15/05/2025 09:35 GMT+7

Ngoại giao nhân dân tệ: Trung Quốc đang giành 'sân sau' của Mỹ?

Gói tín dụng 9,18 tỉ USD giải ngân bằng đồng nhân dân tệ cung cấp cho các quốc gia CELAC đang thể hiện nỗ lực vẽ lại bản đồ quyền lực của Bắc Kinh tại ‘sân sau’ của Mỹ.

Ngoại giao nhân dân tệ: Trung Quốc đang giành 'sân sau' của Mỹ? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các đại diện CELAC chụp ảnh trước lễ khai mạc cuộc họp cấp bộ trưởng Diễn đàn Trung Quốc - CELAC tại Bắc Kinh ngày 13-5 - Ảnh: REUTERS

Ngày 13-5, Bắc Kinh tổ chức Hội nghị cấp cao lần thứ tư giữa Trung Quốc và CELAC (Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribê), thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo từ 30 quốc gia.

Tại hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực bằng gói tín dụng mới trị giá 9,18 tỉ USD (66 tỉ nhân dân tệ) dành cho các quốc gia CELAC.

Đặc biệt, các khoản vay này sẽ được giải ngân hoàn toàn bằng đồng nhân dân tệ, đánh dấu một bước đi chiến lược trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Đồng nhân dân tệ - công cụ mềm mới

Việc Trung Quốc cung cấp tín dụng bằng đồng nhân dân tệ không chỉ nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế với các quốc gia Mỹ Latin mà còn là một phần trong chiến lược đẩy mạnh việc quốc tế hóa đồng tiền này - điều giúp Bắc Kinh dần "thoát ly" khỏi ảnh hưởng của đồng USD.

Giáo sư Xu Shicheng từ Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định: "Mỹ Latin đang mở cửa với đồng nhân dân tệ như một phần trong nỗ lực đa dạng hóa tài chính và tìm kiếm các nguồn đầu tư thay thế".

Đồng quan điểm, tiến sĩ Rebecca Ray tại Đại học Boston cũng cho rằng việc Trung Quốc sử dụng nhân dân tệ "là bước đi chiến lược trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng".

Theo ông Eric Orlander, đồng sáng lập Dự án Phát triển Nam Trung Quốc - Toàn cầu: "Họ đang thực hiện nhiều giao dịch bằng đồng nhân dân tệ như thế này hơn, đặc biệt với các thỏa thuận hoán đổi tín dụng giúp quốc gia đi vay dễ dàng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ hơn bằng USD".

Mặc dù các khoản vay của Trung Quốc mang lại nguồn tài chính quan trọng cho các quốc gia Mỹ Latin, nhưng chúng cũng tiềm ẩn rủi ro về nợ công.

Theo tạp chí Foreign Policy, một số quốc gia như Venezuela và Ecuador đã rơi vào tình trạng nợ sau khi nhận các khoản vay lớn từ Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích bày tỏ sự lo ngại về khả năng các quốc gia này sẽ nhượng bộ về mặt chính trị hoặc kinh tế trước Bắc Kinh.

Giành ảnh hưởng tại "sân sau" của Mỹ?

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực để trở thành đối tác phát triển chính của khu vực Mỹ Latin với các gói hỗ trợ tín dụng cũng như sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu "Vành đai và Con đường" (BRI).

Về các dự án hợp tác BRI, các quốc gia như Brazil, Colombia và Chile đã tham gia vô cùng tích cực, với thành quả là đường cao tốc tại Jamaica, cảng Chancay tại Peru, tuyến đường sắt Belgrano tại Argentina...

Về thương mại song phương, theo Hãng tin Reuters, thương mại giữa Trung Quốc và CELAC đã đạt 515 tỉ USD vào năm 2024, tăng mạnh so với con số 12 tỉ USD vào năm 2000. Dự báo con số này sẽ đạt 750 tỉ USD vào năm 2035.

Mới đây, ông Tập tại Hội nghị cấp cao giữa Trung Quốc và CELAC ngày 13-5 cũng tuyên bố sẽ áp dụng chính sách miễn thị thực cho năm quốc gia ở khu vực Mỹ Latin (chưa nêu cụ thể những nước nào).

Không những vậy, ông còn bày tỏ sự sẵn sàng chung tay với các nước trong khu vực để chống lại "chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng".

Với những cam kết mạnh mẽ và các dự án hợp tác chiến lược, Trung Quốc không chỉ nâng cao ảnh hưởng tại khu vực từng là "sân sau" của Mỹ mà còn tạo ra những thay đổi sâu rộng trong quan hệ quốc tế, góp phần định hình lại trật tự kinh tế toàn cầu.

Giáo sư Xu Shicheng khẳng định Trung Quốc và Mỹ Latin "chân thành trong việc hỗ trợ và tiến bộ chung", đồng thời tiếp tục phát triển bất chấp các "nỗ lực cản trở từ Washington".

Ngoại giao nhân dân tệ: Trung Quốc đang giành 'sân sau' của Mỹ? - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Tổng thống Chile Gabriel Boric, Tổng thống Colombia Gustavo Petro và các đại diện khác của CELAC tại Bắc Kinh - Ảnh: REUTERS

Ngoại giao nhân dân tệ: Trung Quốc giành "sân sau" của Mỹ? - Ảnh 2.Mỹ - Trung hạ nhiệt thuế quan: Chỉ là bình yên trước cơn bão?

Sau nhiều tuần căng thẳng leo thang, Mỹ và Trung Quốc bất ngờ đạt thỏa thuận tạm hạ nhiệt cuộc chiến thuế quan. Nhưng theo giới chuyên gia, đây chỉ là sự chậm lại tạm thời của một chính sách kinh tế đầy rủi ro của ông Trump.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp