
Các nữ thợ lặn Haenyeo trên đảo Jeju đã duy trì truyền thống lặn tìm hải sản qua nhiều thế hệ - Ảnh: Melissa Ilardo
Tại đảo Jeju, hòn đảo lớn nhất của Hàn Quốc, có một cộng đồng phụ nữ đặc biệt được gọi là Haenyeo, nghĩa là "phụ nữ của biển cả". Họ là những thợ lặn chuyên nghiệp, không sử dụng bình oxy hay đồ bảo hộ hiện đại, mà chỉ dựa vào đôi tay và kỹ năng lặn để thu hoạch hải sản từ biển sâu như bào ngư, nhím biển, bạch tuộc…
Những người phụ nữ của biển cả
Truyền thống lặn biển này được duy trì qua nhiều thế hệ. Phụ nữ thường bắt đầu học nghề từ năm 15 tuổi và có thể tiếp tục công việc cho đến khi đã ngoài 80 tuổi. Ngay cả khi mang thai, họ vẫn tiếp tục lặn, làm việc trung bình 7 tiếng mỗi ngày trong khoảng 90 ngày mỗi năm.
Khả năng lặn của những người phụ nữ ở đây từ lâu đã khiến các nhà khoa học tò mò và tìm cách giải mã.
Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học Mỹ và Hàn Quốc phối hợp thực hiện, được công bố trên Communications Biology ngày 29-4, đã phân tích DNA của ba nhóm phụ nữ: 30 thợ lặn Haenyeo, 30 phụ nữ sống tại Jeju nhưng không làm nghề thợ lặn, 31 phụ nữ sống tại đất liền Hàn Quốc.
Kết quả bất ngờ: những người sống ở Jeju, dù là thợ lặn hay không, đều có cấu trúc gene khác biệt rõ rệt so với người Hàn Quốc ở đất liền. Trong đó, một biến thể gene sarcoglycan zeta, liên quan đến khả năng chịu lạnh, xuất hiện phổ biến hơn ở nhóm này. Gene này giúp kiểm soát phản ứng co thắt mạch máu, yếu tố quan trọng trong việc duy trì huyết áp ổn định khi cơ thể tiếp xúc với nước lạnh.
Ngoài ra, khoảng 1/3 phụ nữ ở Jeju cũng sở hữu một biến thể gene khác gọi là Fcγ receptor IIA, có khả năng giúp giảm viêm thành mạch máu, từ đó ổn định huyết áp tâm trương khi lặn sâu. Trong khi đó, tỉ lệ người mang gene này ở đất liền chỉ khoảng 7%.
Khi thử nghiệm ngâm mặt vào nước lạnh và nín thở (mô phỏng phản xạ sinh tồn khi lặn), những người mang gene này có huyết áp tâm trương ổn định hơn, giảm nguy cơ tăng huyết áp, đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Khả năng lặn không chỉ đến từ gene

Khả năng lặn của những người phụ nữ Haenyeo từ lâu đã khiến các nhà khoa học tò mò và tìm cách giải mã - Ảnh: Apple TV
Ngoài yếu tố di truyền, nghiên cứu cũng ghi nhận sự thích nghi sinh lý đặc biệt của thợ lặn Haenyeo. Nhịp tim của họ giảm mạnh khi lặn, có người giảm hơn 40 nhịp/phút chỉ sau 15 giây, điều không xuất hiện ở nhóm không lặn.
Điều này cho thấy khả năng chịu đựng và thích nghi với môi trường khắc nghiệt không chỉ đến từ gene, mà còn từ quá trình rèn luyện, làm việc lâu dài và liên tục trong nhiều năm.
"Bạn có thể mang trong mình bộ gene đặc biệt, nhưng nếu không được tôi luyện qua nhiều năm thì khả năng chịu đựng cũng không thể đạt được mức như các Haenyeo", TS Melissa Ilardo chia sẻ.
Giáo sư Tatum Simonson (Đại học California, San Diego) nhận định: "Việc kết nối đặc điểm sinh lý của những phụ nữ Haenyeo với di truyền học mở ra một cánh cửa mới để hiểu cách con người thích nghi với môi trường thiếu oxy". Đây có thể là nền tảng cho những nghiên cứu chuyên sâu về bệnh tim, phổi hoặc ứng phó với biến đổi khí hậu về sau này.
Tiến sĩ Cara Ocobock, nhà nhân học tại Đại học Notre Dame, cũng đồng tình: "Đây là kiểu nghiên cứu mà chúng ta cần nhiều hơn, để hiểu được cả tiến hóa lẫn thích nghi trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận