06/05/2025 08:31 GMT+7

Thực hư chuyện giảm béo không cần tập thể dục

Một chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng thế giới đưa ra lời khuyên: nếu muốn giảm béo, hãy dừng ngay việc tập thể dục. Liệu điều này có chính xác?

giảm béo - Ảnh 1.

Tập thể dục không thể thiếu trong lộ trình giảm béo - Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Ganla có nói giảm béo không cần tập thể dục?

Vị chuyên gia kể trên là tiến sĩ Ấn Độ Malhar Ganla, đồng sáng lập tổ chức Freedom from Diabetes (thoát khỏi bệnh tiểu đường). Phát biểu này được ông Ganla đưa ra trên Linkedln.

Nguyên văn phát biểu của ông Ganla như sau: "Hãy ngừng việc tập luyện nếu bạn muốn giảm cân. Đúng vậy. Nhiều người nghĩ rằng bước đầu tiên của giảm cân là bước vào phòng tập, bắt đầu chạy bộ, nâng tạ…

Bạn có thể thấy hàng ngàn người làm như vậy, nhưng rồi chẳng giảm được cân nào. Vì sao? Vì vấn đề nằm ở chế độ ăn…".

Trong phần còn lại của bài viết này, tiến sĩ Ganla phân tích rằng bước đầu tiên người giảm béo cần làm là thay đổi chế độ dinh dưỡng, rồi dựa trên cơ sở đó thiết lập chế độ tập luyện phù hợp.

Tóm lại, câu nói: "Hãy dừng ngay việc tập thể dục" của tiến sĩ Ganla là có, nhưng gần như chỉ là một cách mở đầu gây chú ý.

Quan điểm này thực ra đã được giới y học thừa nhận từ lâu. Bác sĩ Võ Châu Duyên, trưởng khoa chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết:

"Điều đầu tiên khi nói về giảm cân là ý chí. Cách thể hiện ý chí rõ nhất là bước vào phòng tập. Nhưng nôn nóng tập luyện nhiều khả năng sẽ dẫn đến tập sai cách, rồi chấn thương, rồi nản, bỏ tập, đâu lại vào đấy".

Theo bác sĩ Võ Châu Duyên, nguy cơ chấn thương với người béo phì cao gấp nhiều lần so với người thường, vì xương khớp của họ phải chịu tải trọng gấp rưỡi, gấp đôi. Chỉ cần tập hơi quá một chút, hoặc sai một chút về tư thế, chấn thương sẽ lập tức xuất hiện.

Nguy cơ chấn thương

Nguyễn Sơn Tùng, chàng trai từng gây sốt cộng đồng mạng khi giảm từ 180kg xuống còn 90kg năm 2024, cho biết anh từng chấn thương nhiều lần khi tập luyện.

"Khi bước vào chế độ giảm cân, cứ khoảng 1-2 tháng tôi lại chấn thương 1 lần, mỗi lần phải nghỉ tập 2-3 tuần. Trong giai đoạn đầu, hầu như chỉ cần đi bộ, bước sai một bước là tôi cũng chấn thương.

May mắn là tôi được một đội ngũ chuyên nghiệp bám sát, và điều này cũng đã nằm trong dự đoán nên sau mỗi lần chấn thương, tôi đều có thể trở lại", Sơn Tùng kể.

Theo bác sĩ Võ Châu Duyên, người giảm béo nên chia quá trình giảm cân thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là giảm 20% cân nặng (ví dụ, 120kg giảm còn 96kg).

Ở giai đoạn này, người giảm béo chỉ nên bơi, tập thể dục dưới nước, đi bộ, yoga và có thể là đạp xe nhẹ nhàng trên máy. Việc tập luyện nên duy trì ở mật độ 3-5 ngày/tuần. Mỗi ngày tập 30-60 phút.

Ở giai đoạn 2 (giảm 10-15% cân nặng ban đầu), bác sĩ Võ Châu Duyên khuyên người giảm béo vẫn chỉ nên tập như giai đoạn đầu, với cường độ tăng dần. Chỉ đến khi giai đoạn 3, dần đưa cân nặng về mức ổn định, người giảm béo mới có thể thử sức với các môn cường độ cao như chạy bộ.

"Tôi nghĩ lý tưởng nhất, người giảm béo cần tìm đến bác sĩ dinh dưỡng, cơ xương khớp, và có thể là cả tim mạch, thần kinh để cùng thảo luận, tìm ra chương trình giảm cân phù hợp. Để việc giảm cân thực sự hoàn hảo, tất cả các mảng này đều quan trọng", bác sĩ Duyên nói.

Thực hư chuyện giảm béo không cần tập thể dục - Ảnh 3.

Sơn Tùng, chàng bác sĩ từng giảm từ 180kg xuống còn 90kg năm 2024 - Ảnh: NVCC

Không phải ai cũng đồng ý

Tiến sĩ Ganla mở đầu bài viết bằng một phát biểu gây sốc, nhưng thật ra nhiều chuyên gia đã phân tích điều tương tự. Dù vậy, họ không đề cao tầm quan trọng của dinh dưỡng bằng cách hạ thấp việc tập luyện.

Cụ thể, bác sĩ Yoni Freedhoff, giáo sư y khoa nổi tiếng người Canada, nói: "Bạn có thể giảm cân bằng cách ăn kiêng, nhưng nếu không vận động, cơ thể bạn sẽ không lành mạnh như vẻ ngoài. Tập thể dục là nền tảng để duy trì sự khỏe mạnh, đồng thời không tăng cân trở lại".

Còn bác sĩ Kevin Hall của Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) nói: "Tập thể dục đúng là không giúp giảm nhiều cân nặng, nhưng nó giúp cải thiện chất lượng giảm cân".

Thực hư chuyện giảm béo không cần tập thể dục - Ảnh 3.Cách hít thở đúng cách khi chạy bộ

Hít thở không đúng cách khi tập thể dục, đặc biệt là khi chạy bộ, có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu suất tập luyện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp