
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, sáng 9-7, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 chính thức khai mạc tại Trung tâm hội nghị Kuala Lumpur, với sự tham dự của bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Timor-Leste, Tổng thư ký ASEAN cùng đại diện quan chức cao cấp của các đối tác.
Ngay sau lễ khai mạc, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cùng các bộ trưởng tham dự phiên họp toàn thể.
Phát biểu tại phiên họp, phó thủ tướng nêu bật những giá trị cốt lõi làm nên thành công của ASEAN, trong đó có đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau.
Trong giai đoạn bất ổn hiện nay, đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN cùng cam kết mạnh mẽ về phát triển bao trùm và bền vững tiếp tục là kim chỉ nam dẫn dắt Cộng đồng ASEAN.
Trên cơ sở đó, ông đề xuất 3 định hướng trọng tâm cho ASEAN trong thời gian tới.
Một là, hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030, ASEAN cần tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Cùng với việc đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối và triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã được nâng cấp, ASEAN cần tận dụng FTA hiện có với các đối tác, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.
ASEAN cần tận dụng thương mại điện tử để khơi thông thương mại nội khối, cũng như mở rộng mạng lưới các thị trường bên ngoài.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tại phiên họp toàn thể - Ảnh: REUTERS
Hai là, hướng tới một cộng đồng số hóa hàng đầu, ASEAN cần đẩy nhanh đàm phán Hiệp định khung kinh tế số, bảo đảm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, hệ sinh thái đổi mới) cần được lồng ghép vào khuôn khổ hợp tác với đối tác để tranh thủ nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật. Những nỗ lực này cần được cụ thể hóa trong các chương trình ASEAN và hợp tác tiểu vùng để tăng tính gắn kết và bổ trợ.
Với vai trò chủ tịch Nhóm Đặc trách sáng kiến liên kết ASEAN (IAI), Việt Nam sẽ phối hợp với các nước triển khai những nội dung này trong Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn tiếp theo.
Ba là, ASEAN cần tăng cường kết nối với người dân để xây dựng cộng đồng thực sự hướng tới người dân,
Chiến lược truyền thông của khu vực cần được thúc đẩy để quảng bá rộng rãi hơn về các thành tựu và đóng góp quan trọng của ASEAN thông qua các câu chuyện người thật, việc thật.
Việt Nam sẽ sớm xây dựng kế hoạch triển khai các văn kiện chiến lược ASEAN 2045 ở cấp quốc gia, nhằm đưa ASEAN tới gần hơn với người dân, doanh nghiệp và địa phương.
Tại phiên họp, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam ủng hộ và phối hợp với các nước chuẩn bị cho tiến trình Timor-Leste gia nhập ASEAN; sẵn sàng hỗ trợ Timor-Leste hoàn tất các tiêu chí, trong đó có việc tham gia các văn kiện pháp lý.
ASEAN củng cố tự cường, thúc đẩy quan hệ với các đối tác
Chiều 9-7, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự phiên họp hẹp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58.
Phát biểu tại phiên họp, ông chia sẻ quan điểm của các nước về những biến động nhanh chóng và bất ổn của tình hình quốc tế thời gian qua; nhấn mạnh vai trò của ASEAN như "một ngọn hải đăng hòa bình", hình mẫu tổ chức khu vực về đối thoại, hợp tác và giải quyết khác biệt bằng biện pháp hòa bình.
Phó thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục củng cố năng lực tự cường và tự chủ chiến lược, đồng thời chủ động thúc đẩy quan hệ với các đối tác, vừa góp phần duy trì cân bằng chiến lược ở khu vực vừa tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức chung.
ASEAN cần phát huy vai trò trung tâm trong định hình và dẫn dắt các tiến trình khu vực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hiện có, trong đó tận dụng vai trò của Ủy ban các Đại diện thường trực (CPR) tại Jakarta.
Đánh giá cao vai trò dẫn dắt của chủ tịch Malaysia, phó thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực xây dựng đồng thuận và tiếng nói chung của ASEAN về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Về Myanmar, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ quá trình phục hồi và tái thiết, đề xuất ASEAN nghiên cứu cách tiếp cận mới, xây dựng kế hoạch thực hiện Đồng thuận 5 điểm với mục tiêu cụ thể, lộ trình rõ ràng và các bước đi khả thi.
Liên quan đến Biển Đông, phó thủ tướng chia sẻ quan ngại về những diễn biến thời gian qua; nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục giữ vững lập trường nguyên tắc, đề cao luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, thúc đẩy đối thoại, kiềm chế, hợp tác xây dựng lòng tin và giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Việt Nam cam kết tiếp tục phối hợp với các nước thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận