13/07/2025 08:05 GMT+7

Mỹ cần tiếp cận đa phương với ASEAN

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 58 tại Malaysia, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nhấn mạnh rằng các biện pháp thuế quan không đồng nghĩa với việc Mỹ quay lưng với khu vực.

asean - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tại họp báo ở Malaysia vào ngày 10-7 - Ảnh: AFP

Ông Rubio khẳng định mạnh mẽ cam kết lâu dài của Washington đối với ASEAN, gọi khối khu vực này là "cơ chế ưu việt" cho sự tham gia của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên diễn ngôn xem trọng khu vực Đông Nam Á của ông Rubio dường như mâu thuẫn với những hành động đơn phương áp thuế quan lên khu vực này của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

"Nước Mỹ trên hết"

Có thể nói vai trò của ASEAN trong chính sách của chính quyền Tổng thống Trump là một vấn đề phức tạp và đầy mâu thuẫn khi có sự khác biệt giữa lời nói và hành động. Tuy nhiên, cũng không có gì khó hiểu do nó vốn bắt nguồn từ chính sách "Nước Mỹ trên hết" (America First).

Chính sách này ưu tiên cách tiếp cận mang tính giao dịch trong chính sách đối ngoại và thương mại. Đối với Washington, ngay cả các mối quan hệ địa chính trị quan trọng ở khắp nơi trên thế giới cũng thường được nhìn nhận qua lăng kính mang đầy màu sắc lợi ích.

Điều này có nghĩa là các nhượng bộ kinh tế thường được yêu cầu để đổi lấy việc tránh các biện pháp mang tính hình phạt, thay vì thúc đẩy các mối quan hệ đối tác lâu dài, có đi có lại dựa trên các giá trị chung.

Tất nhiên Washington có lý do để bảo vệ các chính sách thương mại của họ.

Ngoại trưởng Rubio thừa nhận những lo ngại từ các ngoại trưởng ASEAN về thuế quan của Mỹ, nhưng ông vẫn khẳng định đây là một "hành động toàn cầu" nhằm "tái cân bằng" các mối quan hệ thương mại đã dẫn đến "thâm hụt thương mại lớn" cho Mỹ trong 30 - 40 năm qua.

Washington cho rằng có sự chênh lệch thuế quan không công bằng, rồi các rào cản phi thuế quan như các yêu cầu về nội địa hóa và các chế độ cấp phép nhập khẩu phức tạp do các quốc gia khác áp đặt như ở Indonesia và Malaysia.

Ông Rubio khẳng định rằng các mức thuế này không tập trung vào một khu vực hoặc quốc gia cụ thể và cần thiết để giải quyết sự mất cân bằng thương mại "không bền vững".

Dù gì cũng khó giải thích việc Mỹ áp thuế cao riêng rẽ lên các quốc gia ASEAN - vốn dựa vào xuất khẩu, thuần túy là mang tính "thương mại công bằng" khi nó tạo ra áp lực kinh tế và sự không chắc chắn đáng kể cho các nền kinh tế Đông Nam Á.

Chẳng hạn như Thái Lan và Campuchia sẽ phải đối mặt với mức thuế 36%, Indonesia 32%, Malaysia 25%, 20% đối với Philippines, còn Lào và Myanmar đều 40%.

Điều này dễ khiến tạo ra một môi trường đầy thách thức cho ASEAN, buộc các quốc gia thành viên phải thích nghi với môi trường kinh tế khó đoán định.

ASEAN quan trọng với Mỹ

So với nhiệm kỳ một của Tổng thống Trump cách đây 8 năm thì ngày nay vai trò địa kinh tế của ASEAN đã quan trọng hơn nhiều.

Với dân số khoảng 680 triệu người, tổng GDP hơn 3 ngàn tỉ USD và tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng với ước tính hơn 200 triệu người, ASEAN là một đối tác thương mại quan trọng và một thị trường đầy hứa hẹn cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.

Ngoài ra sự năng động kinh tế của khu vực này cũng làm tăng tầm quan trọng của các trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á đối với việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ ra khỏi Trung Quốc.

Về địa chính trị, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ không thể thiếu vai trò trung tâm của ASEAN khi khối này nằm ở vị trí địa lý kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng như giữ vai trò là diễn đàn đối thoại khu vực quan trọng.

Khu vực Đông Nam Á nằm án ngữ các tuyến đường vận chuyển hàng hải quan trọng của cả thế giới. Sức nóng của cạnh tranh quyền lực cũng được cảm thấy rõ ràng ở đây.

Ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng tăng ở khu vực khiến Mỹ coi ASEAN là yếu tố then chốt để Mỹ thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, an toàn và thịnh vượng.

Về mặt diễn ngôn, ông Rubio đã làm rất tốt khi nhấn mạnh rằng Đông Nam Á không thể bị gạt ra ngoài lề giữa những thách thức toàn cầu đang diễn ra khi tuyên bố: "Thế kỷ này và thế kỷ tới, câu chuyện của 50 năm tới sẽ phần lớn được viết ra ở đây". Ông trích dẫn dân số trẻ và tiềm năng kinh tế của khu vực là những yếu tố quan trọng định hình sự phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên chính trị không chỉ là lời nói, mà còn là hành động thực tiễn. Tầm quan trọng của ASEAN đối với nước Mỹ vẫn còn chưa rõ nét và thiếu tính toàn diện.

Việc các nhà lãnh đạo Mỹ tham dự các diễn đàn đa phương của ASEAN là một chuyện, nhưng quan trọng hơn, khu vực này cũng cần các chính sách đa phương của chính quyền Tổng thống Trump, thay vì các chính sách song phương nhằm phát huy đòn bẩy kinh tế của Washington.

Ông Rubio nói về quan hệ Việt - Mỹ

Nhân kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio viết trên X vào sáng 12-7 (theo giờ Việt Nam): "30 năm trước, Mỹ và Việt Nam bắt đầu một hành trình phi thường, từ cựu thù trở thành Đối tác chiến lược toàn diện".

Ông Rubio nói nước Mỹ ghi nhận cột mốc quan trọng này, đồng thời "tái khẳng định cam kết cùng thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và an ninh vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Mỹ cần tiếp cận đa phương với ASEAN - Ảnh 4.Malaysia kêu gọi ASEAN thiết lập thỏa thuận chung đối phó thuế quan Mỹ

Phía Malaysia kêu gọi các nước ASEAN thiết lập thỏa thuận chung trước tác động từ thuế đối ứng của Mỹ lên khu vực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp