
Sau khi sáp nhập Quảng Ngãi - Kon Tum, tỉnh Quảng Ngãi sẽ có 43 dân tộc anh em, bản sắc văn hóa đa dạng bậc nhất cả nước - Ảnh: HÀ NGUYỄN
Việc hợp nhất Quảng Ngãi - Kon Tum sẽ giúp tỉnh Quảng Ngãi mới trở thành tỉnh đa dạng và phong phú về bản sắc văn hóa bậc nhất nước, tạo sự thuận lợi để phát triển du lịch.
Tỉnh Kon Tum hiện có 43 dân tộc anh em
Cụ thể, tỉnh Kon Tum hiện có 43 dân tộc anh em; Quảng Ngãi hiện có 4 dân tộc anh em (Kinh, Cor, Hrê, Xơ Đăng, những dân tộc này Kon Tum hiện tại đều có).
Trong 43 dân tộc anh em tại Kon Tum hiện tại, có 7 dân tộc tại chỗ gồm: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê.
Ngoài ra còn có các dân tộc từ miền Bắc di cư vào như: Tày, Nùng, Thái, Mường, Thổ, Sán Dìu, Sán Chay, Mông, Dao, Lào, Giáy…; từ miền Trung có các dân tộc như: Cơ Tu, Cor, Vân Kiều, Ra Glai, Cơ Ho, Ê Đê, Tà Ôi…; từ miền Nam có 2 dân tộc là Hoa, Khmer.
Bảy cộng đồng dân tộc tại chỗ của Kon Tum đều có bản sắc riêng, họ sở hữu một kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú, sinh động.
Mỗi cộng đồng đều lưu giữ nhiều di sản văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc của mình, nhất là truyện cổ tích, sử thi, dân ca, nghệ thuật điêu khắc, dệt vải, trang phục, làm gốm, chế tác nông cụ và trang sức thể hiện triết lý nhân sinh, nguồn gốc dân tộc, tình yêu thương con người, tình yêu thiên nhiên, đất nước.
Những lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số mang đậm dấu ấn riêng, với cồng chiêng - một loại nhạc cụ đặc trưng được đánh tấu theo những cách khác nhau theo tín ngưỡng dân gian của mỗi cộng đồng.
Cùng với đó, sự đa dạng về cộng đồng dân tộc cũng tạo ra nhiều nghề truyền thống như: nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần, rèn, đan lát, chế tác nỏ, chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống. Đây không chỉ là vật dụng sinh hoạt mà còn là sản phẩm nghệ thuật biểu trưng.

43 dân tộc anh em của tỉnh Quảng Ngãi mới đều có bản sắc văn hóa riêng, một lợi thế để phát triển du lịch - Ảnh: HÀ NGUYỄN
Bản sắc văn hóa đa dạng, động lực phát triển du lịch
Tại buổi làm việc đầu tiên giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Kon Tum bàn chuyện sáp nhập tỉnh, ông Dương Văn Trang - bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, cũng nhắc đến việc tỉnh Quảng Ngãi mới sau sáp nhập sẽ rất phong phú về bản sắc văn hóa, cộng đồng dân tộc.
Ông Trang cho rằng đây là trách nhiệm phải chăm lo, giúp các đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Bên cạnh đó cũng là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nếu quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số.
Thống kê của tỉnh Kon Tum, hiện toàn tỉnh có 479 nhà rông; hơn 2.500 bộ cồng chiêng được lưu giữ và hơn 500 làng đồng bào dân tộc thiểu số có cồng chiêng, có đội cồng chiêng và múa xoang; sưu tầm, phục dựng được 33 lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số; số người dân, nghệ nhân biết nghề truyền thống của dân tộc mình đã tăng lên hơn 12.000 người.

Kết hợp với những cảnh điểm, văn hóa đa dạng sẽ giúp tỉnh Quảng Ngãi mới cất cánh du lịch - Ảnh: HÀ NGUYỄN
Với sự đa dạng về cộng đồng và văn hóa, những năm qua du lịch cộng đồng đang được thúc đẩy. Hiện nay, nhiều thôn, làng ở Kon Tum đã có tên trên bản đồ du lịch, như: Làng Kon Kơ Tu; làng Bar Gốc; làng Vi Rơ Ngheo; làng Đăk Răng.
Sau khi sáp nhập hai tỉnh Quảng Ngãi - Kon Tum, tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ có cộng đồng dân tộc giàu bản sắc bậc nhất cả nước.
Cùng với các điểm du lịch nổi tiếng như: thị trấn Măng Đen, ngã ba Đông Dương, Vườn quốc gia Chư Mom Ray, đảo Lý Sơn, văn hóa Sa Huỳnh… những cộng đồng dân tộc đầy bản sắc sẽ là động lực mới thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.

Với 43 dân tộc anh em cùng sinh sống chan hòa, tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ có thêm nhiều giá trị văn hóa, ẩm thực, lễ hội, kiến trúc... - Ảnh: HÀ NGUYỄN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận