



Khoảnh khắc ông Eugene Wilber lên chiếc F4 định mệnh - Ảnh chụp màn hình từ băng tư liệu
Bị ám ảnh bởi quá khứ của cha và sau nhiều lần bế tắc trong hành trình tìm kiếm sự thật ở Mỹ, ông Tom Wilber, con trai của phi công Eugene Wilber, đã quyết định sang Việt Nam để tìm câu trả lời.
Phim tài liệu Tiếng nói của lương tri lên sóng VTV1 tối 26-4 đã giải mã câu trả lời đó.
Eugene Wilber lên chiếc máy bay F4 định mệnh
Giữa lúc nội bộ nước Mỹ đầy biến động (Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và Tổng thống Johnson từ chức, mục sư Martin Luther King Jr. bị ám sát), trung tá Eugene Wilber lên chiếc máy bay F4 nhận nhiệm vụ bắn phá miền Bắc nhưng bị "lưới phòng không" của Việt Nam bắn hạ ở Thanh Chương, Nghệ An.
Sang thăm Việt Nam, ông Tom Wilber tìm gặp ông Bùi Bác Văn (ngụ huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), một trong hai thanh niên trong làng đã bắt sống cha mình lúc đó.
"Lúc bắt và bàn giao cho dân quân, giữa hai ánh mắt không có gì là hậm hực. Có lẽ khi ấy, ông ấy nghĩ tôi tuổi như con ông (ông Văn lúc đó mới 15 tuổi). Trong cuộc đời của mình, tôi nhớ mãi ánh mắt đó", ông Văn kể lại cho Tom Wilber.
Tom cũng đi thăm gia đình một người phụ nữ khác ở đây, người mà theo lời kể của cha ông "đã được gia đình cho ăn khi bị bắt". 60 năm gặp lại con của người ở bên kia chiến tuyến, bà gọi Tom là "con", "thấy con như thấy cha con".
Sau khi bị bắt, ông Wilber được dẫn giải tới nhà tù Hỏa Lò. Từ tháng 6-1968 đến tháng 8-1971 ông cùng gần 500 tù binh Mỹ bị giam giữ ở đây và sẽ được trao trả nếu hội nghị Paris ký kết.

Ông Tom Wilber
Thời điểm đó, việc giam giữ tù binh phi công Mỹ rất quan trọng đối với Chính phủ Việt Nam để đặt lên bàn đàm phán, đổi lại việc Mỹ chấm dứt chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc và rút quân khỏi Việt Nam. Tuy nhiên đây lại là cái cớ để Mỹ "leo thang" cuộc chiến.
Chỉ tính riêng trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc (từ 1965-1968 và từ 1972-1973), Việt Nam trở thành quốc gia bị ném bom nhiều nhất trong lịch sử, gấp gần ba lần tổng số bom sử dụng trong Thế chiến thứ hai, tương đương sức công phá của 250 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki.
Đi cùng với đó là phong trào phản chiến bùng lên ở chính nước Mỹ.

Tom Wilber thăm lại gia đình đã cho cha ông ăn uống lúc bị bắt - Ảnh chụp màn hình
Chiếc lông chim rơi xuống từ song sắt nhà tù Hỏa Lò
Cha ông từng kể với Tom Wilber, một ngày ông thấy chiếc lông chim rơi xuống cửa sổ từ song sắt phòng giam. Ông chợt nhận ra, dù thân thể trong tù nhưng tâm trí như được cởi trói. Ông bắt đầu nghe tiếng chim, xe đạp, xe tải, tiếng chuông từ chùa Quán Sứ gần đó…
Phim tiết lộ đoạn ghi âm phát ngôn phản chiến của ông Eugene Wilber gửi tới người dân Mỹ vào năm 1969: "Sự đoàn kết thống nhất của nhiều nhóm phản chiến cùng với hàng triệu công dân yêu chuộng hòa bình mong muốn sớm kết thúc chiến tranh Việt Nam khiến trái tim tôi vô cùng hân hoan. Tinh thần ấy sẽ vượt qua mọi trở ngại trên con đường tiến tới hòa bình".
Lời nói của Eugene Wilber đã chạm đến trái tim của nhiều binh lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam, trong đó có hạ sĩ Bob Chenoweth (cựu tù binh chiến tranh bị bắt trong sự kiện Tết Mậu Thân 1968).

Hình chụp màn hình
Nhận ra sự tàn phá của chiến tranh, một số tù binh phản chiến đã thành lập ủy ban gồm tám người, tạo ra tạp chí "Cuộc sống mới" kêu gọi các tù binh khác phản chiến.
Họ cố gắng truyền đi thông điệp hòa bình và kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Ngoài viết thư kêu gọi gia đình tham gia phản chiến, ông Eugin Wber đã tận dụng mọi cơ hội báo chí phỏng vấn để truyền tải thông điệp phản đối chiến tranh.
Ông không muốn trở thành con bài đánh lạc hướng dư luận của chính quyền Nixon, mà muốn mọi người tập trung vào đàm phán hòa bình ở Paris.
Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" cùng phong trào phản chiến của các tù binh Mỹ lên cao và áp lực từ dư luận quốc tế đã khiến Mỹ ký Hiệp định Paris, dẫn đến việc trao trả tù binh.

Phát ngôn trên CBS gây chấn động nước Mỹ - Ảnh chụp màn hình
Tìm lại tiếng nói cho "người đàn ông bị căm ghét nhất nước Mỹ"
Tom Wilber chia sẻ, trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh CBS ngày 1-4-1973, cha ông đã phủ nhận việc bị tra tấn và tuyên bố lý do phản chiến vì lương tri, đạo đức và chính nghĩa.
Câu trả lời của ông Wilber như một quả bom giữa nước Mỹ. Hàng loạt thư chửi bới, thóa mạ được gửi đến tới tấp. Ông đã kỳ công ngồi viết lại hàng loạt thư để lý giải vì sao ông phản chiến.
Tom Wilber kể nội bộ gia đình cũng có những chia rẽ.
Trong thư của bà ngoại gửi cho mẹ ông có đoạn: "Con có hiểu nó đã trở thành người đàn ông bị căm ghét nhất nước Mỹ hay không? Nó đã bán rẻ đất nước mình để được điều kiện sống tốt trong tù".
Tom ở trường cũng bị gọi là "đồ phản bội" nên đã từng trách cha mang bao đau khổ và áp lực cho gia đình lẫn bản thân ông.
Cùng với ông Wilber, những người còn lại của nhóm tù binh phản chiến 8 người cũng đối mặt với những khó khăn tương tự.
Ngoài sự căm ghét và thóa mạ từ dư luận Mỹ, sự chia rẽ trong gia đình, họ còn đối diện nguy cơ bị xét xử tại tòa án binh với các cáo buộc những "kẻ quấy rối", "đồng lõa với lính canh" và "tiết lộ bí mật quân sự"...

Hình chụp màn hình bức thư nói ông Wilber là thằng hèn
Bob Chenoweth kể trung sĩ thủy quân lục chiến Larry Kavanaugh (24 tuổi) - "một người trong nhóm 8 anh em chúng tôi đã tự bắn vào đầu ngày 27-6-1973".
Vợ Kavanaugh lúc đó đang mang bầu đứa con thứ hai, chia sẻ trên báo New York Times: "Lầu Năm Góc đã giết chồng tôi". Còn trên The Washington Post, bà nói: "Bắc Việt giữ anh ấy sống trong 5 năm. Vậy mà khi về Mỹ, các người đã giết chết anh ấy".
"Tôi biết anh ấy đã trải qua khó khăn như thế nào", ông Bob khóc và nói.

Hình chụp màn hình
Ba ngày sau khi Kavanaugh tự tử, các cáo buộc bị hủy bỏ vì không đủ bằng chứng. GS Chris Appy (Đại học Massachusetts Amherst) cho rằng "họ đã không lập tòa án binh vì hiểu không có lợi gì khi làm nổi bật một ngọn cờ phản chiến".
Ông Eugene Wilber sau cuộc trả lời phỏng vấn định mệnh đã im lặng và kiên định suốt phần đời còn lại với điều mà ông ấy nghĩ. Đó là điều thôi thúc Tom Wilber bắt đầu hành trình khôi phục tiếng nói cho cha ông.

Ông Tom Wilber (phải) gặp lại người đã bắt sống cha mình nửa thế kỷ trước - Ảnh chụp màn hình
GS Chris Appy đánh giá người ta thường chỉ biết phong trào phản chiến qua các cuộc biểu tình hoặc trong chính binh lính Mỹ, nhưng câu chuyện của tù binh phản chiến ít được biết đến.
Bởi người ta thường đặt câu hỏi những phát ngôn phản chiến của họ có phải bị chi phối bởi hoàn cảnh đi tù không?
"Những tiếng nói như Wilber là vô cùng hiếm hoi vì ông ấy đã chấp nhận mạo hiểm sự nghiệp cũng như những tin đồn thất thiệt", GS Appy nhìn nhận.
Năm 2015 ông Eugene Wilber qua đời. Tom cho biết ông rất thích thắp hương trước mộ cha.
"Anh trai tôi hỏi những que màu đỏ cắm trên cỏ là gì vậy? Tôi cho biết trong văn hóa người Việt, đốt hương là cách giao tiếp với người đã mất", ông kể lại. "Trước mộ người cha đáng kính của tôi bây giờ có một chậu hoa mà nửa thế kỷ trước nó là một bộ phận của chiếc máy bay ném bom".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận