
Lấy ý kiến người dân về đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã tại TP Cần Thơ - Ảnh: Q.T.
Tại công văn của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (viết tắt là Ban Chỉ đạo) đã hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến nhân dân về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Lấy ý kiến đại diện chủ hộ gia đình về sáp nhập
Theo đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 quy định đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính phải được lấy ý kiến nhân dân ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp.
UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến nhân dân về chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính bằng các hình thức phù hợp theo quy định của Chính phủ.
Để đáp ứng tiến độ sắp xếp đơn vị cấp tỉnh, cấp xã năm 2025 theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, có sự linh hoạt, chủ động cho các địa phương tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn, kế hoạch ban hành kèm theo nghị quyết 74 của Chính phủ về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã quy định về vấn đề này.

Mẫu phiếu lấy ý kiến cử tri - Ảnh chụp màn hình
Cụ thể, UBND cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sáp nhập (đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh), ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp (đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã).
Cơ quan này cũng quyết định hình thức và trình tự, thủ tục, thời hạn lấy ý kiến phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, bảo đảm tiến độ trình hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính theo yêu cầu tại kết luận số 137 và nghị quyết này.
Phát phiếu, lấy ý kiến qua trang thông tin điện tử, cuộc họp
Để bảo đảm thống nhất về nội dung, trình tự, thủ tục lấy ý kiến nhân dân tại địa phương, Ban Chỉ đạo định hướng UBND cấp tỉnh có thể lựa chọn hình thức phát phiếu lấy ý kiến (theo mẫu gửi kèm).
Hoặc lựa chọn các hình thức phù hợp khác như lấy phiếu qua trang thông tin điện tử, họp đại diện hộ gia đình tại đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố để biểu quyết...
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có thể thực hiện đồng thời với việc lấy ý kiến đối với chủ trương sắp xếp cấp tỉnh.
Căn cứ nghị quyết 60 Hội nghị Trung ương 11, kết luận 137 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đề nghị ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy (nơi được lựa chọn đặt trung tâm chính trị - hành chính) chủ trì, phối hợp với ban thường vụ tỉnh ủy cùng cấp sáp nhập xây dựng đề án sắp xếp cấp tỉnh.
Với việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn của địa phương nào thì ban thường vụ tỉnh, thành ủy nơi đó chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến.
Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang tổ chức lấy ý kiến người dân về phương án sáp nhập tỉnh, xã như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, TP Huế, Cần Thơ, Hưng Yên, Phú Thọ...
UBND cấp tỉnh tổng hợp báo cáo gửi Bộ Nội vụ thẩm định
Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ trong hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải có báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân, ý kiến của HĐND các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
UBND cấp tỉnh (cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp) tổ chức lấy ý kiến nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; quyết định nội dung, hình thức lấy ý kiến theo hướng dẫn của Chính phủ.
Sau khi có kết quả lấy ý kiến nhân dân, UBND cấp tỉnh (cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp) hoàn thiện đề án, gửi HĐND các cấp có liên quan để xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
UBND cấp tỉnh (cơ quan chủ trì) tổng hợp báo cáo chung trên cơ sở báo cáo kết quả của UBND cấp tỉnh cùng sắp xếp (cơ quan phối hợp) gửi Bộ Nội vụ để thẩm định...
Với cấp xã, việc thực hiện lấy ý kiến nhân dân cũng tương tự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận