07/05/2025 08:09 GMT+7

Rộng đường cho hàng Việt vào châu Âu

Chuyến thăm Kazakhstan của Tổng Bí thư Tô Lâm chứng kiến cột mốc lịch sử khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược. Đó cũng là tín hiệu tích cực cho hàng hóa Việt Nam trong nỗ lực tiến sâu hơn vào Trung Á và châu Âu.

Kazakhstan - Ảnh 1.

Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev trao Huân chương Hữu nghị hạng nhất của Kazakhstan cho Tổng Bí thư Tô Lâm - Ảnh: TTXVN

Tại hội đàm ngày 6-5, hai nhà lãnh đạo khẳng định việc thiết lập khuôn khổ quan hệ mới sẽ góp phần thắt chặt hơn năm kết nối giữa hai nước hiện nay - gồm kết nối con người, kết nối kinh tế, kết nối chính sách, kết nối giao thông và kết nối liên khu vực. 

Trong bối cảnh thế giới hiện tại, chuyến đi của Tổng Bí thư Tô Lâm đến bốn nước bạn bè truyền thống, trong đó có Kazakhstan, còn cho thấy nỗ lực đa dạng hóa thị trường của Việt Nam. Lợi ích là hai chiều khi các nước có đường sắt chuyên chở hàng hóa của Việt Nam cũng được hưởng lợi từ khâu logistics.

Khai thông cửa ngõ quan trọng

Không giáp đại dương lớn nên đường sắt được xem như tài sản chiến lược của Kazakhstan, là động mạch quan trọng cho thương mại quốc gia và quá cảnh quốc tế. 

Với chiều dài hơn 21.000km, hệ thống đường sắt Kazakhstan đang được cải thiện mạnh mẽ với kế hoạch đến năm 2030 sẽ có 11.000km trong số này được hiện đại hóa và xây dựng thêm 5.000km đường sắt mới. 

Trong số các dự án đầy tham vọng này có việc xây dựng đường ray thứ hai trên tuyến đường sắt Dostyk - Moyinty, tuyến đường sắt vòng quanh Almaty và hai tuyến mới gồm Darbaza - Maktaaral và Bakhty - Ayagoz.

Trong đó, ga biên giới Dostyk đã trở thành trung tâm xuất khẩu chính sang Trung Quốc và là điểm trung chuyển quan trọng cho thương mại Đông - Tây. 

Trong những năm gần đây, khối lượng hàng hóa ngày càng tăng và năng lực hạn chế đã gây áp lực rất lớn lên cơ sở hạ tầng tại nơi này. 

Tuy nhiên theo truyền thông địa phương, dự kiến đường ray thứ hai của tuyến Dostyk - Moyinty sẽ được hoàn thành trong năm 2025, nâng năng lực vận hành từ 12 lên 60 cặp tàu mỗi ngày.

Song song đó, Kazakhstan cũng nỗ lực hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cho tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspi (còn gọi là "tuyến hành lang giữa"). 

Tuyến này đi từ Trung Quốc sang Kazakhstan, xuyên qua Biển Caspi đến Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu. Đây cũng là một trong những tuyến quan trọng cho vận chuyển hàng hóa từ Đông Nam Á, Trung Quốc sang châu Âu.

"Chúng tôi rất mong chờ và đặc biệt quan tâm tới dự án đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai sẽ được hoàn thành trong ba năm tới" - Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh nhấn mạnh khi trả lời báo chí nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư. 

Một khi hoàn thành, Việt Nam và Kazakhstan sẽ tận dụng được "tuyến hành lang giữa", từ đó đưa hàng Việt tiến vào châu Âu.

"Lúc trước sáng kiến này chưa mang tính khả thi vì khổ đường sắt của Việt Nam chưa được đồng nhất với quốc tế. Tuy nhiên ba năm tới khi đường sắt Việt Nam hiện đại hóa và phù hợp với tiêu chuẩn, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được. 

Kazakhstan sẵn sàng cung cấp, dành khoảng 100 - 200ha đất để xây dựng các trung tâm logistics luân chuyển hàng hóa phục vụ cho các dự án liên quan hợp tác với Việt Nam", ông Kanat Tumysh khẳng định.

Tầm nhìn dài hạn

Chuyến thăm Kazakhstan chỉ là một phần trong bức tranh các nỗ lực mà Việt Nam đang thực hiện để đa dạng hóa thị trường và đối tác. Hiện Kazakhstan đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong Liên minh kinh tế Á - Âu.

Vấn đề hợp tác vận tải đường sắt không phải mới được quan tâm trong chuyến đi Kazakhstan lần này của Tổng Bí thư. Năm ngoái, khi thăm Mông Cổ ông cũng đã nhận được sự cam kết ủng hộ Việt Nam tham gia hiệp định vận tải đường bộ quốc tế ba bên giữa Nga - Mông Cổ - Trung Quốc (đã ký năm 2016).

Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Bộ Xây dựng Việt Nam cũng đã ký kết bảy văn kiện quan trọng trong lĩnh vực đường sắt và đường bộ với các đối tác của Trung Quốc. 

Hai nước đang thúc đẩy ba tuyến đường sắt nối Việt Nam và Trung Quốc theo khổ tiêu chuẩn, qua đó đưa hàng Việt tiến sâu hơn vào thị trường tỉ dân và qua các nước khác.

Cũng trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, với sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhà lãnh đạo Trung Quốc, hai bên đã khởi động cơ chế hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc và thành lập Ủy ban liên hợp hợp tác đường sắt Việt - Trung. 

Đây là bước phát triển mới và dấu mốc quan trọng về hợp tác đường sắt, thể hiện sự quan tâm và quyết tâm của lãnh đạo hai Đảng, hai nước đối với việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước Kazakhstan, ngày 6-5 Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc hội đàm thành công với Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev.

Hai nhà lãnh đạo sau đó cùng chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác và thông qua tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Kazakhstan.

Nhà lãnh đạo Kazakhstan cũng trân trọng trao tặng Huân chương Hữu nghị Dostyk hạng nhất cho Tổng Bí thư Tô Lâm.

Đây là phần thưởng cao quý của nhà nước và nhân dân Kazakhstan. Cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội kiến thủ tướng và chủ tịch Hạ viện Kazakhstan.

Rộng đường cho hàng Việt vào châu Âu - Ảnh 2.Tổng Bí thư Tô Lâm nhận Huân chương Hữu nghị Dostyk hạng nhất của Kazakhstan

Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ Huân chương Hữu nghị Dostyk hạng nhất là sự ghi nhận, trân trọng thành quả của nhiều thập kỷ hợp tác, gắn bó giữa hai nước Việt Nam - Kazakhstan.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp