
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2025 do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức - Ảnh: ĐHQG
Trường đại học Ngoại thương vừa công bố thông tin tuyển sinh và công thức quy đổi điểm về thang điểm 30. Trường chỉ xét thí sinh điểm từ 100/150 kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và từ 850/1.200 kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Mỗi trường một phách
Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2025 của Đại học Quốc gia TP.HCM có hơn 126.000 thí sinh dự thi. Thủ khoa đạt 1.060 điểm/1.200. Chỉ có 142 thí sinh đạt điểm từ 1.001 trở lên. 719 thí sinh đạt từ 951 đến 1.000 điểm.
Theo quy chế tuyển sinh, các trường phải đưa ra công thức quy đổi điểm các phương thức của thí sinh về thang điểm 30 và xét tuyển chung.
Theo công thức quy đổi về thang 30 kết quả thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM của Trường đại học Ngoại thương, điểm quy đổi = 27 + (điểm đánh giá năng lực của thí sinh - 850) x 3/350.
Với công thức này, thí sinh thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM với 1.060 điểm được quy đổi ra 28,8 điểm theo thang 30. Thí sinh đạt 1.000 điểm quy đổi thành 28,28 điểm.
Trong khi đó, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM sử dụng công thức: điểm quy đổi = điểm đánh giá năng lực/40. Như vậy, thủ khoa đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM đợt 1 năm 2025 chỉ đạt 26,5 điểm khi quy đổi về thang 30. Thí sinh đạt 1.000 điểm chỉ đạt 25 điểm quy đổi.
Ở phía Bắc, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã công bố kết quả thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2025. Thủ khoa đạt 126/150 điểm. Theo công thức quy đổi của Trường đại học Ngoại thương, thí sinh thủ khoa này đạt 28,56/30 điểm.
Tuy nhiên, theo công thức quy đổi của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định, thí sinh thủ khoa này chỉ đạt 25,2/30 điểm.
Trong khi đó, Học viện Ngân hàng đưa ra thang điểm 10 quy đổi cho kết quả thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội. Có năm mức quy đổi từ thấp nhất 8 điểm (đạt từ 85 đến 94 điểm thi năng lực) và cao nhất 10 điểm (cho thí sinh đạt từ 110 điểm năng lực trở lên). Với công thức tính điểm xét tuyển = điểm đánh giá năng lực x 3, thí sinh thủ khoa có điểm xét tuyển sau quy đổi là 30 điểm.
Như vậy điểm quy đổi giữa các trường có sự khác biệt quá nhiều. Đây là mức chênh lệch điểm vô cùng lớn khi xét tuyển đại học. Khác biệt hơn, Trường đại học Thương mại áp dụng công thức khác nhưng kết quả quy đổi giống như Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định.
Tuy nhiên công thức của Trường đại học Thương mại sẽ còn được nhân thêm hệ số chênh lệch về độ khó của bài thi và sẽ được công bố sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025.
Vẫn chờ hướng dẫn của bộ
Tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ngoài xét điểm thi đánh giá năng lực còn nhiều phương thức khác, trong đó có xét tuyển học bạ.
Với phương thức xét học bạ, trường nhân hệ số môn chính nên cũng đưa ra công thức quy đổi về thang 30.
Chẳng hạn, một thí sinh có điểm trung bình học bạ cả ba môn đều 8,5, quy đổi sẽ đạt 25,5 điểm. Mức điểm này cao hơn 0,5 điểm so với thí sinh thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM đạt 1.000 điểm, quy đổi đạt 25 điểm.
Ông Quách Thanh Hải - phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết các kỳ thi, kết quả với cách đánh giá khác nhau nên không thể so sánh được.
"Điểm học bạ là quá trình học tập của thí sinh, do nhiều giáo viên đánh giá chứ không chỉ một người. Thế nên cũng không thể nói rằng kết quả đó không chính xác so với các kỳ thi khác. Mỗi kỳ thi có mức độ đánh giá khó dễ khác nhau hằng năm" - ông Hải nhận định.
Với việc quy đổi điểm về thang 30, ông Hải cho biết đây mới chỉ là công thức ban đầu cho từng phương thức xét tuyển. Điểm chuẩn như thế nào còn chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ là cơ sở đối chiếu, so sánh với điểm thi của các phương thức khác, từ đó trường đưa ra hệ số quy đổi khi xét tuyển.
Đây cũng là tình trạng chung của các trường đại học. Đại diện một trường đại học cho biết việc trường đưa ra công thức quy đổi không khó nhưng cái khó là làm sao để đảm bảo sự tương đồng và công bằng cho các thí sinh.
Tại hội nghị tổng kết tuyển sinh tháng 3 vừa qua, các trường thống nhất chờ bộ hướng dẫn quy đổi sau khi có đối sánh với kết quả thi tốt nghiệp THPT. Như vậy nhanh nhất cũng phải sau khi công bố kết quả thi tốt nghiệp mới có hướng dẫn của bộ quy đổi về thang điểm 30.
Khó quy đổi tương đương
Từ kết quả nhiều năm tổ chức thi đánh giá năng lực, ông Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM - cho biết rất ít thí sinh đạt được mức điểm trên 1.000. Vì đề thi và mức độ phân loại đa dạng nên ông Chính cho rằng rất khó xác định thí sinh thi đánh giá năng lực 900 điểm tương đương với bao nhiêu điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thêm hệ số chênh lệch độ khó, độ phân hóa
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quang Trung - phó trưởng phòng truyền thông và tuyển sinh Trường đại học Thương mại - cho biết công thức quy đổi về thang điểm 30 của trường cơ bản như thông tin đã công bố.
Tuy nhiên hệ số Ka, Kb (hệ số phản ánh sự chênh lệch về độ khó, phân hóa của bài thi) trong công thức tính sẽ có sự thay đổi sau khi trường đối sánh nhiều kết quả từ các kỳ thi khác nhau.
"Mức điểm 126/150 rất khó để đạt được. Khi quy đổi sang thang điểm 30, thí sinh này phải đạt gần 30 điểm mới phản ánh chính xác sự tương đồng.
Do đó trường tính toán để có hệ số phù hợp với từng kỳ thi. Hệ số phải lớn hơn 1 để có sự tương đồng với kết quả thi tốt nghiệp THPT. Hiện nay chưa có kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Sau khi có kết quả kỳ thi này, dựa vào phổ điểm các kỳ thi trường sẽ đưa ra hệ số Ka, Kb phù hợp. Thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực, tư duy càng cao thì hệ số càng lớn" - ông Trung cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận