20/05/2025 10:43 GMT+7

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy

25 năm trước, khi bước chân lên chuyến xe rời TP hoa phượng đỏ Hải Phòng vào TP.HCM lập nghiệp, bà Vũ Thị Thoa (53 tuổi, hiện ngụ phường An Khánh, TP Thủ Đức) chỉ có vỏn vẹn vài bộ quần áo và một ít tiền phòng thân.

TP.HCM - Ảnh 1.

Vào miền Nam đã lâu, bà Thoa vẫn nếp quê chạy xe đạp điện đi bán hàng mỗi sáng - Ảnh: NGỌC SANG

Không bằng cấp, không mối quan hệ thân quen, hành trang duy nhất của bà là sức trẻ và lòng quyết tâm thay đổi cuộc đời ở TP trẻ trung, năng động miền Nam.

Những ngày đầu gian nan nơi xứ lạ

Những năm đầu ngụp lặn mưu sinh nơi đất khách quê người, cuộc sống của bà Thoa cũng không hề dễ dàng. 

Bà cùng chồng vào Nam, đưa theo cả bố mẹ già để tiện chăm sóc. Chồng bà là ông Phạm Văn Hoành (54 tuổi), làm công nhân bốc vác tại Công ty Tân Cảng Sài Gòn, công việc vô cùng cực nhọc nhưng nguồn thu nhập lại bấp bênh.

Ông Hoành trở về nhà sau mỗi ngày vất vả khuân vác trên lưng mấy tấn hàng hóa, làm từ sáng sớm tới tận đêm khuya, chân tay rã rời. Bà Thoa cũng phải xoay xở đủ nghề để kiếm sống. Ban đầu bà làm công nhân cho một cơ sở chế biến mực nhưng thu nhập thấp không đủ trang trải chi phí sinh hoạt của cả gia đình. 

Nên bà quyết định học nghề làm giò, chả Bắc từ mẹ ruột của mình rồi rao bán ở nhiều khu chợ lớn, nhỏ khác nhau. Không có sạp hàng, bà dong xe đạp đi bán dạo khắp nơi, từ chợ đến các khu công nhân để mời khách.

Thời điểm ấy ngoại thành TP.HCM vẫn còn nhiều khu đất trống. Mỗi lần mưa to là y như rằng những con đường đất lầy lội. Căn trọ bà Thoa ở hồi đó cũng lụp xụp, mỗi lần mưa to lại bị nước mưa tràn vào nhà, đêm đến thì chuột bò khắp nơi.

Bà nhớ lại: "Lúc mới vào đây đâu có được như bây giờ, khu trọ tôi ở đường thì toàn đất đá, cỏ dại, nhiều đoạn còn lún sình, đi bán hàng mà cứ sợ ngã xe, hư hết giò, chả. Khách cũng không đông như bây giờ vì khu này hồi đó vắng lắm, chỉ toàn dân lao động nghèo thôi". 

Mãi sau này khi đã có nhiều khách hàng quen, bà Thoa mới tích góp, thuê được một góc nhỏ ở chợ Đo Đạc (quận 2 cũ) để bán giò, chả cho tới tận bây giờ.

Cuộc sống mới ổn định được vài năm thì gia đình bà lại rơi vào khó khăn khi mẹ già mắc bệnh thận khoảng năm 2017 phải chạy chữa mỗi ngày. 

Hôm nào mang tiền chợ về, bà cũng chắt chiu từng đồng để lo thuốc men cho mẹ. Chi phí chạy thận mỗi ngày khoảng gần 1 triệu đồng. Cứ bán hàng ở chợ xong lại đưa mẹ vào viện. Có những hôm hai vợ chồng nhịn cả miếng ăn nhưng chưa bao giờ bà than vãn.

"Nhớ những ngày đó bao nhiêu tiền dồn lại chữa bệnh cho mẹ hết, có bữa tôi chỉ dám ăn cơm chan nước mắm. Mệt lả người nhưng nghĩ đến mẹ, đến con, đến gia đình tôi lại có thêm động lực cố gắng", bà Thoa chia sẻ.

Cuộc sống đôi lúc gặp nhiều khó khăn nhưng bà Thoa chưa bao giờ có ý định sẽ từ bỏ, vì bà biết ở TP này dù khó nhưng kiếm tiền vẫn dễ hơn ở quê. Đặc biệt bà cũng may mắn gặp được rất nhiều người tốt bụng, luôn sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ người gặp cơn hoạn nạn. Bà đã động viên chồng cùng nhau trụ lại với niềm tin tương lai sẽ rộng mở với người biết cố gắng.

TP.HCM - Ảnh 2.

Giò chả của bà Thoa được làm thủ công, không pha trộn nên có nhiều khách mối ưa thích - Ảnh: NGỌC SANG

Cơ hội đến từ sự chịu thương, chịu khó

Mỗi ngày bà Thoa bắt đầu thức từ lúc 2h sáng, nhận thịt tươi gửi từ Đồng Nai lên để làm giò, chả thơm ngon, chất lượng. Thịt được xay nhuyễn trong cối và được trộn đều với gia vị theo công thức truyền thống riêng từ đời ông bà truyền lại. "Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, nếu xay quá lâu hoặc không đúng kỹ thuật, giò sẽ bị bở không có độ giòn dai", bà kể bí quyết.

Sau khi xay thịt xong, bà Thoa nhanh tay bày mâm lá, cẩn thận gói giò vào từng lớp lá chuối, tạo hình thành từng khoanh tròn chắc chắn. Những khoanh giò được bà buộc chặt và đưa vào nồi nước luộc ngay. "Thời gian luộc giò cũng phải canh chuẩn, không quá lâu cũng không quá ngắn, khoảng một giờ để giữ được độ thơm ngon đặc trưng của giò Bắc", bà Thoa chia sẻ.

Sớm tinh mơ, sau khi đã luộc xong giò và chiên xong chả, bà Thoa vội vàng sắp gọn vào chiếc giỏ đan rồi chở ra chợ bán. Suốt bao năm rời quê hương Hải Phòng nhưng bà Thoa vẫn giữ được nếp cũ, chạy chiếc xe đạp mang từ quê vào miền Nam.

Khoảng một năm đầu tiên bà Thoa bán cũng ít khách nhưng bà kiên trì, không bỏ cuộc. Vợ chồng bà động viên nhau cùng cố gắng, dần dà khách quen ngày một đông. Người dân xung quanh khu chợ Đo Đạc vẫn hay mua vì biết bà luôn chọn nguyên liệu sạch và làm thủ công tỉ mỉ, không pha trộn bột hay hóa chất.

"Tôi chẳng bảng hiệu gì cũng có nhiều người tới mua, họ ăn quen lần sau lại ghé. Nhiều hôm bán hết hàng về sớm, có khách tìm tới tận nhà để hỏi mua", bà Thoa khoe. Trời trưa vãn khách, bà lại lúi húi thu dọn đồ về nhà, lo cơm nước cho gia đình và nghỉ ngơi để có sức hôm sau dậy sớm làm giò.

Trước đây bà Thoa kiếm lá chuối để gói giò rất khó. Mỗi buổi chiều bà lóc cóc đạp xe từ TP Thủ Đức sang tận chợ Bà Chiểu để tìm mua, nhiều hôm đi trễ không có hàng, bà phải nhờ người làm chung nghề chia lại. Mãi tới sau này có người nhận giao lá chuối tận nhà, bà mới bớt phần nào vất vả.

Ngoài công việc chính làm giò, chả Bắc, bà Thoa còn nhận gói bánh chưng thuê vào dịp Tết cho người dân ở TP. Công việc vất vả nhưng thu nhập đáng kể. Mỗi mùa Tết bà thức thâu đêm nấu bánh, thiếu ngủ nhưng đổi lại những đồng tiền kiếm được giúp bà chi trả viện phí cho mẹ, lo cho con cái học hành và tích góp để mua nhà.

Cứ mùa Tết đến, một ngày bà Thoa nhận làm khoảng 200kg giò, chả và gói khoảng 100 cái bánh chưng. Nhiều hôm lưng đau ê ẩm, cổ vai cũng mỏi nhừ nhưng bà vẫn cố gắng kiếm thêm tiền lo cho gia đình. Cuộc sống ở TP.HCM dần tốt hơn đối với gia đình bà. Và họ ngày càng tin mình đã chọn đúng miền đất hứa để nỗ lực thay đổi cuộc đời...

Kinh tế gia đình bà dần dư dả hơn trước. Sau hơn 20 năm miệt mài làm lụng, vợ chồng đã để dành tiền mua được căn nhà đầu tiên. Sau đó nhờ sự tính toán khéo léo, bà đã sở hữu thêm nhà mới cho cha mẹ và con cái sau này. Đó là thành quả xứng đáng mà vợ chồng bà gặt hái được sau nhiều năm cố gắng buôn bán, lập nghiệp ở miền đất hứa TP.HCM.

"Ngày ký giấy mua căn nhà thứ ba, vợ tôi khóc cả buổi vì hạnh phúc. Nghĩ lại những ngày ăn cơm trắng với nước mắm, không dám tiêu pha gì mới thấy sự hy sinh là xứng đáng", ông Hoành bộc bạch tháng ngày đổ mồ hôi ở TP miền Nam và kết quả gặt hái được cuộc sống hơn cả giấc mơ...

Tự hào với cuộc sống ở TP

Giờ đây khi nhìn lại quãng đường 25 năm mưu sinh ở TP.HCM, bà Thoa không khỏi xúc động. Chính chọn lựa TP năng động này bà không chỉ lo cho mẹ già yên ổn những năm cuối đời mà còn lo cho các con có cuộc sống tốt hơn.

Khi được hỏi về điều tự hào nhất trong cuộc đời, bà Thoa không ngần ngại trả lời: "Tôi tự hào vì chưa từng bỏ cuộc dù có khó khăn thế nào tôi vẫn lo được cho mẹ, cho con. Và tôi tự hào vì từ hai bàn tay trắng, giờ đây vợ chồng tôi đã có thể ngẩng cao đầu".

*************

TP. HCM mở rộng vòng tay với cả những thân phận nghèo khó. Những người khiếm khuyết, thiệt thòi cũng có thể mưu sinh thiện lương ở TP này...

>> Kỳ tới: Dung chứa những phận người

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy - Ảnh 3.Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới

Thuận, ông chủ trẻ của thương hiệu cháo bột cá lóc Cà Mèn xuất khẩu, nói rất biết ơn khi được thành phố tạo cơ hội tốt nhất cho những người xa quê như anh lập nghiệp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp