọ sức của ý chí (VTV4) - cho biết để ghi dấu đặc biệt dịp 50 năm thống nhất đất nước, Đài Truyền hình Việt Nam đã đầu tư thực hiện bộ phim tài liệu VTV đặc biệt Cuộc đọ sức của ý chí. Phim xoay quanh câu chuyện của ông Robert Craig McNamara - nhà nông học nổi tiếng và là con trai của cố bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mcnamara.
Theo ông Linh, quá trình tìm kiếm tư liệu đoàn làm phim tiếp cận được cuốn sách có tiêu đề tiếng Anh Because Our Fathers Lied (Vì cha chúng tôi nói dối) mà tác giả chính là ông Robert Craig McNamara.
Đoàn làm phim đã dày công tiếp xúc với nhân vật chính ở Mỹ và gây được thiện cảm đặc biệt. Ông Robert Craig McNamara đã đồng ý theo đoàn sang Việt Nam, tới chiến trường xưa nơi cha của ông đã tạo ra di sản chiến tranh.
"Khi ông Craig McNamara gặp các nhân chứng, nạn nhân chiến tranh thì ông luôn nói lời xin lỗi và day dứt: "Tôi không thể thay mặt cho nhân dân Mỹ nhưng thay mặt chính tôi nói lời xin lỗi đối với nhân dân Việt Nam về cuộc chiến tranh đã gây ra những thảm khốc cho Việt Nam".
Tôi nghĩ rằng ông Craig đã làm được điều mà cha của ông chưa bao giờ làm. Cha của ông đã viết rất nhiều, nhận sai về nhận thức, kể rất nhiều sai lầm nhưng lại chưa bao giờ nói lời xin lỗi" - đạo diễn Lê Hoàng Linh nói.
Chi tiết đặc biệt trong chuyến đi của ông Craig là ông mang theo một lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Lá cờ này được ông Craig treo trong nhà mình hàng chục năm qua. Đây là chiến lợi phẩm của cựu bộ trưởng McNamara mang từ Việt Nam về như một niềm tự hào.
Ông Craig đã quyết định mang theo lá cờ để trả lại cho nhân dân Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận