
Sinh viên được giới thiệu về mô hình nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ 3 ở Nhật Bản - Ảnh: HÀ QUÂN
Trong bộ đồ thí nghiệm màu vàng nhẹ, nhóm sinh viên Trường đại học Điện lực (EPU) chăm chú lắng nghe các thầy cô Khoa Năng lượng mới (EPU) giới thiệu mô hình lò phản ứng áp lực (Pressurized Water Reactor - PWR) thế hệ thứ ba do Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) tài trợ.
Một tia hạt nhân - một phản ứng đổi đời
Sinh viên được miêu tả chi tiết đường đi của các dòng nhiệt từ trong lò phản ứng đến thiết bị sinh hơi, tua bin, hệ thống làm mát, bơm tuần hoàn hay cách lắp đặt các thanh nhiên liệu hạt nhân, cấu tạo bê tông cốt thép của các mái vòm chứa lò phản ứng trị giá hàng tỉ USD. Sau đó, các em được nghe câu chuyện về chi phí thay thanh nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân giá trị rất lớn nhưng thu về được nhiều giá trị về kinh tế, môi trường từ nguồn năng lượng sạch này.
Không ít bạn trẻ phải "ồ" lên vì lần đầu tiên được nghe giới thiệu chi tiết như vậy, trong đó có Bùi Hữu Sơn - sinh viên lớp D19 ngành Công nghệ kỹ thuật năng lượng (EPU).
Điện hạt nhân đến với Sơn tình cờ qua các hình ảnh, video, bài báo trên internet, sau đó là bài học về vai trò của năng lượng nguyên tử trong cung cấp điện sạch, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Dù mới học hết năm nhất, cậu tin rằng ngành học sẽ phát triển nhanh, mở ra nhiều cơ hội du học nước ngoài.
Hành trình của Sơn giống bước đi ban đầu của TS Nguyễn Đình Khương - giảng viên Khoa Năng lượng mới (EPU) gần 15 năm trước sau khi ghi danh vào ngành Công nghệ kỹ thuật hạt nhân.
"Ngay ngày đầu, tôi đã biết đây là ngành học của tương lai, ngoài tạo ra năng lượng sạch, ngành hạt nhân còn nhiều ứng dụng trong cuộc sống con người như chiếu xạ thực phẩm, khám chữa bệnh.
Nhưng vì khối lượng kiến thức lớn, các bạn trẻ cần rèn luyện tính kỷ luật, tuân thủ quy trình an toàn và tập trung học tập, lên kế hoạch, định hướng du học từ sớm. Những ai có kiến thức vững chắc về toán, vật lý và say mê nghiên cứu khoa học có thể đi theo nhiều con đường từ công nghiệp, y tế, nông nghiệp cho tới giảng dạy ở các cơ sở đào tạo", thầy Khương chia sẻ.

Thầy cô Trường đại học Điện lực (EPU) và Trường Năng lượng hạt nhân quốc tế của Kepco (Trường KINGS - Hàn Quốc) trong buổi ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) - Ảnh: EPU
Đồng hành trên hành trình khám phá nguyên tử
Theo TS Trần Thị Nhàn - tổ trưởng đánh giá, cải tiến chất lượng chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật hạt nhân, chương trình đào tạo có lộ trình rõ ràng.
Năm thứ nhất là các học phần cung cấp kiến thức đại cương, tiếp theo là các học phần cơ sở ngành, ngành và chuyên ngành, thực hành - thực tập tại các viện nghiên cứu, nhà máy và cuối khóa là thực tập tốt nghiệp và đồ án tốt nghiệp, nâng cao năng lực ngoại ngữ.
"Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ hoặc làm việc tại các bệnh viện, trung tâm chiếu xạ, viện nghiên cứu hoặc nhà máy điện. Nhà trường đang liên kết chặt chẽ với các trường đại học tại Nhật Bản, Hàn Quốc, trong khuôn khổ Đề án phát triển điện hạt nhân, để trao đổi học thuật, cấp học bổng", TS Nhàn thông tin.
Khác với cấp phổ thông, sinh viên cần rèn luyện tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tích cực tìm tới phòng thí nghiệm, thư viện để khai thác hiệu quả tài nguyên học tập. Các bạn theo đuổi các lĩnh vực năng lượng, môi trường không chỉ cần học vững lý thuyết mà cần thành thục kỹ năng thực hành, phối hợp nhóm, nâng cao khả năng ngoại ngữ, ví dụ tiếng Anh.

Các thầy cô Khoa Năng lượng mới, Trường đại học Điện lực (EPU) đồng hành cùng sinh viên trong phòng thí nghiệm - Ảnh: HÀ QUÂN
"Nếu đặt tình yêu với công việc, hội tụ kiến thức chuyên sâu, kỹ năng mềm, tinh thần làm việc nhóm, giao tiếp cởi mở, tuân thủ kỷ luật, an toàn, tôi tin các em sẽ thành công với con đường đã chọn", TS Trần Thị Nhàn bày tỏ.
Tại EPU, các thầy cô sẽ đồng hành, hỗ trợ sinh viên cập nhật kiến thức, cách thức học tập trong môi trường mới và gỡ rối tâm lý khi cần. Đoàn thanh niên, liên chi đoàn khoa và các phòng ban cũng sẽ định hướng, hỗ trợ sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa, tìm kiếm các nguồn học bổng…
Sinh viên cần tích cực lên lớp đầy đủ, nghe kỹ bài giảng và đặt câu hỏi ngay khi có thắc mắc, để làm chủ kiến thức và thành công sẽ tự nhiên đến với các bạn - các thầy cô Khoa Năng lượng mới (EPU) nhắn gửi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận