
Hòa thượng Thích Lệ Trang - trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, tắm Phật - Ảnh: THANH HIỆP
Đại lễ diễn ra trong không khí đặc biệt của dân tộc ta: 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mà hơi nóng của nó như vẫn còn sống động trong lòng người Việt Nam trên khắp toàn quốc và tới đây là đại lễ kỷ niệm 80 năm Quốc khánh.
Đại lễ lần này diễn ra ở TP.HCM khi mà cuộc đụng độ và các cuộc chiến tranh khu vực có tính cách thế giới của sự đụng độ địa - chính trị quốc tế dường như đã mấp mé ở điểm đỉnh và loài người một lần nữa có những dự cảm âu lo nhất định rằng phải chăng chúng ta đang ở trước ngưỡng cửa của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ ba?
Mặt khác, cuộc chiến tranh thương mại với quy mô rộng lớn và nhiều động thái không thể lường trước trên khắp toàn cầu đã nổ ra...
Chính vì thế, chúng ta cũng dễ dàng hiểu được và tán thành chủ đề lớn của Vesak 2025 mà Ủy ban tổ chức quốc tế Vesak chọn lựa, cũng như có sự tán đồng của Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam: "Hòa hợp và bao hàm vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững".
Vì sao vấn đề phẩm giá con người và nhân phẩm (con người và phẩm giá đi đôi với nhau thì đó là nhân phẩm) lại được lựa chọn như một chủ đích quan trọng có tính bao trùm của đại lễ?
Chắc hẳn điều này trước tiên đã đụng đến những di sản quý báu của đạo Phật, Đức Phật để lại cho nhân loại, đó là lòng từ bi hỉ xả - đức hạnh lớn nhất của đạo Phật có gì đó tương tự như bác ái - đức hạnh lớn nhất của Kitô giáo mà hơn lúc nào hết cục diện an ninh thế giới hiện nay cần đến.
Lòng từ bi của Đức Phật là sự yêu thương vô điều kiện với mọi sinh linh và sự sáng suốt và trí tuệ của nó. Sức mạnh của sự từ bi được diễn tả trong mệnh đề thứ hai của chủ đề này: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững.
Điều này khiến chúng ta bỗng nhớ đến vị Giáo hoàng Francis được thế giới kính trọng vừa ra đi, khi ngài tuyên bố từ năm 2019: "Phát triển toàn diện con người là tên gọi mới của hòa bình".
Là người làm công tác nghiên cứu tôn giáo học, tôi đã có may mắn được dự một số kỳ đại hội Vesak trước đây ở Hà Nội (2008), Ninh Bình (2014) và Hà Nam (2019)... khiến tôi có niềm tin rằng đại lễ Vesak lần này chắc hẳn sẽ có những thành công to lớn và đặc biệt hơn nữa khi mà nước đăng cai đã có kinh nghiệm về tổ chức và tạo mọi điều kiện để có thể phát huy những kết quả về tinh thần, nhận thức cũng như ảnh hưởng xã hội rộng lớn của Phật giáo Việt Nam trong mối quan hệ ngày càng khăng khít và đa diện với Phật giáo quốc tế.
Tương tự như vậy, tôi cũng tin tưởng vào sự chỉ đạo và tầm nhìn của Liên hợp quốc và Ủy ban tổ chức quốc tế Vesak.
Còn về phía những người con Phật Việt Nam, đồng bào phật tử cũng như nhân dân ta, sự kiện tôn giáo - chính trị to lớn này chắc hẳn cũng là dịp tái khẳng định vai trò nguồn lực xã hội và tinh thần to lớn của Phật giáo Việt Nam trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn giáo, gắn bó hơn nữa Phật giáo đồng hành với dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Tôi cũng còn một niềm tin có tính hệ luận khác, đây cũng là một cơ hội hiếm có trong một không gian tôn giáo - xã hội hoành tráng, một lần nữa những tư tưởng, triết lý tinh hoa nhất của Đức Phật về từ bi hỉ xả, tuệ giác Phật giáo, khoan dung bằng chánh niệm, chánh niệm trong giáo dục và hành động...
Và bao trùm hơn Phật giáo vì sự thúc đẩy đoàn kết, nỗ lực hợp tác vì hòa bình toàn cầu.
Tất cả sẽ góp phần đánh thức những giá trị thuộc tính của tất cả con người, đó là phẩm giá và nhân phẩm con người - những cơ sở đạo lý của quyền con người hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận