
Sabrina Carpenter và Lisa (BlackPink) diện mốt không mặc quần tại Met Gala 2025 - Ảnh: REUTERS/ AFP
Phong cách "no pants" (không mặc quần) đã râm ran xuất hiện những năm gần đây, được các ngôi sao như Kristen Stewart, Kendall Jenner, Bella Hadid, Sydney Sweeney... lăng xê mạnh mẽ.
Tại Met Gala năm nay, ca sĩ Sabrina Carpenter và Lisa (BlackPink) làm dậy sóng mạng xã hội với những bộ cánh không quần của mình.
Sự trở lại của xu hướng 'không mặc quần'
Sự hồi sinh của xu hướng "no pants" (không mặc quần) - hay còn gọi là mặc quần siêu ngắn - phản ánh bước chuyển rõ rệt trong thời trang, khi sự cá tính được đề cao và yếu tố gây sốc được tận dụng tối đa.
Từ năm 2022, xu hướng này trở lại một cách âm ỉ, thông qua những bộ trang phục táo bạo của người nổi tiếng và dần được các sàn diễn thời trang đón nhận.
Các bộ sưu tập mới nhất tiếp tục đẩy mạnh trào lưu này với những thiết kế hot pants - quần shorts siêu ngắn, thậm chí là không quần. Có thể kể đến Miu Miu Xuân 2024 Ready-to-Wear, Alexander Wang Xuân 2025 RTW và Louis Vuitton Xuân 2025.

Các "IT-Girl" như Kylie Jenner, Kendall Jenner, Bella Hadid thường xuyên lăng xê mốt không mặc quần - Ảnh: IGNV
Phong trào "yêu cơ thể" cũng góp phần tạo nên sự tự tin cho các ngôi sao khi lựa chọn trang phục phô diễn đôi chân. Không mặc quần trở thành cách để tôn vinh vóc dáng, đặc biệt hữu ích với người có chiều cao khiêm tốn vì chúng kéo dài phần thân và tạo cảm giác chân dài hơn.
Ca sĩ Sabrina Carpenter tiết lộ với Vogue rằng chính Pharrell Williams - giám đốc sáng tạo mảng thời trang nam của Louis Vuitton - khuyên cô không nên mặc quần tại Met Gala để tôn lên vóc dáng nhỏ nhắn của mình.
Mặc quần là đe dọa quyền lực nam giới
Dù thời trang thường bị xem là phù phiếm, thực chất cách ta ăn mặc luôn gắn chặt với các chuyển động văn hóa, kinh tế và chính trị.
Việc phụ nữ mặc quần từng là một cuộc đấu tranh đầy phức tạp và kéo dài. Giữa thế kỷ 19, việc phụ nữ ở phương Tây mặc quần - ngay cả dạng quần lót dài như bloomers - bị coi là không thể chấp nhận được, bị xem là hành vi đe dọa đến quyền lực của nam giới.
Sự cấm đoán phụ nữ mặc quần kéo dài suốt nhiều thế kỷ. Thậm chí đến tận đầu thế kỷ 20, điều này vẫn còn bị xem là kỳ lạ: vào năm 1903, một tạp chí dành cho nam giới từng phát hành số đặc biệt có tiêu đề “các cô gái mặc đồ chẽn” - ám chỉ phụ nữ mặc quần, như thể đó là một điều giật gân, lạ lẫm.

Bức tranh biếm họa năm 1896 của họa sĩ William H. Walker (1871-1938) khắc họa hình ảnh một con tàu hải quân với toàn bộ thủy thủ đoàn là phụ nữ, phản chiếu những xung đột tư tưởng về giới tính vào cuối thế kỷ 19 - Ảnh: The Conversation
Phải đến năm 2013, nước Pháp mới chính thức bãi bỏ một đạo luật hơn 200 năm tuổi (dù không còn thực thi), quy định rằng phụ nữ chỉ được mặc quần nếu có sự cho phép từ cảnh sát.
Nếu trào lưu "không mặc quần" khiến nhiều người cảm thấy phản cảm hoặc vượt chuẩn mực, đó là bởi phụ nữ đã mất hàng thế kỷ để đấu tranh về việc cơ thể họ được phép phơi bày đến đâu.
Phụ nữ chịu ảnh hưởng từ các trào lưu thời trang ngoại lai và chọn cách ăn mặc gợi cảm, phá vỡ khuôn mẫu truyền thống. Họ thường bị xã hội nhìn bằng ánh mắt ngạc nhiên, phán xét, vì vẫn còn tồn tại những định kiến rằng một số phần cơ thể không nên để lộ.

Trang phục luyện tập của các vũ công múa ba lê vào những năm 1950 - Ảnh: Julie Priolo
Với trào lưu không mặc quần, ta có thể lần theo những dấu vết hiện đại đầu tiên từ sự xuất hiện của trang phục múa ba lê và khiêu vũ, đặc biệt là áo liền quần, từ những năm 1950 trở đi.
Đến thập niên 1980, các video thể dục nổi tiếng của Jane Fonda đã tiếp tục đẩy mạnh hình ảnh phụ nữ trong những bộ đồ ôm sát, ngắn cũn, góp phần làm nên tiền đề cho trào lưu này phát triển rộng rãi hơn về sau.
Xu hướng 'không mặc quần' sẽ đi xa đến đâu?
Trong lịch sử, quần từng là biểu tượng của sự giải phóng cho phụ nữ, đặc biệt khi họ đảm nhận vai trò của nam giới trong hai cuộc Thế chiến. Vì thế, không ngạc nhiên khi quần trở thành một phần không thể thiếu trong tủ đồ phái nữ hiện đại.
Tuy nhiên, những xu hướng như không mặc quần lại có hành trình xuất hiện rất khác biệt. Hoặc là chúng lan tỏa từ sàn diễn và người nổi tiếng, hoặc nổi lên từ phong cách đường phố hoặc phương tiện truyền thông xã hội.
Theo The Conversation, mỗi chu kỳ thời trang thường bắt đầu với những người được gọi là “người tiên phong” và “người áp dụng sớm" - những cá nhân táo bạo, sẵn sàng thử nghiệm trước khi xu hướng được đón nhận rộng rãi và chỉ có khoảng 1 - 2,5% dân số thuộc nhóm tiên phong này.

Loạt sao Hàn như Lisa, Han So Hee, Huh Yujin (LE SSERAFIM) hưởng ứng trào lưu "không mặc quần" - Ảnh: Naver
Khi xu hướng đạt đến điểm bão hòa - khi ai cũng mặc, ai cũng thấy - thì nó bắt đầu mất đi sự hấp dẫn. Những trào lưu gần với phong cách cổ điển có thể sống thọ đến 10 năm, nhưng các “mốt” ngắn hạn thường chỉ kéo dài trong vòng 1 - 2 năm trước khi biến mất.
Với sự xuất hiện rầm rộ tại Met Gala 2025, xu hướng "không mặc quần" có vẻ sẽ tiếp tục sống thêm ít nhất một mùa nữa. Tuy nhiên, nó cũng sẽ dần hòa tan vào thời trang đại chúng khi ngày càng nhiều mẫu quần shorts siêu ngắn xuất hiện trên kệ hàng.
Nói cách khác, thời trang luôn vận động theo chu kỳ: điều từng gây sốc hôm nay có thể sẽ trở nên bình thường vào ngày mai hoặc bị lãng quên ngay khi sự mới lạ không còn nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận