12/05/2025 09:06 GMT+7

Mở rộng hợp tác Việt Nam - Nga

Chuyến thăm Nga lần này của Tổng Bí thư Tô Lâm cho thấy hai quốc gia có thể làm gì sau khi đã nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện.

Nga - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân rời Matxcơva, lên đường thăm Belarus - Ảnh: TTXVN

Sau Trung Quốc, Nga là dẫn chứng mới nhất cho thấy các nỗ lực của Việt Nam trong tăng cường quan hệ, mở rộng hợp tác thực chất với một Đối tác chiến lược toàn diện

Những lĩnh vực mà hai bên hướng tới đều mang lại lợi ích cho hai nước trong giai đoạn phát triển mới, bối cảnh mới của thế giới với nhiều diễn biến phức tạp.

Định hướng hợp tác thực chất

Nga là nước thứ hai mà Việt Nam thiết lập tầm mức Đối tác chiến lược toàn diện (năm 2012). Sau 13 năm, tầm mức quan hệ này đã được củng cố thông qua nền tảng tin cậy chính trị có lịch sử lâu đời giữa hai nước. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn dừng lại ở mức khiêm tốn, với năm gần đây nhất là 2024 chỉ khoảng 6 tỉ USD, trong khi tiềm năng hợp tác và thế mạnh của mỗi nước còn rất lớn.

Chính vì vậy, trước chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm, giới học giả và giới chức Nga đều rất kỳ vọng hợp tác thương mại sẽ có khởi sắc mới theo hướng cân bằng hơn. Trong các cuộc gặp với Tổng Bí thư tại Matxcơva, doanh nghiệp và lãnh đạo cấp cao Nga cũng đã đề cập cụ thể việc này.

Nói về điều này, trong bài phát biểu chính sách tại Học viện Hành chính công và Kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Nga vào ngày 10-5, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước, lãnh đạo hai bên đã trao đổi và đưa ra những định hướng lớn trong chuyến thăm lần này của ông. Trong đó có việc nâng tầm hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư - lĩnh vực hợp tác trọng tâm của quan hệ hai nước. 

Ông cho biết hai bên xác định cần ưu tiên, tạo thuận lợi cho mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư và tài chính - tín dụng phù hợp với luật pháp quốc tế và quy định pháp luật hai nước nhằm thúc đẩy trao đổi hàng hóa, dịch vụ.

Về thương mại, hai nước nhất trí bảo đảm cân bằng cán cân thương mại và đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu không cạnh tranh trên thị trường của nhau. Với Liên minh kinh tế Á - Âu mà Nga là một thành viên, Matxcơva khẳng định ủng hộ các cuộc đàm phán giữa khối kinh tế này với Việt Nam về các vấn đề tăng cường xuất khẩu, cũng như gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật trong thương mại song phương. 

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, giao thông - vận tải, đóng tàu và chế tạo máy, hiện đại hóa đường sắt, mở rộng các tuyến hành lang vận tải giữa hai nước để thúc đẩy giao thương và đầu tư.

Về đầu tư, hai bên thống nhất cần mở rộng và đa dạng các lĩnh vực đầu tư của Việt Nam vào Nga và đầu tư của Nga vào Việt Nam. Hai nước sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi và ủng hộ để doanh nghiệp hai bên thúc đẩy hợp tác trực tiếp.

Năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và công nghiệp dầu khí cũng được đề cập, trong đó có việc Nga cung cấp, chế biến dầu thô và khí hóa lỏng cho Việt Nam. Hai bên sẵn sàng nghiên cứu khả năng xây mới, hiện đại hóa các cơ sở điện năng hiện có, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động khai thác dầu khí tại Nga và Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bàn về điện hạt nhân

Theo truyền thông Nga, sau cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm, Tổng thống Nga Putin đã nhấn mạnh vai trò quan trọng và đầy triển vọng của năng lượng hạt nhân trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam. 

Tổng Bí thư trước đó đã khẳng định với các học giả Nga việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một ưu tiên cao của Việt Nam hiện nay. Do đó, Việt Nam đặc biệt coi trọng việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, nhất là triển khai hiệu quả dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.

Theo ông Putin, hợp tác về hạt nhân dân sự sẽ đóng vai trò là chất xúc tác mạnh mẽ để kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, đồng thời tạo ra hàng ngàn việc làm mới và giúp Việt Nam đào tạo nhiều nhân lực chất lượng cao. 

Ông dẫn chứng bằng việc một số chuyên gia Việt Nam đã bắt đầu làm việc tại các cơ sở hạt nhân của Nga ở nước thứ ba. "Điều này chứng tỏ rằng tiêu chuẩn đào tạo của Tập đoàn Rosatom phù hợp với các chuẩn mực quốc tế", ông Putin khẳng định.

Những vấn đề được thảo luận giữa các lãnh đạo đã được cụ thể hóa bằng các văn kiện, thỏa thuận hợp tác giữa bộ, ngành hai bên sau đó. Dựa trên danh sách các văn kiện được công bố, có thể thấy phần lớn tập trung vào lĩnh vực hợp tác truyền thống là dầu khí. Đáng chú ý, trong số này có một số thỏa thuận liên quan đến tài chính, ngân hàng và năng lượng hạt nhân.

Chẳng hạn, trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Nga Putin ngày 10-5, đại diện Tổng công ty hàng không Việt Nam và Ngân hàng VTB Nga đã trao thỏa thuận hợp tác toàn diện. 

Trước đó, trong thời gian Tổng Bí thư ở Nga, Vietnam Airlines đã công bố việc nối lại đường bay thẳng giữa Hà Nội và Matxcơva với tần suất 2 chuyến mỗi tuần.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nga, ngày 11-5 Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Nga, tiếp một số doanh nghiệp tiêu biểu của nước này và gặp lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga, Chủ tịch Hội đồng biển của Nga.

Chiều 11-5, khép lại chuyến thăm Nga hết sức thành công, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao rời Matxcơva, hướng đến Belarus cho chuyến thăm cấp nhà nước. Đây cũng là điểm đến cuối cùng trong chuyến công tác từ ngày 5 đến 12-5 của Tổng Bí thư.

Mở rộng hợp tác Việt Nam - Nga - Ảnh 2.Việt Nam và Nga trao nhiều văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng chứng kiến việc trao văn kiện hợp tác giữa hai nước, trong đó có các lĩnh vực liên quan dầu khí, năng lượng hạt nhân, y sinh...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp