02/07/2025 15:49 GMT+7

Nếu bà Paetongtarn được tòa xác định vô tội thì sẽ được phục hồi vị trí thủ tướng ngay

Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã đình chỉ chức vụ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra để điều tra cáo buộc vi phạm đạo đức, để ngỏ tương lai chính trị của gia tộc Shinawatra.

Thái Lan - Ảnh 1.

Bà Paetongtarn Shinawatra chính thức bị đình chỉ chức vụ thủ tướng từ ngày 1-7 - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin Reuters ngày 1-7, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra quyết định tạm thời đình chỉ Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra trong lúc xem xét đơn kiến nghị của 36 thượng nghị sĩ yêu cầu bãi nhiệm bà, làm dấy lên nhiều câu hỏi về người kế nhiệm tạm thời, diễn biến pháp lý sắp tới và các phản ứng chính trị trong nước.

Vì sao bà Paetongtarn bị đình chỉ?

Các thượng nghị sĩ cáo buộc bà Paetongtarn, 38 tuổi, thiếu trung thực và vi phạm chuẩn mực đạo đức quy định trong hiến pháp, liên quan đến cuộc gọi bị rò rỉ giữa bà và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen. Tòa án yêu cầu bà ngưng toàn bộ nhiệm vụ của thủ tướng cho đến khi có phán quyết chính thức.

Theo quy trình, bà sẽ có 15 ngày để nộp bản giải trình và chứng cứ liên quan trước khi tòa tiếp tục xem xét vụ việc. Trong thời gian này, bà sẽ không được ký văn bản, tham dự các cuộc họp nội các hay thực thi chính sách với tư cách thủ tướng cho đến khi có phán quyết chính thức.

Nếu tòa án phán quyết rằng bà Paetongtarn phải bị cách chức, bà sẽ bị loại khỏi vị trí thủ tướng ngay lập tức. Một quy trình chọn thủ tướng mới sẽ bắt đầu, các ứng viên sẽ được chọn từ danh sách ứng cử viên thủ tướng hiện có. Đảng Pheu Thai vẫn có thể đề cử ông Chaikasem Nitisiri cho vị trí này.

Nếu tòa án kết luận không có lý do để bãi nhiệm bà, bà Paetongtarn sẽ trở lại ngay lập tức với vai trò thủ tướng.

Ai sẽ thay thế bà Paetongtarn trong thời gian chờ?

Với việc thủ tướng bị đình chỉ, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông vận tải Suriya Juangroongruangkit sẽ tạm thời đảm nhận vị trí quyền lãnh đạo chính phủ.

Ông Suriya, 70 tuổi, là một chính trị gia kỳ cựu, từng giữ nhiều vị trí trong các nội các trước đây và là nhân vật quan trọng của Đảng Pheu Thai cầm quyền.

Thái Lan - Ảnh 2.

Phó thủ tướng Suriya Juangroongruangkit sẽ tạm thời giữ chức vụ thủ tướng Thái Lan - Ảnh: THAI PBS

Bà Paetongtarn vẫn có vai trò trong nội các?

Trước khi quyết định đình chỉ được công bố, trong đợt cải tổ nội các cùng ngày 1-7, bà Paetongtarn đã được bổ nhiệm làm bộ trưởng Văn hóa.

Dự kiến bà sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 3-7, cho phép bà tiếp tục tham dự các cuộc họp nội các với tư cách là bộ trưởng, dù bị đình chỉ vai trò thủ tướng.

Diễn biến tại Quốc hội ra sao?

Quốc hội Thái Lan sẽ họp trở lại vào ngày 3-7. Trước đó, Đảng Bhumjaithai - đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền Thái Lan - đe dọa sẽ đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm đối với bà Paetongtarn và nội các. Tuy nhiên, với việc thủ tướng bị đình chỉ, động thái này tạm thời không thể tiến hành.

Ngay cả khi tiếp tục, Đảng Bhumjaithai vẫn cần sự ủng hộ của Đảng Nhân dân đối lập - nhóm lớn nhất trong Quốc hội nhưng cho tới nay vẫn chưa đưa ra lập trường chính thức về vụ việc của bà Paetongtarn.

Bà Paetongtarn có thể đối mặt thêm vụ việc nào khác?

Ngoài vụ việc tại Tòa án Hiến pháp, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) cũng đang tiến hành điều tra độc lập về việc liệu bà Paetongtarn có vi phạm đạo đức liên quan đến cuộc gọi bị rò rỉ với ông Hun Sen hay không.

Cuộc điều tra này cũng bắt nguồn từ đơn của 36 thượng nghị sĩ nêu trên. Nếu NACC phát hiện sai phạm, vụ việc có thể được chuyển lên Tòa án tối cao, nơi có thẩm quyền ra phán quyết cấm bà Paetongtarn tham gia hoạt động chính trị.

Phản ứng của công chúng ra sao?

Cuối tuần qua, hàng nghìn người đã tham gia biểu tình tại Bangkok, đánh dấu cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi Đảng Pheu Thai lên nắm quyền vào năm 2023.

Người biểu tình yêu cầu bà Paetongtarn từ chức, đồng thời đe dọa sẽ tiếp tục xuống đường với quy mô lớn hơn nếu bà không rút lui.

Hãng tin Reuters cho biết một số lãnh đạo phong trào biểu tình phản đối bà Paetongtarn cũng từng tham gia các cuộc biểu tình lật đổ chính phủ do cha bà - ông Thaksin Shinawatra - và cô của bà - bà Yingluck Shinawatra lãnh đạo trong quá khứ.

Thái Lan - Ảnh 3.

Người dân Thái Lan xuống đường hôm 28-6 yêu cầu bà Paetongtarn từ chức - Ảnh: REUTERS

Ông Thaksin cũng đối mặt áp lực pháp lý?

Cựu thủ tướng Thaksin, cha của bà Paetongtarn, hiện đang bị truy tố vì tội khi quân (xúc phạm hoàng gia) sau một cuộc phỏng vấn năm 2015.

Thái Lan có một trong những luật phỉ báng hoàng gia nghiêm khắc nhất thế giới, với mức án lên tới 15 năm tù cho người bị kết tội xúc phạm hoặc đe dọa Quốc vương Maha Vajiralongkorn và gia đình thân cận.

Tòa án tối cao Thái Lan cũng đang xem xét tính hợp pháp của việc ông Thaksin được điều trị tại bệnh viện thay vì chấp hành án tù sau khi ông trở về nước năm 2023. Một phán quyết bất lợi có thể khiến ông, nay đã 75 tuổi, phải trở lại nhà tù để tiếp tục thụ án.

Thái Lan sau lệnh đình chỉ thủ tướng: Ai sẽ lãnh đạo, kịch bản nào đang chờ? - Ảnh 4.Chính trường Thái Lan diễn biến khó lường trong tháng 7?

Khoảng 10.000 người xuống đường phố Bangkok biểu tình kêu gọi thủ tướng Thái Lan từ chức, báo hiệu tháng 7 đầy sóng gió đối với sinh mạng chính trị của nhà Shinawatra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp