
Cố Giáo hoàng Francis tươi cười dặn dò Hồng y người Malaysia Sebastian Francis tại Công nghị phong Hồng y cho Ngài vào tháng 9-2023 - Ảnh: AFP
Bao lâu là đủ cho một kỳ mật nghị?
Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 2.000 năm, Giáo hội Công giáo đã trải qua nhiều kỳ mật nghị hồng y mang tính bước ngoặt.
Có những kỳ mật nghị kéo dài hơn 1.000 ngày vì bất đồng sâu sắc nhưng có kỳ chỉ diễn ra trong vòng 10 giờ đồng hồ. Có kỳ mật nghị chịu ảnh hưởng từ các vương triều, và cũng có kỳ dẫn tới một trong những khủng hoảng lớn nhất nhì của Giáo hội.
Mật nghị hồng y năm 2025 sắp tới được kỳ vọng là một dấu mốc quan trọng, khi lần đầu tiên số hồng y cử tri vượt mốc 120 vị và phần lớn các hồng y không đến từ châu Âu.
Như đã đề cập ở kỳ trước, đợt bầu chọn giáo hoàng từ năm 1268 đến 1271 là đợt bầu chọn giáo hoàng dài nhất lịch sử của Giáo hội Công giáo cho đến nay.
Sau khi Giáo hoàng Clement IV qua đời vào cuối năm 1268, các hồng y đã triệu tập tại thành Viterbo, miền trung nước Ý để tiến hành bầu chọn người kế nhiệm như thông lệ.
Tuy nhiên, nội bộ các hồng y khi đó chia rẽ trầm trọng giữa nhóm thân Pháp và nhóm ủng hộ Đế quốc La Mã Thần Thánh.
Sau 33 tháng chờ đợi mòn mỏi, người dân thành Viterbo dần mất kiên nhẫn. Họ quyết định khóa cửa cung điện nơi các hồng y đang triệu tập, buộc các ngài phải sống trong cảnh bị "giam lỏng" cho đến khi bầu chọn ra tân giáo hoàng. Theo một số tài liệu, họ thậm chí dỡ phần mái nhà để gây áp lực lên các hồng y.
Cuối cùng các hồng y đã bầu ra Giáo hoàng Gregory X. Là chứng nhân của những khó khăn trong quá trình bầu chọn vừa qua, Giáo hoàng Gregory X đã ban hành Tông hiến "Ubi periculum", hình thành mật nghị hồng y, đặt nền tảng cho các quy định trong tiến trình bầu chọn giáo hoàng và một số quy định vẫn được duy trì đến tận ngày nay.
Ngược lại, kỳ mật nghị hồng y ngắn nhất diễn ra vào tháng 10-1503 và chỉ kéo dài khoảng 10 tiếng đồng hồ. Khi đó, Giáo hoàng Alexander VI qua đời chỉ sau 26 ngày tại nhiệm.
Vì thế, các hồng y vẫn chưa rời khỏi Rome quá xa nên các ngài đã nhanh chóng triệu tập một kỳ mật nghị mới và bầu Hồng y Francesco Piccolomini - một người đạo đức, ôn hòa - làm tân giáo hoàng, tức Giáo hoàng Pius III.

Các hồng y tại Thánh lễ cầu nguyện cho cố Giáo hoàng Francis hôm 1-5 - Ảnh: AFP
Khi thế quyền "át" thần quyền
Bất chấp những cải cách của Giáo hoàng Gregory X trước đó, các kỳ mật nghị hồng y sau đó vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong thế kỷ 14 do ảnh hưởng từ những tranh chấp quyền bính giữa các hoàng gia châu Âu.
Giai đoạn đầu và giữa những năm 1300, các giáo hoàng cư trú ở Pháp, lập giáo triều ở vùng Avignon thay vì ở Rome theo đề nghị của Vua Philip IV của Pháp. Và hầu hết các giáo hoàng ở giai đoạn này đều là người Pháp.
Điều này khiến nhiều người, nhất là những người Ý không hài lòng và cho rằng việc này làm giảm uy tín cũng như hạn chế sự độc lập của Tòa Thánh.
Năm 1376, Giáo hoàng Gregory XI đưa giáo triều về lại Rome nhưng ngài qua đời không lâu sau đó. Dưới áp lực mạnh mẽ từ người dân Rome, vào năm 1378, các hồng y đã bầu một hồng y người Ý làm giáo hoàng kế nhiệm và đó chính là Giáo hoàng Urban VI.
Thế nhưng một số hồng y, đặc biệt là những hồng y người Pháp, không hài lòng với lối quản lý cứng rắn của ngài nên đã tuyên bố bác bỏ kết quả kỳ mật nghị năm 1378 và triệu tập một kỳ mật nghị mới, bầu ra Giáo hoàng đối lập Clement VII (để phân biệt với Giáo hoàng Clement VII của Giáo hội Công giáo La Mã), lập giáo triều tại thành phố Avignon.
Kỳ mật nghị này cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc đại ly giáo Tây phương kéo dài gần 40 năm sau đó.
Tình trạng hai vị giáo hoàng song song đã "chia đôi" Giáo hội Công giáo và gây rối loạn niềm tin của giáo dân. Đỉnh điểm Công đồng do các hồng y triệu tập tại Pisa vào đầu năm 1409 đã bầu chọn ra vị giáo hoàng thứ ba - Giáo hoàng đối lập Alexander V.
Phải đến Công đồng Constance (1414 - 1418) mọi khủng hoảng mới được giải quyết sau khi tất cả các hồng y nhất trí bầu ra Giáo hoàng Martin V.
Bên cạnh kỳ mật nghị ở thời kỳ ly giáo Tây phương, kỳ Mật nghị hồng y năm 1903 cũng khá đặc biệt, đánh dấu kỳ mật nghị cuối cùng mà một vị quân vương châu Âu can thiệp công khai vào việc bầu giáo hoàng.
Sau khi Giáo hoàng Leo XIII tạ thế vào năm 1903, Hồng y Quốc vụ khanh Mariano Rampolla khi đó là người được ủng hộ rất nhiều và được xem là ứng viên nổi bật để trở thành người kế nhiệm hoàn hảo.
Tuy nhiên Hoàng đế Áo - Hung Franz Joseph I đã gửi "quyền phủ quyết", phản đối Hồng y Rampolla trở thành Giáo hoàng thứ 257 của Giáo hội Công giáo vì "quan điểm chính trị không phù hợp với Áo - Hung".
Ở thời điểm đó, một số vương thất châu Âu gồm hoàng đế Áo - Hung, vua Pháp và vua Tây Ban Nha vẫn còn nắm trong tay quyền "veto" ("quyền phủ quyết") các ứng viên giáo hoàng.
Dù không bắt buộc nhưng các hồng y đã tôn trọng "quyền phủ quyết" của Hoàng đế Franz Joseph I và loại Hồng y Rampolla, sau đó bầu Hồng y Melchiorre Giuseppe Sarto làm giáo hoàng và ngài chính là Giáo hoàng Pio X.
Chứng kiến những sóng gió khi thế quyền lấn át thần quyền, Giáo hoàng Pio X đã cấm mọi hình thức can thiệp của thế quyền, chấm dứt ảnh hưởng của các vương thất hoàng gia châu Âu vào Mật nghị hồng y.
Mật nghị đặc biệt ở thời hiện đại
Ở thời hiện đại, kỳ mật nghị hồng y năm 2013 bầu ra cố Giáo hoàng Francis cũng là sự kiện gây chú ý đặc biệt trên khắp thế giới. Ngày 28-2-2013, Giáo hoàng Benedict XVI chính thức từ nhiệm vì lý do sức khỏe.
Mật nghị hồng y bầu giáo hoàng kế nhiệm nhanh chóng được triệu tập và chỉ trong vòng hai ngày, năm vòng bỏ phiếu, Hồng y người Argentina Jorge Mario Bergoglio đã được chọn làm Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo, lấy tông hiệu là Francis.
Đây là kỳ mật nghị đầu tiên được triệu tập khi Giáo hoàng tiền nhiệm còn sống sau 600 năm và kỳ mật nghị này đã bầu ra Giáo hoàng người Mỹ Latin đầu tiên.
Giờ đây, kỳ mật nghị hồng y năm 2025 đang mở ra một chương mới trong lịch sử Giáo hội với nhiều dấu mốc chưa từng có.
Không chỉ ghi nhận số lượng hồng y tham gia bỏ phiếu cao nhất trong lịch sử hiện đại với 133 vị, Mật nghị lần này còn phản ánh rõ nét tiến trình toàn cầu hóa của Giáo hội thông qua sự hiện diện của các hồng y đến từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin.
Trả lời Đài CNN, giáo sư Susan Timoney đến từ Đại học Công giáo Mỹ (The Catholic University of America - CUA) nhận định đây sẽ là "một trong những kỳ Mật nghị đa dạng nhất trong lịch sử Giáo hội".
Mật nghị cũng diễn ra trong thời điểm thế giới đối mặt với những thách thức chưa từng có khi xung đột địa chính trị gia tăng, biến đổi khí hậu diễn biến trầm trọng, và các vấn đề xã hội, đạo đức ngày càng phức tạp.
Mỗi kỳ mật nghị không chỉ là thời khắc thiêng liêng với người Công giáo, mà còn là tấm gương phản chiếu bối cảnh xã hội, chính trị, phản ánh chiều sâu lịch sử và khát vọng của nhân loại qua từng thời kỳ.
**********
Cố Giáo hoàng Francis mở rộng phạm vi và số lượng hồng y đoàn, dẫn đến kỳ Mật nghị năm 2025 bỗng nhiên trở thành kỳ đầu tiên có nhiều hơn 120 hồng y cử tri theo quy định trước đó.
Vì vậy những cuộc vận động hành lang bầu chọn ra vị giáo hoàng kế nhiệm đang dần nóng lên theo thời gian. Liệu thế giới có một vị tân giáo hoàng đến từ châu Á hay châu Phi?
>> Kỳ tới: Cục diện Hồng y đoàn 2025: Rung chuyển truyền thống
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận