14/07/2025 12:29 GMT+7

Nghề 'câu chơi, trúng thật' ở Đà Nẵng

Trên những con thuyền tròng trành, các ngư dân làm nghề câu ở Đà Nẵng chọn khoảng trời tự do của riêng mình. Nhiều chuyến đi mỗi cần thủ đưa về những mớ cá hàng chục triệu đồng.

cần thủ - Ảnh 1.

Cần thủ Nguyễn Ngọc Ngân với con cá lớn câu được sau chuyến đi biển - Ảnh: B.D.

Một ngày cuối tháng 6, ông Vũ Văn Dũng, phó giám đốc một công ty du lịch ở Đà Nẵng, cùng người cha trở về sau chuyến du lịch Nhật Bản. Thay vì những đồ lưu niệm, ông Dũng khoe hai cha con "ôm được một mớ" dây câu để phục vụ đam mê trên sóng nước.

Mê câu hơn những thứ khác

Ông Dũng cùng cha vợ là hai cần thủ quen mặt trong làng câu gần bờ Đà Nẵng. Mỗi chuyến đi biển của hai người thường vào dịp cuối tuần. Họ thuê thuyền câu rồi đem gạo, mắm, muối lênh đênh trên sóng hai ngày để vừa ngắm biển vừa tìm cá.

Ông Dũng mở nhóm Facebook hội câu cá biển của mình và bảo số anh em hội viên đã lên tới mấy ngàn người. "Mê lắm, cảm giác thả thuyền ra giữa biển rồi buông cần nó như ngấm vào máu, một thứ đam mê chỉ có ai đi câu mới hiểu được. Có nhiều lúc chúng tôi nán lại hai, ba ngày trên biển chẳng muốn trở về đất liền nữa, vì trên biển là tự do, trong khi đất liền ồn ào" - ông Dũng nói.

Luồng biển ôm theo những vách đá, hòn đảo nổi lên giữa mặt nước ở chân đèo Hải Vân vào tới Cù Lao Chàm (Hội An, TP Đà Nẵng) là ngư trường bất tận của dân câu tự do. Nhiều người trong số họ không sống bằng nghề câu mà làm đủ thứ nghề, nhưng mức độ rành vùng biển và cả số tiền đầu tư vào đồ nghề của những cần thủ này bất cứ người chuyên nghiệp nào cũng phải kiêng dè.

Chúng tôi gặp cần thủ Nguyễn Ngọc Ngân khi đang thong dong thả câu trên biển Cù Lao Chàm. Ngó bộ dạng của ông Ngân, không ai nghĩ người này từng làm kỹ sư xây dựng, rồi qua phó giám đốc một công ty vận tải. Cách đây ít năm, sau mấy bận theo bạn ra biển câu chơi, thú vui ngấm vào máu khiến cần thủ này quyết định sắm thuyền và mua đồ nghề thong dong ra biển mỗi bình minh.

Ông Ngân cho biết đa phần dân câu chọn câu mồi giả nhưng ông lại câu mồi sống, mồi thật được mua từ tàu đi đánh lưới của ngư dân.

"Không biết có phải vì vậy mà tôi câu rất bén và trúng liên tục cá lớn. Mỗi chuyến ra khơi, tôi tấp thuyền vào chợ cá bên Duy Nghĩa (bên kia sông Thu Bồn, phường Hội An Đông) để nhặt những con cá hố và tôm phù hợp với loại cá mà mình câu.

Tôi đưa thuyền ngược ra cách đảo Cù Lao Chàm chừng 10 - 20 hải lý rồi buông cần. Cảm giác ngồi trên boong nhìn ngắm biển trời mênh mông, tiếng nhạc từ chiếc loa cầm tay mang theo đủ vừa nghe cho riêng mình trong lúc đợi cá tới đớp động dưới đỉnh cần nó lạ lắm" - ông Ngân nói.

cần thủ - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tung câu con cá mú nặng 43kg - Ảnh: B.D.

Những chuyến đi biển trúng đậm

Ông Ngân cho biết vùng biển Đà Nẵng từ chân đèo Hải Vân về Cù Lao Chàm, dân câu nhiều chuyến trúng đậm. Chuyến đi câu gần nhất kéo dài 4 ngày đêm của ông đem về mớ cá gồm 4 con cá thu nặng 47kg. Thương lái thanh toán ngay khi tàu chưa kịp tắt máy trên bến, ông kiếm được 11 triệu đồng.

"11 triệu đồng là ít. Có chuyến tôi thu được cả tạ cá, nhưng cá ít giá trị hơn. Có lần tôi đang neo câu thì con cá nom chừng cả mấy chục kg cắn câu, lôi cả thuyền đi. Vì sợ dây đứt nên tôi thả trôi để theo con cá từ 8h sáng đến 13h chiều, khi cá có dấu hiệu đuối sức, tôi dìu vô tận mép thuyền thì lại bất ngờ bị giật ra, con cá chạy thoát mất. Nghĩ lại sao mà tiếc" - ông Ngân kể.

Dân câu ở biển Đà Nẵng cho biết cách bờ khoảng 10 - 14 hải lý là câu dễ nhất. Đủ thứ cá như cá thu, cá hồng, cá bò, cá nhồng… Nhiều chuyến người đi câu trúng đậm, đem về bán thu cả hàng chục triệu đồng. Chủ ghe còn cắt lại vây, đầu, đuôi để chiêu đãi anh em.

Thôn Vạn Lăng, Thanh Tam thuộc phường Hội An Đông (TP Đà Nẵng) là nơi hiện có nhiều người coi nghề câu là công việc hàng ngày. Nhiều ngư dân trước đây theo bạn đi lưới ở vùng khơi nhưng khi sức khỏe giảm sút, cuộc sống không còn áp lực chuyện kinh tế nữa thì họ lại chọn cách thả mình tự do trên biển trời để vừa thỏa đam mê vừa được sống với mặn mòi bao la của biển.

Lão ngư Nguyễn Nhẹ, 68 tuổi, thôn Vạn Lăng, tự mình đầu tư một chiếc ghe nhỏ. Trên biển, nhìn chiếc ghe của ông Nhẹ chẳng giống với hình dạng nào so với những con tàu tầm trung đi nghề lưới. Để phù hợp với công việc và ăn ở nhiều ngày trên biển khi đi câu, ông Nhẹ cải hoán ghe, tạo một mái che phía trên. Phía dưới, mỗi chuyến ra khơi ông chất đủ thứ đồ đạc - từ bao gạo, can nước sạch, bếp gas, nước mắm, lọ bột ngọt cho tới đèn pin lẫn chiếc đài radio.

"Mỗi tháng tôi đi câu cỡ 4-6 chuyến. Mùa câu thường bắt đầu từ ra Tết tới hết tháng 8. Chuyến ít cũng được vài chục ký, nhiều thì cả tạ. Năm ngoái riêng tiền bán cá câu của tui được gần 300 triệu đồng. Tất cả từng khoản, từng chuyến được bà vợ ghi chép cẩn thận trong cuốn sổ tay chứ tui không nói điêu" - ông Nhẹ cười kể.

Căn nhà ông Nhẹ nằm bên kia đường bê tông, đối diện rừng dừa Cẩm Thanh. Chiếc ghe câu của ông mỗi chuyến từ biển trở về cũng nằm yên "nghỉ ngơi". Tất cả diễn ra êm ả, nhẹ nhàng trước sự ồn ào náo nhiệt của vùng tâm điểm du lịch Hội An. Ông Nhẹ nói mình biết đi biển từ năm 13 tuổi, xưa thì ông đi bạn, giờ yếu rồi thì sắm ghe đi câu. Các chủ ghe câu ở làng ông cũng y vậy, họ chỉ gặp nhau chào hỏi trên biển, còn lại trên biển thì chia nhau mỗi người một vùng trời, một nơi để thả dây câu.

Theo ông Nhẹ, mỗi chuyến đi biển trừ tổn phí ra ông kiếm được từ 5-7 triệu đồng. Có những chuyến gặp may, trúng luồng cá thì câu được cả tạ cá. Như chuyến hồi tháng 6 mới đây ông câu được 15kg cá thu, 30kg cá nhồng, 20kg cá hồng và bán được 11 triệu đồng.

"Từ đầu mùa câu tới nay tui bán được đâu đó gần 200 triệu đồng tiền cá rồi. Không giàu có gì nhưng cái nghề này nó vui, mình không làm du lịch mà mê đi biển thì cứ như vậy cũng ổn. Đi câu chủ yếu mình sắm ghe, đồ nghề. Còn lại thì chim trời cá nước chẳng biết đâu mà lần, cứ dựa vào kinh nghiệm dạn dày bao năm của mình thì may mắn có ăn, dở quá thì về ít cá" - ông Nhẹ cười kể.

cần thủ - Ảnh 3.

Mồi sống dùng để câu cá của cần thủ Đà Nẵng - Ảnh: B.D.

Trên đảo Cù Lao Chàm cũng hiện có khoảng 30 chiếc ghe câu và ghe lặn của người dân. Thay vì đi lưới, ngư dân Đà Nẵng, Hội An, Cù Lao Chàm chọn cách quanh quẩn ở gần bờ để không quá xa nhà. Vùng biển được bảo tồn tốt nên lượng tôm cá được cho phép đánh bắt cũng đủ để những chủ thuyền có thu nhập mỗi ngày, giữ niềm vui riêng mình.

Chạm trán cá mú khổng lồ

Tháng 1-2024, ghe câu của ngư dân Nguyễn Tung, thôn Bãi Hương (Cù Lao Chàm, TP Đà Nẵng) vào bờ kéo theo phía sau con cá mú nặng gần 43kg. Ngay khi vừa lên cảng, thương lái đã chốt mua với giá 9 triệu đồng. Ông Tung cho biết con cá mú này dính câu khi ông đang thả dây ở cách bờ hơn 1 hải lý.

Trước đó, thỉnh thoảng nhiều lần dân câu ở Đà Nẵng trúng cá lớn, giá trị cao cũng gây xôn xao. Gần nhất, một người đi câu ở ghành đá Nam Ô, dưới chân đèo Hải Vân cũng câu được con cá mú nặng 39kg và bán được hơn 10 triệu đồng.

Nghề 'câu chơi, trúng thật' ở Đà Nẵng - Ảnh 4.Người đi câu cá khắp đất nước

TTO - Theo tâm nguyện cha từng là cựu binh trấn thủ ở Hoàng Sa, một người đàn ông đã vác cần câu và mang di ảnh cha rong ruổi qua các vùng biển đảo Tổ quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp